(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã rất lâu, các em học sinh ở bản Vui, bản Giá, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa muốn đến trường thì phải chèo đò, bè mảng... vượt qua con sông Mã hùng vĩ đi tìm con chữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gian nan con chữ bản nghèo

Đã rất lâu, các em học sinh ở bản Vui, bản Giá, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa muốn đến trường thì phải chèo đò, bè mảng... vượt qua con sông Mã hùng vĩ đi tìm con chữ.

Vượt sông đến trường

Bản Vui, bản Giá cách trung tâm xã Thanh Xuân (huyện Quan Hóa) từ 12 - 15cây số đường đất dốc nằm ở bờ bên kia sông Mã. Để đến trường, các em học sinh THCS ở 2 bản này đã phải đi qua những chuyến đò chòng chành, lắc lư. Không áo phao, không thiết bị cứu hộ nhưng nhiều em nhỏ cũng vẫn lên đò sang sông đến trường. Con đò chỉ duy nhất có một người lái chở theo nhiều em học sinh cứ chung chiêng, lắc lư theo con nước đã trở thành phương tiện quen thuộc không thể thiếu của các em.

Hành trình đi tìm con chữ của các em học sinh bản Vui, bản Giá vô cùng gian nan, vất vả. Khi con sông Mã vào mùa nước cạn, việc đi học của các em được đều đặn. Nhưng vào mùa mưa lũ, dòng sông Mã trở nên hung dữ, khiến con đò nhỏ không đủ sức để vượt qua. Nhiều hôm, các em học sinh đã phải bỏ lỡ việc học của mình khi nước lên.

Các thầy giáo vượt sông để “gieo” chữ tại khu Vui, khu Giá.

Anh Nguyễn Bá Đại - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân, cho hay: “Bản Vui có 29 học sinh, bản Giá có 49 học sinh, các em đều phải đi đò vượt sông để đến trường đi học. Do phải đi đò qua sông Mã nên các em đã ở lại bán trú tại trường, chỉ cuối tuần mới được về nhà. Nếu trời mưa to nước sông lên nhà trường sẽ không cho về, các thầy cô giáo sẽ nấu ăn chăm sóc cho các em”.

Con đò nhỏ đi qua con sông Mã ở bản Vui do người dân tự góp tiền mua. Mỗi một hộ gia đình sẽ trực đưa đò 3 ngày, vừa vận chuyển hàng hóa, vừa đưa các cháu sang sông đi học. Cứ như vậy, các hộ dân ở bản phải thay phiên nhau để đưa đò. Chính vì lẽ đó mà kinh nghiệm lái đò, hiểu về nguồn nước đối với một số hộ cũng không nhiều, chưa kể đến những hôm người già trực, sức yếu tay mềm nên rất nguy hiểm.

Các em học sinh ở bản Vui, bản Giá xã Thanh Xuân đến trường trên những chuyến đò chòng chành qua sông Mã.

Với những bậc phụ huynh thì nỗi lo con trẻ đến trường khi phải qua sông luôn hiện hữu. Chị Hà Thị Thanh ở bản Vui, chia sẻ: “Mỗi ngày khi các cháu đến trường chúng tôi đều nơm nớp lo lắng, nhưng gia đình thì hoàn cảnh, bố mẹ còn phải đi làm nương rẫy, không thể theo con từng bước chân được. Khi nào thấy các cháu về đến nhà là tôi mừng. Chưa thấy con về thì tôi chưa hết nỗi lo, trông ngóng”.

Ông Cao Hồng Nghĩa - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng bản Vui, cho biết: “Các em học sinh phải ở lại trường học, không về. Chỉ có cuối tuần mới về. Cả bản có 114 hộ, mỗi hộ thay phiên nhau trực ở bến đò 3 ngày, hết phiên nhà này lại đến nhà khác, cứ thế thay nhau để chèo đò”.

Trèo đèo, vượt suối, vượt sông để “gieo” chữ

Ở đây, hàng ngày các thầy giáo ở Trường THCS Thanh Xuân đã phải vượt sông, suối, trèo đèo, băng rừng vượt núi hơn 6km để đến dạy học tại điểm trường bản Vui, bản Giá. Những ngày trời nắng thì bụi bặm, khi mưa xuống, đường trở nên lầy lội, khó đi, rất nguy hiểm cho các thầy giáo.

Khu lẻ ở bản Vui.

Anh Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường TH Thanh Xuân, cho biết: “Do khó khăn về đường đi nên các thầy giáo được bố trí vào dạy học tại khu Vui, khu Giá. Đa số các thầy là đi buổi. Khó khăn lớn nhất là đường đi, những hôm trời mưa, con đường lấm lem bùn đất, trơn trượt không vững tay lái sẽ bị ngã. Trong này điện thoại không có sóng nên các thầy rất khó khăn khi liên lạc với gia đình”.

Khu Vui của Trường MN Thanh Xuân có 37 em học sinh, hiện nay đang học trong phòng học được làm tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá. Cô giáo Lê Thị Dung, chia sẻ: “Lớp học được người dân bản lên rừng chặt cây về làm nên chưa được kiên cố, vào mùa đông thì lạnh giá, mùa mưa thì dột nát, cả cô và trò đều vất vả. Nhiều hôm trời lạnh, mưa dột chúng tôi phải cho học sinh nghỉ tạm để bảo đảm sức khỏe”.

Sông Lô


Sông Lô

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]