(vhds.baothanhhoa.vn) - Giáo dục giới tính cho trẻ luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Để làm được điều này, bên cạnh nhà trường, thì gia đình có vai trò rất quan trọng.

Giáo dục giới tính cho trẻ, hãy bắt đầu từ mỗi gia đình

Giáo dục giới tính cho trẻ luôn là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Để làm được điều này, bên cạnh nhà trường, thì gia đình có vai trò rất quan trọng.

Giáo dục giới tính cho trẻ, hãy bắt đầu từ mỗi gia đìnhPhụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn, giáo dục giới tính cho con trẻ.

Xã hội phát triển mạnh cả về thông tin lẫn công nghệ số, kéo theo cả một số hệ lụy tác động đến tâm lý, hành vi, lối sống của trẻ. Theo nhiều chuyên gia, khi trẻ biết đi và nói chuyện, phụ huynh nên bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ. Trước hết dạy cho trẻ nhận biết được cơ quan sinh dục trên cơ thể, sau đó có những hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, giới tính.

Chị Lê Thị Hường, phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đã bắt đầu giáo dục giới tính cho con gái chuẩn bị vào lớp 1. Thay vì giải thích theo kiểu trực tiếp, chị dạy con thông qua sách, báo, truyền hình, hoặc trong những lần tắm cho con. Qua đó giáo dục cho con những kỹ năng cơ bản về chăm sóc cơ thể, tránh nguy cơ bị xâm hại.

Chị Phạm Thị Thu Hoài, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) cho rằng, giáo dục giới tính cho trẻ trước hết là vai trò, trách nhiệm từ bố mẹ, không nên trông chờ, ỷ lại từ phía nhà trường. Bố mẹ cần trang bị sẵn sàng những kiến thức tối thiểu về vấn đề này để giải đáp những tò mò, thắc mắc của con trẻ. Khi giáo dục giới tính, cha mẹ cũng cần giải đáp rõ ràng, không cười đùa, hời hợt với thắc mắc của con…

Cô giáo Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) cho biết, việc giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ là điều hết sức quan trọng, đòi hỏi cả sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ở độ tuổi bậc tiểu học, là giai đoạn trẻ tiếp thu mọi thứ từ bố mẹ, vì vậy phụ huynh cần thiết lập mối quan hệ tin tưởng với trẻ, đặc biệt trong vấn đề về giới tính.

Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Mường Lát, chị Quách Thị Trang, cho biết: “Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ là điều hết sức cần thiết. Đây là biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết thống, kết hôn sớm hay tảo hôn ở huyện Mường Lát. Bên cạnh việc động viên, tuyên truyền cho phụ huynh, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính cho học sinh là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, sân khấu hóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo viên có thể trực tiếp tư vấn, giáo dục các vấn đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giáo dục giới tính, tình dục… giúp các em hiểu và ý thức hơn trong cách chăm sóc, bảo vệ bản thân”.

Theo bà Phạm Thị Thu Hòa, Giảng viên khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Hồng Đức, mục đích của việc giáo dục giới tính giúp con trẻ nhận thức đúng đắn hơn về tình dục, đồng thời chuẩn bị cho trẻ hành trang kiến thức cơ bản nhằm tránh nguy cơ bị xâm hại, lợi dụng. Chỉ khi trẻ hiểu được giới tính thì mới hiểu được bộ phận trên cơ thể của mình. Hiện nay, có không ít thầy cô, cha mẹ ngại ngần khi nói chuyện về giáo dục giới tính cho con trẻ. Tuy vậy đây là vấn đề cần làm, nên làm và bắt buộc phải làm khi trẻ bắt đầu biết nhận thức, thấy được sự khác biệt cơ thể của mình so với các bạn khác giới. Ở lứa tuổi mầm non, phụ huynh nên giáo dục giới tính cho trẻ, bắt đầu từ việc nhận biết tên gọi của bộ phận sinh dục trên cơ thể, khi giáo dục giới tính bố mẹ cần thể hiện sự tế nhị, cởi mở đúng mực, tránh cho trẻ có sự nhìn nhận sai lệch về giới tính.

Cũng theo bà Phạm Thị Hòa, ở mỗi giai đoạn tuổi khác nhau, phụ huynh cần có nội dung, phương pháp giáo dục giới tính khác nhau. Khi trẻ bắt đầu vào độ tuổi dậy thì, cơ thể thay đổi rất nhiều, cha mẹ cần nắm bắt tâm sinh lý, trò chuyện cởi mở hơn trong vấn đề tình dục, sinh sản. Trên cơ sở giúp các con tự chăm sóc bản thân tốt hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế) cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai ở lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng gia tăng. Các em còn khoảng trống rất lớn về kiến thức sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình… Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình cho thanh thiếu niên, giai đoạn 2017 - 2020” ra đời đã góp phần thay đổi nhận thức về giáo dục sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho lứa tuổi học đường.

Năm 2017, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tiến hành tập huấn cho 148 giáo viên và học sinh, chủ yếu tư vấn và cung cấp dịch vụ, sinh hoạt ngoại khóa về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên… Trong giai đoạn 2018 – 2020, chi cục tổ chức được 534 cuộc sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh các trường THCS, THPT, nhằm cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý, tình bạn khác giới, tình dục an toàn, phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tình dục, tránh thai an toàn… cho các em. Thông qua các buổi sinh hoạt, giúp cho trên 42.000 học sinh có thêm kiến thức bổ ích, giải quyết những băn khoăn, thắc mắc về những thầm kín của bản thân, đủ tự tin khi nói về vấn đề khác giới. Đồng thời, chi cục đã tổ chức 25 hội thi tìm hiểu về chăm sóc sức khỏe sinh sản tại 94 trường THCS, THPT của 15 huyện tham gia Đề án “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình cho thanh thiếu niên”, thu hút trên 12.840 học sinh và thầy cô giáo tham gia. Đồng thời, phối hợp với trung tâm y tế 15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức 15 cuộc truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản cho 960 bố mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, thiếu niên. Thông qua các hoạt động trên, giúp họ có phương pháp giáo dục giới tính cho con một cách phù hợp.

Bài và ảnh: TRUNG LÊ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]