(vhds.baothanhhoa.vn) - Được triển khai tại 10 trường học trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, mô hình truyền thông “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học” đã tạo ra sân chơi bổ ích, giúp học sinh tự hoàn thiện bản thân, góp phần lan tỏa mạnh mẽ văn hóa ứng xử trong gia đình và nhà trường.

Lan tỏa văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình và nhà trường

Được triển khai tại 10 trường học trên địa bàn toàn tỉnh bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, mô hình truyền thông “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học” đã tạo ra sân chơi bổ ích, giúp học sinh tự hoàn thiện bản thân, góp phần lan tỏa mạnh mẽ văn hóa ứng xử trong gia đình và nhà trường.

Lan tỏa văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình và nhà trườngTrường THCS Dân tộc nội trú huyện Quan Hóa đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa ứng xử trong gia đình, trường học qua hình thức sân khấu hóa.

Để tăng cường hơn nữa việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai thí điểm mô hình truyền thông "Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học” cho học sinh tại 10 trường THCS, THPT ở các địa bàn: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, huyện Như Thanh và huyện Quan Hóa. Với các nội dung trọng tâm được truyền thông, như: Bộ quy tắc ứng xử trong trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo; văn hóa ứng xử trong gia đình Việt Nam hiện nay; những nguyên tắc ứng xử cơ bản trong gia đình; 4 tiêu chí ứng xử trong gia đình: Tôn trọng- bình đẳng - yêu thương - chia sẻ; giáo dục giới tính, phòng ngừa xâm hại tình dục, phòng ngừa ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội; kỹ năng lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác; các văn bản về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, về văn hóa ứng xử trong trường học... Đến nay, chương trình truyền thông đã thu hút được sự tham gia của hơn 10.300 học sinh và hàng nghìn giáo viên.

Tham gia chương trình, các trường được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình truyền thông đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nội dung theo tiêu chí ban hành. Bằng sự nhiệt tình và tư duy sáng tạo của các em học sinh và thầy cô giáo, chương trình truyền thông được tổ chức phong phú, sinh động với đa dạng hình thức, như: Vẽ tranh, truyện ngắn, xây dựng clip, xây dựng các tiểu phẩm, hùng biện... Đã có hơn 1.490 tranh vẽ về chủ đề gia đình, nhà trường, thầy cô, bạn bè; 600 mẩu truyện ngắn, hàng trăm bài hùng biện và thông điệp phản ánh sâu sắc thực tế cuộc sống, những mối quan hệ ứng xử trong gia đình, trường học và xã hội. Qua đó đã góp phần định hướng những chuẩn mực đạo đức để học sinh học tập và làm theo.

Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Quan Hóa được chọn tổ chức thí điểm chương trình truyền thông “Giáo dục đạo đức lối, sống trong gia đình; quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học” ở huyện Quan Hóa. Để chương trình đạt hiệu quả, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện với các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, các giá trị văn hóa, truyền thống, văn hóa ứng xử cho học sinh. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: Tổ chức nói chuyện chuyên đề, thi hùng biện theo chuyên đề, viết thông điệp, truyện ngắn, xây dựng tiểu phẩm, tổ chức cuộc thi vẽ tranh... giúp học sinh có thêm kiến thức, nhận thức rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với gia đình, nhà trường, xã hội, những hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; sức khỏe sinh sản vị thành niên...

Em Nguyễn Hà Phương, học sinh lớp 7A, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Quan Hóa, chia sẻ: “Tham gia mô hình này, chúng em học hỏi được nhiều điều bổ ích để áp dụng vào cuộc sống. Em sinh ra trong gia đình dân tộc thiểu số, bố mẹ không bao giờ đề cập tới những kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản. Khi tham gia các buổi truyền thông em đã hiểu biết được rất nhiều kiến thức về vấn đề này. Ngoài ra, các buổi truyền thông giúp em hiểu thêm về văn hóa ứng xử tốt đẹp và nhận thấy mình phải nỗ lực học tập, tu dưỡng đạo đức, lối sống, sau này trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội”.

Thầy giáo Trịnh Đình Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Quan Hóa, khẳng định: Mô hình truyền thông "Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học” đã góp phần giáo dục, hình thành và bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cũng thông qua mô hình truyền thông này, các học sinh đã có những chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp ở gia đình, nhà trường. Để mô hình tạo hiệu ứng tốt hơn nữa, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Quan Hóa tiếp tục lồng ghép việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và văn hóa ứng xử trong trường học vào các buổi sinh hoạt dưới cờ và trong các tiết giáo dục công dân, phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, nói lời hay làm việc tốt...

Được triển khai mô hình này, học sinh Trường THPT Như Thanh đã có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức, thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục văn minh, lành mạnh. Thầy giáo Nguyễn Xuân Dung, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Những câu chuyện ý nghĩa, những tiểu phẩm hay, chủ đề giáo dục truyền thống trong buổi truyền thông đã làm lay động cảm xúc các em học sinh. Từ đó, các em có thể rút ra nhiều bài học bổ ích về đạo đức và kỹ năng sống, có ý thức rèn luyện cách ứng xử, lối sống văn minh, lành mạnh. Để công tác tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong nhà trường thật sự đạt hiệu quả, Trường THPT Như Thanh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học các môn học như: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử... theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Trong đó, coi trọng phương pháp trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa của học sinh; giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục công dân. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của ban giám hiệu, cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm để có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc quản lý và định hướng chuẩn mực đạo đức cho học sinh.

Trao đổi với chúng tôi bà Lê Ý Nhi, Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Hiện nay, do mặt trái của những dịch vụ, sản phẩm văn hóa, công nghệ thông tin, cộng với việc cha mẹ học sinh thiếu quan tâm, “khoán trắng” cho nhà trường khiến công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh chưa đạt hiệu quả cao... Truyền thông “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học” là việc làm cần thiết trong tình hình hiện nay, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong trường học, chuẩn mực đạo đức trong gia đình và xã hội; giúp mỗi học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng trở thành những công dân tốt góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

Cũng theo bà Lê Ý Nhi, từ thành công ban đầu, mô hình truyền thông “Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; quy tắc, văn hóa ứng xử trong trường học” sẽ tiếp tục được nhân rộng, trở thành hoạt động ngoại khóa thường xuyên trong trường học. Qua đó, tạo thói quen tốt, hình thành văn hóa ứng xử tốt đẹp, chuẩn mực đạo đức, nhân lên những lời hay, hành động đẹp trong môi trường học đường.

Xuân Cường


Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]