(vhds.baothanhhoa.vn) - Bàn về Thanh Hóa, trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, ở phần Dư địa chí, học giả Phan Huy Chú đã viết: “Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, (…) Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Danh sĩ Thanh Hóa với việc học và khoa cử thời xưa"

Bàn về Thanh Hóa, trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, ở phần Dư địa chí, học giả Phan Huy Chú đã viết: “Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, (…) Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước”.

“Danh sĩ Thanh Hóa với việc học và khoa cử thời xưa

Đất thiêng sinh người tài giỏi. Nhận định của Phan Huy Chú hoàn toàn có cơ sở từ thực tiễn: Thanh Hóa là vùng đất đứng đầu cả nước về danh nhân và nhân vật lịch sử cả trên phương diện số lượng và tầm vóc ảnh hưởng. Một trong những nền tảng của thành tựu này xuất phát từ truyền thống hiếu học và thậm chí là khổ học của cư dân nơi đây.

Trong bề dày truyền thống của xứ Thanh, cuốn sách “Danh sĩ Thanh Hóa với việc học và khoa cử thời xưa” do Trần Văn Thịnh làm chủ biên, Nhà Xuất bản Thanh Hóa ấn hành năm 2019 mang ý nghĩa sâu sắc.

Trong lĩnh vực giáo dục, thi cử, từ rất sớm và liên tục nhiều thế kỷ, Thanh Hóa là vùng đất của học hành, khoa bảng. Thanh Hóa là quê hương của hai vị tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử giáo dục - khoa cử Nho học Việt Nam: Khương Công Phụ, Khương Công Phục thời thuộc Đường; là nơi xuất thân của Trịnh Huệ - Trạng nguyên cuối cùng của nước nhà trong khoa thi năm 1736. Người cuối cùng đỗ đầu kỳ thi Đình dưới thời Nguyễn là Nguyễn Phong Di trong khoa thi năm 1919 cũng là người Thanh Hóa. Nhìn ở một bức tranh tổng thể rộng lớn hơn, trong thời kỳ trung đại, so với các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, giáo dục - khoa cử xứ Thanh nhìn chung đi sau một bước. Dưới thời Lý, sĩ tử xứ Thanh thiếu vắng trên khoa trường. Phải đến thời Trần, từ đầu thế kỷ XIII, khoa cử Thanh Hóa mới bước đầu khởi sắc với những tên tuổi như Lê Văn Hưu, Đào Tiêu… Đến thời Lê sơ, số lượng nho sĩ người Thanh Hóa đỗ đạt ngày càng nhiều. Vào thời Nguyễn, số lượng ông nghè, ông cống ở Thanh Hóa tăng vọt và trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng tiến sĩ, phó bảng, cử nhân.

Truyền thống và thành tựu giáo dục - khoa cử Nho học ở Thanh Hóa rất cần thiết và xứng đáng được nghiên cứu, trình bày trong một công trình tương xứng. Sách Danh sĩ Thanh Hóa với việc học và khoa cử thời xưa của các tác giả Trần Văn Thịnh, Trịnh Mạnh, Lê Bá Chức, Nguyễn Thế Long, Vũ Ngọc Định đã làm được điều đó. Đặc biệt là với vai trò chủ biên của Trần Văn Thịnh, một người có công sức và vị trí nổi bật trong quá trình biên soạn, tổ chức biên soạn hệ thống sách - công trình khảo cứu về địa chí, lịch sử, văn hóa truyền thống ở Thanh Hóa nhiều năm qua.

Với hơn 500 trang sách, khổ 19x27cm, các tác giả đã lần lượt trình bày một cách có hệ thống, khoa học về chế độ giáo dục - khoa cử thời kỳ phong kiến; về thân thế, sự nghiệp của các danh sĩ đỗ đạt khoa trường của xứ Thanh; về trước tác thi văn cùng những giai thoại gắn liền với tên tuổi của các bậc danh sĩ. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng dành dung lượng xứng đáng để trình bày những tư liệu Hán Nôm có giá trị liên quan đến danh sĩ trí thức Nho học ở Thanh Hóa thời kỳ trung đại với các thể loại bia văn chỉ, bia đề danh tiến sĩ, văn bia tiểu sử, đền thờ, lăng mộ, sắc phong, thần tích. Phần cuối của sách là hệ thống phụ lục được thống kê, trình bày dưới dạng bảng biểu, danh sách, giúp người đọc có thêm một bức tranh nối dài của lịch sử giáo dục Thanh Hóa đến thời kỳ hiện đại.

Có thể nhận thấy rằng để có được dung lượng đồ sộ và phong phú, đa dạng trong cuốn sách, các tác giả đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết cho quá trình sưu tầm, đối chiếu các nguồn tư liệu, tài liệu thành văn và truyền khẩu, đi thực địa, khảo sát ở nhiều địa phương, vùng miền trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở một nguồn dữ liệu phong phú, dày công biên soạn, cuốn sách gần như trở thành một bộ bách khoa về giáo dục - khoa cử và truyền thống hiếu học của xứ Thanh. Qua từng chương mục, người đọc được dẫn dắt, thuyết minh một cách tường tận về việc học hành, khoa cử và lập thân, lập nghiệp của tiền nhân quê hương mà không cảm thấy nặng nề hay khô khan.

Giá trị lớn nữa của cuốn sách là việc sưu tập rất công phu bộ ảnh hiếm quý giúp người đọc có được cái nhìn tổng quát về việc học hành và thi cử thời xưa.

Với những người có niềm yêu thích đối với địa chí, lịch sử, văn hóa truyền thống và di sản của tiền nhân, cuốn sách “Danh sĩ Thanh Hóa với việc học và khoa cử thời xưa” thực sự là một tác phẩm giá trị, một món quà quý. Cuốn sách sẽ rất hữu ích đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, cũng như công tác khuyến học, khuyến tài ở Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung trong thời kỳ hiện đại.

GS.TS.NGND Đỗ Thanh Bình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]