(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong nguy luôn có cơ, vấn đề còn lại là chúng ta có đón nhận được cơ hay không? Điều đó phụ thuộc vào khả năng thích ứng của ngành giáo dục mỗi địa phương.

Dạy và học trực tuyến ở khu vực miền núi: Trong nguy có cơ

Trong nguy luôn có cơ, vấn đề còn lại là chúng ta có đón nhận được cơ hay không? Điều đó phụ thuộc vào khả năng thích ứng của ngành giáo dục mỗi địa phương.

Dạy và học trực tuyến ở khu vực miền núi: Trong nguy có cơ

Thầy và trò Trường Tiểu học Thành Sơn, xã Thành Sơn (Quan Hóa) chủ động làm quen với công nghệ, chuẩn bị sẵn sàng học trực tuyến khi cần.

Với quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đang tích cực lên phương án, tập huấn việc dạy và học trực tuyến để sẵn sàng triển khai khi cần. Tuy nhiên, hình thực này đang bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, đặt biệt với các trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thế nhưng, chính trong thách thức lại thêm những cơ hội cho giáo dục miền núi.

“Có khó ló cái khôn”

Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước Hà Tự Nhiên thì, nhược điểm của dạy học trực tuyến là không kiểm soát được việc học của học sinh, không có sự tương tác giữa người dạy và người học. Đồng thời, khi dạy học trên các phương tiện thông tin đại chúng, bắt buộc gia đình học sinh phải có máy tính, điện thoại.

Nếu triển khai học trực tuyến trong thời điểm hiện tại, chỉ một số xã gần trung tâm huyện như Điền Lư, Điền Trung, Thiết Ống, Ban Công… áp dụng được, bởi nơi này có điện, có mạng internet và đời sống Nhân dân khá hơn nên trang bị được điện thoại, máy tính cho con em học. Tuy nhiên, hiệu quả cũng khó được như kỳ vọng vì những nơi kết nối được mạng thì chất lượng đường truyền cũng hạn chế.

Dạy và học trực tuyến ở khu vực miền núi: Trong nguy có cơ

Việc thiếu các trang thiết bị cần thiết ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học trực tuyến.

Cũng gặp phải những khó khăn tương tự, thầy Lê Thiên Thơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Sơn, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa, cho biết Thành Sơn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa, sóng điện thoại chập chờn, nơi có nơi không, điều kiện trang thiết bị học tập của học sinh còn thiếu thốn.

Trường có gần 300 học sinh thì chỉ có khoảng 10% gia đình học sinh có điện thoại thông minh, chưa đến 10% gia đình học sinh có laptop và hơn 20% gia đình có tivi , gần 80% gia đình học sinh chưa có kết nối mạng internet. Chưa kể, tính tự học của học sinh tiểu học chưa cao, nhất là đối với học sinh lớp 1, 2. Các em cần phải có sự giám sát, hỗ trợ của phụ huynh trong quá trình học trực tuyến. Bởi nếu để trẻ tự ở nhà học sẽ khó khăn dẫn đến không an toàn. Tuy nhiên, hơn 50% phụ huynh học sinh của trường đi làm ăn xa, gửi con ở nhà cho ông bà chăm sóc. Ông bà không có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin để trợ giúp cho con em mình trong việc học.

Bất cập, khó khăn có thể nhìn thấy nhưng trong trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến trường trong một giai đoạn dài thì việc dạy học online là cần thiết. Và để khắc phục, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước đã có hướng dẫn việc dạy học. Theo đó, các đơn vị, trường học đánh giá lại mức độ an toàn để tham mưu quyết định việc dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến.

Ở những vùng chưa có dịch COVID-19, thủ trưởng các đơn vị xây dựng các phương án dạy học tập trung các nội dung cốt lõi các môn học, hoạt động giáo dục của từng bài. Đặc biệt chú ý với cấp tiểu học, trong đó lớp 1, 2 ưu tiên dạy tiếng Việt, Toán và hoạt động trải nghiệm giúp học sinh hình thành kỹ năng đọc viết, nghe nói, tính toán. Đối với lớp 3, 4, 5 ưu tiên dạy môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, khoa học, lịch sử và địa lý; khuyến khích dạy học trực tuyến buổi hai và các môn năng khiếu. Các em không có điện thoại, thầy cô giáo chia các em theo nhóm để học cùng các bạn có thiết bị.

