(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều năm liên tục, điểm trung bình môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trên phạm vi cả nước luôn đứng ở vị trí “đội sổ”. Điều này phản ánh thực trạng dạy và học môn Lịch sử hiện nay.

Khi lịch sử là môn học tự chọn: Truyền cảm hứng để mang tình yêu lịch sử đến học sinh

Nhiều năm liên tục, điểm trung bình môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trên phạm vi cả nước luôn đứng ở vị trí “đội sổ”. Điều này phản ánh thực trạng dạy và học môn Lịch sử hiện nay.

Khi lịch sử là môn học tự chọn: Truyền cảm hứng để mang tình yêu lịch sử đến học sinh

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học môn Lịch sử ở Trường thpt Như Thanh.

Từ tính chất nặng nề...

Gần 30 năm đứng lớp, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) Hoàng Thị Hải, đã chứng kiến nhiều câu chuyện vui, buồn từ môn Lịch sử mang lại. Vui vì trong nhiều năm, chất lượng giáo dục mũi nhọn môn Lịch sử luôn được nâng cao khi năm nào nhà trường cũng có giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thậm chí có năm còn đạt giải quốc gia. Tuy nhiên, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả chưa thực sự khả quan. Cô giáo Hoàng Thị Hải chia sẻ: “Do tính chất nặng nề của môn Lịch sử nên phần lớn học sinh nhà trường chỉ thi gì học nấy, chủ yếu mang tính đối phó, vì vậy kết quả không được cao, chưa phải top đầu của tỉnh, thường ở top 20”.

Tính chất nặng nề như Phó hiệu trưởng Hoàng Thị Hải đề cập đó là tính chính trị, tính giai cấp và tính lịch sử còn quá nặng ở môn Lịch sử Việt Nam. Là một giáo viên giỏi, với nhiều kinh nghiệm trong phương pháp giảng dạy, cô Hải cũng đã từng phải nghe những lời tâm sự rất thật của học sinh. Phó hiệu trưởng Hoàng Thị Hải kể lại: “Khi tôi giảng bài, học sinh rất thích nghe nhưng lại nói với tôi: cô ơi, cô chỉ cho phép chúng em nghe thôi, đừng bắt chúng em phải nhớ nhiều. Đấy, lịch sử của mình đang còn nặng về sự kiện và đó cũng là cái khó cho học sinh”.

Nằm trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, Trường THPT Lê Văn Hưu cũng ở trường hợp tương tự khi hàng năm nhà trường luôn có học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh nhưng kết quả lại rất khiêm tốn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thầy giáo Lê Đình Sinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng, môn Lịch sử gặp khó khăn trong công tác dạy và học bởi do tác động của nhiều yếu tố khách quan hoặc do bộ môn có đặc thù với nhiều sự kiện khó nhớ hoặc do định hướng nghề nghiệp của học sinh đăng ký theo khối khoa học xã hội giảm so với trước đây... Thầy giáo Lê Đình Sinh nhấn mạnh: “Không ai chán ghét lịch sử nước mình mà chỉ thích hay không thích. Vấn đề không chỉ ở chương trình phù hợp mà phương pháp giảng dạy cũng rất quan trọng”.

Không nên biến điều khó thành khó hơn

Hai yếu tố cơ bản được xem là quyết định đến sự yêu thích của học sinh đối với môn Lịch sử, thứ nhất là bản thân chương trình phải mang tính chất phát huy được năng lực đặc biệt và thu hút học sinh. Thứ hai là phương pháp dạy học của giáo viên để có giờ học đạt kết quả tốt, tạo sự hứng thú cho học sinh. Học Lịch sử khó nhớ hết các mốc thời gian, sự kiện. Thời gian sai thì sự kiện sai. Còn dạy Lịch sử đòi hỏi phải có sự logic, từ sự kiện này logic với sự kiện kia mới tạo tính liên hoàn, nếu không sẽ rất khó nhớ. Theo chia sẻ của Phó hiệu trưởng Trường THPT Thiệu Hóa Hoàng Thị Hải thì cả hai yếu tố nói trên đều rất quan trọng, vì vậy giáo viên vừa phải nhiệt huyết, đam mê vừa phải biết biến những điều khó thành đơn giản thì học sinh mới hiểu và yêu thích môn Lịch sử, chứ không nên biến điều khó thành khó hơn, phức tạp hơn.

Nội dung chương trình còn khá nặng, đòi hỏi giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp bằng nhiều cách. Ở Trường THPT Như Thanh (Như Thanh), hiện môn Lịch sử đã được giáo viên nhà trường đa dạng hóa hình thức giảng dạy. Giáo viên môn Lịch sử Nguyễn Xuân Tịnh cho biết: “Môn Lịch sử với đặc điểm khó học, khô khan, kiến thức trong sách giáo khoa còn mang nặng tính hàn lâm. Để khắc phục khó khăn này, chúng tôi phân loại đối tượng học sinh để truyền đạt kiến thức, sử dụng phương pháp dạy học cho phù hợp và đã có hiệu quả nhất định. Ví dụ, đối tượng học khối khoa học tự nhiên, giáo viên sử dụng bài giảng bằng giáo án điện tử, phim tài liệu... Với học sinh học môn Lịch sử để dự thi tốt nghiệp THPT, không xét thi đại học, giáo viên tóm lược kiến thức cơ bản bằng sơ đồ tư duy, sơ đồ hóa kiến thức"... Từ Trường THPT Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa) cô giáo Trần Thị Thu, giáo viên môn Lịch sử lại chia sẻ một bí quyết dạy tương đối hiệu quả. “Tôi dạy cách học mẹo cho học sinh. Trước tiên, tôi xây dựng thành các chuyên đề cung cấp kiến thức cho học sinh, xác định những điểm tương đồng và khác biệt cho các đơn vị kiến thức có nội dung so sánh. Tiếp theo, khi làm đề tôi hướng dẫn học sinh giải đề bằng phương pháp KKGG, xác định từ khóa, loại trừ các đáp án sai để tìm ra đáp án đúng đối với những câu khó trong đề cần độ tư duy cao. Về cơ bản, phương pháp này áp dụng khá hiệu quả trong 2 năm vừa qua”.

Từ môn bắt buộc chuyển sang tự chọn có thể sẽ khiến cho học sinh ngày càng xa rời môn Lịch sử. Tuy nhiên, dù bắt buộc hay tự chọn, thích hay không thích môn Lịch sử, quan trọng vẫn là ở sự thay đổi nội dung chương trình và phương pháp dạy học.

Năm 2021, cả nước có 637.005 thí sinh tham gia bài thi Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đạt điểm trung bình là 4,97 điểm, số học sinh đạt điểm dưới trung bình là 331.429, chiếm tỷ lệ 52,03%.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]