(vhds.baothanhhoa.vn) - Không cần đến nhà hàng, quán ăn, chỉ cần nhấc điện thoại, lập tức các món ăn với đa dạng sự lựa chọn được đem đến tận nhà. Kinh doanh bếp online mùa dịch, không chỉ đem lại tiện lợi cho khách hàng mà còn gỡ khó cho chủ nhà hàng, quán ăn khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bếp online trong mùa dịch COVID-19

Không cần đến nhà hàng, quán ăn, chỉ cần nhấc điện thoại, lập tức các món ăn với đa dạng sự lựa chọn được đem đến tận nhà. Kinh doanh bếp online mùa dịch, không chỉ đem lại tiện lợi cho khách hàng mà còn gỡ khó cho chủ nhà hàng, quán ăn khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bếp online trong mùa dịch COVID-19Những mâm cỗ trong tiệc mừng thọ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu của nhà bác Lê Văn Quang, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) do “Nấu cỗ Thanh Hoa” đảm nhận.

Nắm bắt nhu cầu ẩm thực cũng như xu hướng mua hàng trực tuyến của khách hàng ngày một gia tăng, nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh đã nhạy bén, linh hoạt chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng cho khách thông qua các ứng dụng trên thiết bị thông minh. Bếp online ra đời với những cái tên như: “Bếp Mỡ”, “Bếp nhà” hay “Nấu cỗ Thanh Hoa"...

Anh Hoàng Văn Tú, nhân viên làm ở “Bếp Mỡ”, địa chỉ tại Cầu Voi, phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Bếp chúng tôi có thể đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng đặt món từ bình dân đến cao cấp với mỗi suất ăn dao động từ vài chục đến 100 nghìn đồng. Các món ăn được đầu bếp nấu tại đây luôn đảm bảo tiêu chí: ngon, bổ, rẻ và được nhân viên giao hàng đến tận nơi chỉ sau 10 - 15 phút. Khách hàng của chúng tôi chủ yếu ở nội thành và vùng ven. Khung giờ phục vụ từ 9h30 - 13h và từ 15h30 - 19h”.

Chủ bếp online “Nấu cỗ Thanh Hoa”, xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), anh Nguyễn Văn Toản cho biết, trước đây, anh có thuê mặt bằng ở TP Thanh Hóa để mở nhà hàng chuyên nấu các món ăn phục vụ đám giỗ, đám cưới, liên hoan... của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ khi xảy ra dịch COVID-19, anh về quê, nấu các món ăn tại nhà theo đơn đặt hàng của khách qua điện thoại. Nhờ có sẵn kinh nghiệm hơn 10 năm mở hàng ăn và đội ngũ đầu bếp, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp nên mặc dù chuyển hình thức kinh doanh mới - bếp online tại quê nhưng đơn đặt hàng của khách qua điện thoại vẫn luôn đảm bảo. Theo anh Toản, khi khách gọi điện đặt mâm, nhà bếp sẽ gửi thực đơn qua zalo, hoặc facebook để khách lựa chọn. Thông thường thực đơn của mỗi mâm cỗ có từ 11 - 13 món ăn, mỗi suất ăn dao động từ 140 - 210 nghìn đồng. Khách đến với nhà bếp, ngoài được phục vụ từ A - Z: bàn, ghế, bát, đũa, phông, rạp..., các món ăn luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chị Lê Thị Hồng Thắm ở phường Ba Đình (TP Thanh Hóa), cho biết: “Tôi ít khi mua thực phẩm tươi sống ở chợ về chế biến vì công việc kinh doanh quá bận. Vì vậy, tôi thường ghé vào nhà hàng, quán ăn mua đồ ăn sẵn mang về. Từ khi có dịch vụ bếp online, tôi không cần phải đến nhà hàng mà gọi điện đặt các món ăn, sau đó nhân viên nhà hàng, quán ăn đem đến. Những món ăn tôi đặt mua qua mạng, nhìn chung ngon, giá cả hợp lý và được nhân viên phục vụ chu đáo. Tôi rất thích loại hình bếp online”.

Bếp online trong mùa dịch COVID-19Mâm cỗ do nhân viên bếp online trình bày.

Là nhân viên một công ty bất động sản có trụ sở tại TP Thanh Hóa nên anh Phạm Văn Hùng không thể về nhà ở huyện Hoằng Hóa để ăn cơm trưa cùng gia đình. Vì vậy, đặt đồ ăn trực tuyến qua các ứng dụng là giải pháp được anh lựa chọn. Theo anh Hùng, đặt đồ ăn qua mạng rất tiện lợi, các món ăn phong phú, giá cả hợp lý và phù hợp cho từng đối tượng từ bình dân đến cao cấp. Thông thường, suất cơm anh đặt từ 30 - 35 nghìn đồng. Sau khi gọi điện, khoảng 10 -15 phút, nhân viên nhà hàng ship đồ ăn đến tận công ty. Đặt đồ ăn online, giờ đây đã trở thành thói quen đối với anh và không ít đồng nghiệp.

Bác Lê Văn Quang, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), cho biết: Dịp sau Tết Nguyên đán năm 2021, gia đình có tổ chức mừng thọ cho cụ thân sinh tròn 100 tuổi. Biết có dịch vụ bếp online - đặt đồ ăn qua điện thoại nên các con của bác đã gọi điện cho “Nấu cỗ Thanh Hoa” đặt 5 mâm cỗ. Gần giờ trưa, nhà hàng họ đem đồ ăn đến, đặt lên bàn rồi trang trí các món ăn. Hơn 70 tuổi, bây giờ bác mới thấy còn có dịch vụ này. Rất nhanh chóng, thuận tiện, các món ăn được nhân viên nhà hàng chế biến rất ngon và được bài trí đẹp mắt. Ngồi ăn ở nhà nhưng bác cảm tưởng giống như ngồi ăn ở nhà hàng.

Bếp online tuy mới hình thành, phát triển trong mùa dịch COVID-19 nhưng đang được đông đảo các tầng lớp người tiêu dùng đón nhận. Bởi, ngoài sự tiện lợi, nhanh chóng và quan trọng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, bếp online đã tạo nên một sự thay đổi lớn - thay đổi thói quen đi ăn của người dân.

Bài và ảnh: Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]