(vhds.baothanhhoa.vn) - Sự bùng nổ của công nghệ đã mang đến cho trẻ em có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với các thông tin trên mạng internet. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, mạng xã hội (MXH) cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực, làm cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ. Bởi vậy, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được xác định là việc làm quan trọng hiện nay, và phải bắt nguồn từ mỗi gia đình.

Gia đình - “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Sự bùng nổ của công nghệ đã mang đến cho trẻ em có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với các thông tin trên mạng internet. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, mạng xã hội (MXH) cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực, làm cản trở sự phát triển toàn diện của trẻ. Bởi vậy, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được xác định là việc làm quan trọng hiện nay, và phải bắt nguồn từ mỗi gia đình.

Gia đình - “lá chắn” bảo vệ trẻ em trên không gian mạngChị Đinh Thị Năm, thôn Nguyên Hưng, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) hướng dẫn các con tham gia mạng xã hội.

Chị T.H.M (TP Thanh Hóa) chia sẻ: "Do công việc bận rộn, nên mỗi khi các con đi học về hoặc vào ngày nghỉ tôi phải dùng chiếc điện thoại kết nối internet làm công cụ “trông trẻ”. Khi tham gia vào MXH các con tôi thường xem video, tiktok, youtube, phim hoạt hình, chơi game hoặc học tiếng Anh online... Thông qua MXH, các cháu đã tiếp thu được nhiều kiến thức hữu ích, từ học tập, đến giải trí, tiếp cận thông tin... Nhưng, bên cạnh mặt tích cực thì cũng không tránh khỏi việc các cháu bị nhiễm thông tin có chứa những nội dung không lành mạnh, phản cảm, các video “rác” hướng dẫn các trò chơi bạo lực, thực nghiệm nguy hiểm, trò đùa gây hại, món ăn kỳ dị... Nguy hiểm hơn, từ MXH, một số đối tượng lợi dụng sự non nớt, chưa hiểu biết của trẻ em để lôi kéo, dụ dỗ... Bởi vậy, để đảm bảo an toàn cho con khi tham gia MXH, hằng ngày khi có thời gian rảnh tôi đều hướng dẫn cho con những kỹ năng, kiến thức cơ bản như: không ấn vào đường link lạ, biết cung cấp thông tin đúng cách, không kết bạn, giao lưu với người lạ hoặc học theo các video xấu trên mạng xã hội. Đồng thời, cũng thảo luận với con về thời gian dành cho MXH để cân bằng các hoạt động thể chất khác. Ngoài ra, tôi cũng phải thường xuyên kiểm soát lịch sử tra cứu của con trên MXH để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không tiếp cận với nội dung xấu. Giáo dục cho con mình những thủ đoạn phạm tội của đối tượng xấu trên MXH để hình thành khả năng nhận biết, tự phát hiện, tự phòng ngừa và tự bảo vệ chính mình trước những mối nguy hại đe dọa...".

Không chỉ ở thành phố các bạn nhỏ mới tiếp cận MXH từ sớm, mà tại các vùng nông thôn, miền núi, trẻ em cũng đã quen với việc sử dụng MXH. Chị Đinh Thị Năm, thôn Nguyên Hưng, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), cho rằng: "Trong thời đại công nghệ số, chúng ta cũng không thể cấm trẻ em tham gia vào MXH, bởi điều này sẽ hạn chế việc trẻ tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, MXH cũng như “con dao hai lưỡi”, bên cạnh những lợi ích mang lại, thì trẻ em cũng có thể dễ dàng gặp phải những rủi ro như: bị lừa đảo trên mạng, bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo, hoặc bị bắt nạt trên mạng... Từ đó hình thành lối suy nghĩ và cách ứng xử không phù hợp với thực tế cuộc sống. Bởi vậy, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo tôi gia đình chính là “lá chắn” quan trọng nhất. Do đó, tôi phải thường xuyên dành thời gian để quan tâm, hướng dẫn các con biết tiếp thu, chắt lọc thông tin, sử dụng thiết bị thông minh, tham gia MXH một cách an toàn, lành mạnh tránh xa những thông tin xấu, độc, nguy hiểm. Đồng thời, quan tâm định hướng để chẳng may có sự cố trên MXH xảy ra thì con cái có thể mạnh dạn chia sẻ, trò chuyện với mình hoặc với bạn bè, thầy cô để tìm cách tháo gỡ...".

Có thể thấy rằng, trong thời đại mạng internet bùng nổ như hiện nay, đã tạo cơ hội cho trẻ em là những công dân số từ rất sớm. Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa cho biết: Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam thì Việt Nam có đến 96,9% trẻ sử dụng mạng internet. Trẻ sử dụng internet chủ yếu để học tập, nghiên cứu chiếm tỷ lệ 83,1%; 71,5% trẻ em sử dụng internet để xem phim, nghe ca nhạc; việc xem các chương trình giải trí, đọc tin tức của trẻ chiếm 70,9%. Bên cạnh đó, trẻ em còn sử dụng internet để giao lưu, kết nối bạn bè chiếm 71,2% và mục đích chơi trò chơi điện tử, trực tuyến lên tới 58,7%. Trên thực tế, không thể phủ nhận vai trò của công nghệ đối với đời sống của trẻ em trong việc cung cấp kiến thức và tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ em sử dụng internet nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần, hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên MXH. Ngoài ra, thực tế hiện nay cũng cho thấy, tình trạng học sinh tham gia MXH không an toàn; xâm hại trẻ em trên không gian mạng ngày càng có dấu hiệu gia tăng trên phạm vi cả nước nói chung và địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng; các bài viết, video có nội dung xâm hại trẻ em được đăng tải, thu hút nhiều lượt xem, tương tác, bình luận gây dư luận xấu.

Việc bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia MXH và thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em đã và đang trở thành vấn đề cấp thiết hiện nay. Trong đó, gia đình chính là “lá chắn” quan trọng nhất để định hướng cho trẻ tham gia MXH an toàn, lành mạnh. Mỗi phụ huynh cần đồng hành, thể hiện vai trò tích cực trong việc chia sẻ và giáo dục con em mình khi tham gia MXH. Cần hướng dẫn trẻ cách kết bạn, giao tiếp và ứng xử trên mạng an toàn và lành mạnh. Thường xuyên theo dõi nội dung mà con truy cập qua các phần mềm hỗ trợ quản lý trẻ em sử dụng internet, kiểm soát thời lượng trẻ sử dụng MXH. Đồng thời, sử dụng giải pháp công nghệ như cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung xấu, độc, không phù hợp với trẻ em. Tích cực phối hợp với nhà trường, các ngành chức năng trong việc định hướng, tạo cho trẻ em những kỹ năng cần thiết trên không gian mạng. Từ đó, góp phần hình thành cho trẻ “sức đề kháng” để chống lại những cạm bẫy trên không gian mạng.

Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành có liên quan như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội... Từ việc thực hiện chương trình sẽ góp phần đảm bảo các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ em phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]