(vhds.baothanhhoa.vn) - Con tham gia làm việc nhà không phải để giảm bớt công việc cho bố mẹ, quan trọng là tạo cho con học tính tự lập và tinh thần trách nhiệm. Đây được xem là cuộc thử thách với con trẻ nhưng sẽ giúp con có thêm nhiều bài học quý trong cuộc sống...

Hướng dẫn con làm việc nhà

Con tham gia làm việc nhà không phải để giảm bớt công việc cho bố mẹ, quan trọng là tạo cho con học tính tự lập và tinh thần trách nhiệm. Đây được xem là cuộc thử thách với con trẻ nhưng sẽ giúp con có thêm nhiều bài học quý trong cuộc sống...

Hướng dẫn con làm việc nhà

Bố mẹ vắng nhà, cậu bé Nguyễn Đăng có thể tự nấu ăn.

Tạo cho con tình yêu lao động

Bố mẹ đi làm không về buổi trưa, cậu bé Nguyễn Đăng, 10 tuổi ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) đã dùng bếp từ để nấu canh và hâm lại thức ăn, sau đó rửa bát, quét dọn nhà cửa. Dù chỉ có vài tiếng ở nhà nhưng cháu đã có thể “tự biên, tự diễn” để chu toàn công việc khi bố mẹ đi vắng. Theo chia sẻ của chị Hòa Vi, mẹ cháu Đăng thì ngay từ khi lên 5, chị đã hướng dẫn con làm việc nhà. Tùy theo mỗi độ tuổi mà chị dạy con những công việc phù hợp. “Xây dựng ý thức cho các con là điều rất quan trọng, sẽ hình thành thói quen, biết chia sẻ công việc với người khác. Dù có thể bản thân con làm không được tốt, nhưng con đã biết việc để làm và khi đã làm quen rồi thì sau này lớn lên con không còn bỡ ngỡ. Khi 5 tuổi, con tôi có thể chỉ lau cái bàn hoặc nhặt rác bỏ vào đúng nơi quy định, tự mặc quần áo nhưng khi con 9-10 tuổi, đã rửa được bát, nấu một số món ăn dễ... Con làm được những điều này, phải có sự hướng dẫn của bố mẹ và phải giải thích cho con hiểu, vì sao con phải làm như thế”, chị Hòa Vi bộc bạch.

Câu chuyện của chị Quỳnh Diệp ở phường An Hoạch (TP Thanh Hóa) lại mang đến sự hóm hỉnh, mà ở đó con gái chị, cháu An Chi, dù mới 6 tuổi nhưng đã biết rửa bát, đũa, nồi niêu. Chị kể: “Mỗi lần con thấy mẹ rửa bát, lại sà đến, nói cho con rửa cùng. Thực ra, tuổi của con, việc này chưa phù hợp lắm nhưng tôi vẫn hướng dẫn con làm để đáp ứng theo sở thích của con. Có lần, tôi phải đi làm sớm, bát đũa bỏ vội vào chậu để chiều về rửa nhưng chiều về thì con bảo, con rửa bát đũa hộ mẹ rồi. Thời gian đấy, con học online ở nhà do dịch COVID-19. Dù rất ngạc nhiên và không quên nói lời cảm ơn con nhưng sau đấy, tôi vẫn phải mang toàn bộ bát đũa ra rửa lại và không để con trông thấy. Con làm việc nhà, dù chưa giỏi nhưng quan trọng là qua công việc người lớn đã tạo cho con sự yêu lao động. Đó là điều rất quý và tôi luôn ủng hộ”.

Tránh tạo áp lực cho con

Khi cha mẹ hướng dẫn con làm việc nhà cũng chính là dạy con kỹ năng sống, ở đó là tính tự lập và tinh thần trách nhiệm. Khi con được bố mẹ giao nhiệm vụ và bản thân người con cũng thích thú với công việc đó, có nghĩa là đã tạo cho con niềm tin, sự bản lĩnh để có sự phấn khích, phấn đấu làm công việc tốt hơn.

Hướng dẫn con làm việc nhà

Tham gia làm việc nhà, tạo cho con tình yêu lao động...

Tuy nhiên, có những ông bố, bà mẹ lại không thích con tham gia làm việc nhà hoặc có hướng dẫn con nhưng khi con làm không đúng lại quay ra trách mắng. Như trường hợp của chị Lê Minh ở phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa) dù đã dạy cho con trai 8 tuổi làm việc nhà như gấp quần áo, quét nhà nhưng lần nào chị cũng phải lớn tiếng với con vì làm chậm chạp và cẩu thả. Chị nói: “Không thể bố mẹ làm mà con ngồi chơi được, phải biết làm những việc đơn giản nhất. Có vẻ con không tập trung hoặc không thích nên nhà quét vẫn bẩn, quần áo gấp lộn xộn, nói rất nhiều lần vẫn không tiếp thu, khiến tôi rất bực và không thể không mắng được”.

Thực tế, khi con tham gia làm việc nhà là bố mẹ phải chấp nhận kết quả công việc không được như ý muốn. Vì vậy, cần có sự kiên nhẫn và nhắc nhở nhẹ nhàng, thậm chí, hướng dẫn cụ thể cho con.

Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, Viện tâm lý Sunnycare (TP Hồ Chí Minh):

“Dạy con làm việc nhà thực sự cần thiết, vừa rèn luyện tính kỷ luật, phát triển sự tự tin, đặc biệt là tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình, giúp trẻ cảm thấy mình đang đóng góp công sức vào hạnh phúc của gia đình. Tuy nhiên, tùy vào lứa tuổi mà lựa chọn công việc phù hợp để giao cho con. Cha mẹ phải gương mẫu và biết cách giao việc không sẽ bị phản tác dụng. Ngay khi con làm sai, không nên bực dọc sẽ tạo áp lực cho trẻ. Phải hiểu sai lầm luôn có giá trị để cải thiện ở lần sau. Và thực sự cần thiết để biểu dương con đúng lúc, đúng chỗ, phải áp dụng nguyên tắc, ghi nhận quá trình chứ đừng ghi nhận kết quả, nhận xét về hành vi chứ không nhận xét về con người...”.

Bài và ảnh: Việt Anh


Bài và ảnh: Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]