(vhds.baothanhhoa.vn) - Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nạo phá thai khá cao, và đang có xu hướng gia tăng ở tuổi vị thành niên - gây ra những hệ lụy khó lường... Từ thực tế ấy, vấn đề giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ càng trở nên cần thiết, cần được nhìn nhận và quan tâm đúng mức.

Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Nhìn từ thực tế

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nạo phá thai khá cao, và đang có xu hướng gia tăng ở tuổi vị thành niên - gây ra những hệ lụy khó lường... Từ thực tế ấy, vấn đề giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ càng trở nên cần thiết, cần được nhìn nhận và quan tâm đúng mức.

Giáo dục giới tính cho bạn trẻ: Nhìn từ thực tếViệc giáo dục giới tính, trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản cho bạn trẻ cần được quan tâm đúng mức.

Tại Trường THPT Mường Lát, cùng với chất lượng giáo dục thì câu chuyện học sinh mang thai khi đang ngồi trên ghế nhà trường nhiều năm qua vẫn luôn là vấn đề nhiều trăn trở của nhà trường.

Mấy năm về trước, thời điểm Trường THPT Mường Lát tổ chức đón học sinh lớp 10 cũng là lúc nữ sinh Chá Thị H. (xã Pù Nhi) đã mang bầu mấy tháng. Cái bụng lùm lùm và cả quan niệm con gái không cần phải học nhiều khiến cô nữ sinh này quyết định nghỉ học, ở nhà sinh con. Cũng may, nhờ sự động viên của nhà trường và thầy cô giáo, sau khi sinh con, Chá Thị H. đã quay trở lại trường để đi học.

Tương tự, cũng chỉ mới vài năm trước, đang học dở lớp 12 thì một nữ sinh tên Lò Thị N. (xã Tén Tằn nay là thị trấn Mường Lát) cũng mang bầu và sinh con. Nhà trường sau đó đành phải bố trí một phòng ở tại trường để nữ sinh N. vừa đi học, vừa tranh thủ về nhà chăm con. Cũng may sau đó, nữ sinh đã thi đỗ tốt nghiệp THPT, thầy Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, cho biết.

Và theo thầy Trần Anh Văn, việc học sinh trên địa bàn huyện Mường Lát có thai và sinh con khi đang ngồi trên ghế nhà trường không phải hy hữu. Có nhiều nguyên do dẫn đến thực trạng trên. Bởi do Mường Lát là địa bàn sinh sống của phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số, ở một số nơi vẫn còn hủ tục tảo hôn, rồi cả việc chưa có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, thiếu hiểu biết pháp luật... dẫn đến quan hệ tình dục (QHTD) sớm, mang thai ngoài ý muốn. Trong những năm qua, dù nhà trường đã tích cực phối hợp với các đồn biên phòng, công an, huyện đoàn... thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa nhằm tuyên truyền pháp luật, giáo dục giới tính, vấn đề tảo hôn... song vẫn chưa thể triệt để ngăn ngừa được tình trạng kể trên.

Đáng nói, chuyện thiếu hiểu biết, QHTD sớm không chỉ xảy ra với các bạn trẻ trên địa bàn huyện Mường Lát. Với nhiều năm trong nghề, bác sĩ Lê Thị Nguyên, Phó Khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết: “2 năm trước, một nữ sinh lớp 9 được người thân (không phải bố mẹ) đưa đến gặp tôi để thăm khám vì em có những biểu hiện viêm nhiễm vùng kín bất thường. Qua trao đổi riêng tư, nữ sinh thừa nhận việc mình có QHTD. Đáng nói, em cho biết đã có QHTD nhiều lần, với không chỉ một bạn trai”.

Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Lê Thị Nguyên, trường hợp QHTD sớm như nữ sinh lớp 9 kể trên lại không hiếm. Thực tế, có nhiều bạn trẻ hiện nay đang có xu hướng QHTD từ rất sớm, bất chấp sự thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng, tránh thai nhưng bố mẹ lại không hề hay biết. Chỉ đến khi để xảy ra những hậu quả đau lòng (mang thai ngoài ý muốn) hay gặp vấn đề về sức khỏe thì bố mẹ mới phát hiện. Chưa kể, có nhiều bạn trẻ vì lo sợ đã tự mua và uống các thuốc phá thai không theo chỉ dẫn của bác sĩ, thậm chí tự tìm đến các cơ sở nạo phá thai không an toàn mà không lường trước được những nguy cơ tiềm ẩn. Không hiếm những trường hợp vì phá thai không an toàn, những bạn nữ ấy đã vô tình đánh mất thiên chức làm mẹ sau này.

Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này có 30% là phụ nữ từ 15 - 19 tuổi với 70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có 1,2 - 1,6 triệu ca nạo, phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Trong đó, có những sản phụ chỉ mới 12 - 13 tuổi (theo Báo điện tử Đảng Cộng Sản).

Còn tại hội nghị sản phụ khoa Việt - Pháp 2023 diễn ra vào tháng 8 vừa qua, một nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội cho thấy: Trong tổng số 4.717 hồ sơ đình chỉ thai nghén tự nguyện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2022, có 51 hồ sơ là trẻ vị thành niên, chiếm hơn 1% tổng số ca phá thai. Độ tuổi trung bình của nhóm đối tượng này là 15,7 tuổi, trong đó nhỏ nhất là 12 tuổi và đa số đều đang đi học. Thông qua số liệu thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trường Đại học Y Hà Nội cũng chỉ ra, những năm gần đây, độ tuổi QHTD ngày càng giảm, trong khi đó tỷ lệ phá thai ở trẻ vị thành niên gia tăng (theo Báo Điện tử Chính phủ).

Tại Thanh Hóa, theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong những năm gần đây có 0,5 - 0,7% bé gái tuổi vị thành niên mang thai; 0,7 - 0,8% phụ nữ sinh con trong độ tuổi vị thành niên; và tỷ lệ phá thai trong độ tuổi vị thành niên chiếm từ 0,3 - 1,9% tổng số trường hợp phá thai.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Tùy từng vùng, miền mà tỷ lệ bạn trẻ tuổi vị thành niên mang thai, phá thai, sinh con sẽ khác nhau. Tuy nhiên, nhìn vào những con số thống kê để chúng ta thấy rằng, đây là tình trạng thực sự rất đáng báo động. Nếu không có những biện pháp tuyên truyền, ngăn ngừa, giáo dục phù hợp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy từ việc QHTD thiếu kiến thức ở bạn trẻ, như: nguy cơ lây nhiễm HIV; viêm gan B; mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai dẫn đến tổn thương cơ quan sinh sản, vô sinh thứ phát...".

Với mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên; góp phần đưa vị thành niên, thanh niên trở thành lực lượng lao động khỏe mạnh, phát huy hết tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Một trong những mục tiêu cụ thể của kế hoạch là phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% vị thành niên, thanh niên có hiểu biết về những nội dung cơ bản trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, như: tình dục an toàn; các biện pháp tránh thai; hậu quả của mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn; phòng chống các bệnh về nhiễm khuẩn, lây truyền qua đường sinh dục...

Giáo dục giới tính cho bạn trẻ không phải câu chuyện mới. Tuy nhiên, vấn đề này liệu đã được quan tâm đúng mức? Làm thế nào để bạn trẻ có kiến thức và nhận thức đầy đủ về vấn đề tưởng chừng tế nhị nhưng lại hết sức đời sống, mang ý nghĩa xã hội rộng khắp... Đó là câu chuyện mà sự quan tâm, vai trò, trách nhiệm... không chỉ của riêng bạn trẻ.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]