(vhds.baothanhhoa.vn) - Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31-12-2020 về chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo có hiệu lực từ ngày 31-3-2021. Tuy nhiên, số trường mầm non thực hiện hiệu quả chương trình vẫn còn khiêm tốn.

Chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, nhìn từ Thông tư số 50

Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31-12-2020 về chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo có hiệu lực từ ngày 31-3-2021. Tuy nhiên, số trường mầm non thực hiện hiệu quả chương trình vẫn còn khiêm tốn.

Chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, nhìn từ Thông tư số 50Giờ học tiếng Anh với cô giáo EVy của lớp mẫu giáo lớn A, Trường Mầm non Đông Anh.

Chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và khả năng của trẻ đối với ngôn ngữ tiếng Anh trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện. Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, tạo hứng thú với tiếng Anh; hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học...

Trẻ hào hứng, thích thú

Giờ học tiếng Anh ở lớp mẫu giáo lớn A Trường Mầm non Đông Anh (Đông Sơn), học sinh cùng nhún nhảy, múa, hát theo cô giáo EVy, giáo viên người châu Phi qua bài hát “If you are happy” (Khi bạn hạnh phúc). Một buổi học sôi nổi, được học sinh hào hứng, đón nhận.

Đây là năm học thứ 2, Trường Mầm non Đông Anh phối hợp với trung tâm ngoại ngữ tổ chức chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo. Đây cũng là trường mầm non đầu tiên của huyện Đông Sơn được chọn làm điểm cho chương trình này.

Trước đó, giáo viên nhà trường đã thực hiện phần mềm ESING-unso, bộ giáo trình làm quen với tiếng Anh dành cho lứa tuổi mầm non. Một bộ giáo trình mà theo đánh giá, có nhiều tiện lợi cho cả cô và trò. Tuy nhiên, do giáo viên trong trường có trình độ, năng lực tiếng Anh hạn chế nên Trường Mầm non Đông Anh đã thực hiện giải pháp sử dụng giáo viên người nước ngoài. Giải pháp này đã thực sự phát huy hiệu quả. Qua 2 năm học phối hợp với trung tâm, số trẻ em mẫu giáo của nhà trường tham gia gần 80%. “Vấn đề ở đây, yếu tố quan trọng là sự đồng thuận của phụ huynh. Vì thực tế, chương trình là tự nguyện, không bắt buộc. Có giáo viên người nước ngoài, có cơ sở vật chất nhưng phụ huynh không cho con tham gia hoặc tham gia ít thì cũng không thể tổ chức được. Đối với giáo viên người nước ngoài, chúng tôi rất cẩn thận trong việc lựa chọn. Họ phải có chứng chỉ tiếng Anh, nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non... Trong quá trình dạy, nếu nhận thấy giáo viên đó không phù hợp với học sinh, nhà trường sẽ yêu cầu đổi giáo viên...”, cô giáo Lê Thị Mùi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Anh cho biết.

Thực tế, ngay ở các huyện khu vực đồng bằng, không nhiều cơ sở giáo dục mầm non công lập tổ chức được chương trình tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo với giáo viên người nước ngoài như Trường Mầm non Đông Anh. Đối với các huyện miền núi, vấn đề này còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, dù gặp khó nhưng một số huyện đang rất cố gắng, nỗ lực, cho thấy những tín hiệu khả quan.

Chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, nhìn từ Thông tư số 50Cô và trò Trường Mầm non Thị trấn Cẩm Thủy trong giờ học tiếng Anh.

Tại Trường Mầm non Thị trấn Cẩm Thủy (huyện Cẩm Thủy), số trẻ em mẫu giáo tham gia chương trình đạt trên 90%. Đây là con số ấn tượng đối với một trường ở khu vực miền núi. Hiện Trường Mầm non Thị trấn Cẩm Thủy có 13 giáo viên đã được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học ứng dụng công nghệ cho trẻ làm quen tiếng Anh. Chia sẻ của cô giáo Ngô Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Cẩm Thủy: “Giáo viên là người đồng hành trong việc hướng dẫn ứng dụng công nghệ tích hợp liên môn cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Chương trình được số hóa trên phần mềm K12 online kết hợp cùng robot. Dù số lượng học sinh đăng ký chưa cao ở các nhóm lớp, phòng chức năng riêng cũng chưa có, nhưng điều đáng mừng là nhà trường có được sự ủng hộ, đồng hành của đa số phụ huynh”.

Đến nay, ở Cẩm Thủy, 19/19 trường mầm non đã thực hiện có hiệu quả việc dạy và học tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo. Hiện, 164 cốt cán trên địa bàn huyện đã được cấp chứng nhận 5SE. “Giáo viên có thể sử dụng thành thục việc ứng dụng robot, cũng như chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh trong khung yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non. Qua báo cáo của các đơn vị, tại các tiết học, trẻ thể hiện sự hào hứng, thích thú”, bà Lê Thị Hạnh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Cẩm Thủy, cho biết thêm.

Khó khăn đặt ra

Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo được xây dựng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Theo đó, các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.

Rất ít địa phương thực hiện được chương trình này. Phần lớn các trường đang rất e dè và thận trọng vì đây là chương trình mang tính chất xã hội hóa, phải có sự đồng thuận của phụ huynh thì mới triển khai, thực hiện được. Cho trẻ mẫu giáo làm quen sớm với tiếng Anh là điều rất tốt vì đấy là thời kỳ “vàng” của trẻ trong phát triển ngôn ngữ...”. (Bà Trương Thị Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa).

Tuy nhiên, chương trình được xác định là nhiệm vụ khó, lâu dài vì đội ngũ giáo viên tiếng Anh trực tiếp tại các trường còn thiếu, thiếu nguồn để tuyển dụng và cũng chưa thể đáp ứng được bậc học mầm non. Đơn cử tại huyện Đông Sơn, mặc dù đã triển khai đến 15/15 cơ sở giáo dục mầm non trên toàn huyện về nội dung của Thông tư số 50 từ năm học 2022-2023 nhưng đến nay, chưa có trường mầm non nào lựa chọn, sử dụng tài liệu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, cho phép ban hành để sử dụng trong cơ sở giáo dục mầm non của mình. Hiện, trên địa bàn huyện này mới dừng ở 4 trường mầm non phối hợp với trung tâm ngoại ngữ để thực hiện chương trình.

Nói về những khó khăn, ông Phạm Minh Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Đông Sơn cho biết: “Đội ngũ giáo viên các nhà trường chưa có bằng, chưa hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn sư phạm tiếng Anh theo quy định. Hệ thống đồ dùng, đồ chơi, tranh ảnh trực quan để phục vụ các hoạt động giáo dục cho trẻ làm quen với tiếng Anh còn hạn chế. Bên cạnh đó là sự quan tâm của phụ huynh đối với việc cho con em mình tiếp cận tiếng Anh chưa nhiều do điều kiện kinh tế của địa phương đa số là thuần nông”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]