Với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến ở những thôn, bản vùng cao, hoàn cảnh gia đình khó khăn, sẽ có hai hình thức dạy học khác là, hướng dẫn phụ huynh các em lớp 1, 2 xem các bài giảng trên truyền hình và giao bài trực tiếp. Cụ thể, nhà trường giao các tổ chuyên môn phân công giáo viên thuộc các môn văn hóa cơ bản (văn, toán, ngoại ngữ, sinh, lý, hóa, sử, địa) ra các bài tập để ôn tập các kiến thức cho học sinh, rồi tổng hợp thành một đề chung, sau đó in và phô tô bảo đảm đủ cho mỗi em 1 đề. Các giáo viên được phân công sẽ đến từng thôn, bản vào tận nhà để phát các đề bài tập cho học sinh theo danh sách. Sau thời gian quy định, các thầy cô lại đến từng nhà thu bài của các em và phát cho các em đề mới. Sau khi thu bài sẽ tổ chức cho giáo viên bộ môn chấm chữa bài cho học sinh. Trong quá trình đi thu và phát đề cho các em, các thầy cô sẽ trực tiếp hướng dẫn, bổ sung các kiến thức mà các em chưa hiểu; tuyên truyền nhắc nhở các em biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Dạy và học trực tuyến ở khu vực miền núi: Trong nguy có cơ

Trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, đặc biệt là các bé lớp 1, 2 gặp nhiều khó khăn trong việc học trực tuyến.

Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bá Thước cũng lưu ý, đối với những học sinh về từ vùng dịch hoặc có liên quan đến các F, nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng đề cương chi tiết và kết hợp giao tài liệu hướng dẫn tự học; thường xuyên kiểm tra việc học của học sinh, đồng thời làm tốt các phương án kiểm tra, đánh giá thường xuyên với học sinh thông qua các hình thức trực tuyến; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đoàn thể, phụ huynh trong việc quản lý, nhắc nhở học sinh học tập…

Cơ hội cho tương lai

Mặc dù hình thức học online là rất khó khăn cho công tác dạy và học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tuy nhiên nhìn ở một góc độ khác, chính trong thách thức này lại hé lộ các cơ hội lâu dài cho giáo dục miền núi.

Dạy và học trực tuyến ở khu vực miền núi: Trong nguy có cơ

Không chỉ đáp ứng những cơ hội trước mắt, hình thức học online còn mang lại các cơ hội về lâu dài cho học sinh miền núi.

Trước hết, ở góc độ của học sinh, việc học tập online chính là “lửa thử vàng” để rèn luyện sự kiên trì, tinh thần tự giác học tập của các em. Đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng và cần thiết trong thời kỳ toàn cầu hóa như hiện nay. Trên thực tiễn, thời gian vừa qua xã hội đã chứng kiến rất nhiều tấm gương các em học sinh dân tộc thiểu số mượn điện thoại di động trèo lên đỉnh núi, ra bờ ruộng thậm chí dựng lán ăn ngủ tại chỗ tìm sóng internet để học tập.

Còn ở góc độ của giáo viên, thầy cô cũng đã chủ động tìm hiểu về công nghệ thông tin để áp dụng công nghệ vào giảng dạy, điều tưởng chừng chỉ dành cho các giáo viên trẻ.

Chuẩn bị cho việc học trực tuyến, giáo viên ở độ tuổi nào cũng phải tự mình tìm hiểu Google Meet hoạt động ra sao, Zoom trình bày bài giảng thế nào, MS team, Google Classroom giao bài và chấm bài…

Việc học trực tuyến tại nhà qua màn hình điện thoại hay mang bài đến nhà giao cho học sinh cũng được xem là cơ hội để thầy cô biết thêm hoàn cảnh của học sinh, từ đó tăng cường kết nối, thấu hiểu học sinh của mình hơn và có những phương pháp giáo dục cho phù hợp.

Không chỉ đáp ứng những cơ hội trước mắt, hình thức học online còn mang lại các cơ hội về lâu dài cho học sinh miền núi. Ngày 12-9-2021 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Thực hiện chương trình này, trong năm 2021 toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc sẽ được phủ sóng. Đối với việc cấp máy tính cho học sinh, Chương trình dự kiến ngay tại lễ phát động huy động gần 1 triệu máy tính bảng cho các em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sang giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023), Chương trình tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.

Trong một thế giới kết nối toàn cầu như hiện nay, khoảng cách số đồng nghĩa với khoảng cách về học tập và khoảng cách này sẽ còn rộng hơn khi giáo dục ngày càng đòi hỏi trẻ em phải làm chủ những kỹ năng số và công nghệ. Lỗ hổng lớn về học tập này đồng nghĩa với lỗ hổng lớn về tiềm năng thu nhập của các em trong tương lai và nếu chúng ta không hành động ngay hôm nay thì khoảng cách số sẽ càng lớn hơn.

Tận dụng cơ hội, khắc phục những trở ngại, trẻ em khu vực dân tộc thiểu số, miền núi sẽ tiếp cận được phương pháp giáo dục 4.0, bắt nhịp được với những kiến thức, công nghệ hiện đại, sẵn sàng chủ động học tập, làm việc trong mọi tình huống như thiên tai, bão lũ, sạt lở…

Trong nguy luôn có cơ, vấn đề còn lại là chúng ta có đón nhận được cơ hay không? Điều đó phụ thuộc vào khả năng thích ứng của ngành giáo dục mỗi địa phương.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]