(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi dịp đầu năm học mới, cùng với niềm vui đến trường của các em học sinh, còn có một “nỗi buồn” mang tên “lạm thu” - thu sai, thu không đúng quy định xảy ra ở nhiều trường học gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận xã hội. Và việc chấm dứt tình trạng huy động đóng góp, quản lý, sử dụng các khoản thu sai quy định trong các cơ sở giáo dục là điều cần thiết.

Năm học mới và câu chuyện "lạm thu”: Những ngôi trường không có… “lạm thu”

Mỗi dịp đầu năm học mới, cùng với niềm vui đến trường của các em học sinh, còn có một “nỗi buồn” mang tên “lạm thu” - thu sai, thu không đúng quy định xảy ra ở nhiều trường học gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận xã hội. Và việc chấm dứt tình trạng huy động đóng góp, quản lý, sử dụng các khoản thu sai quy định trong các cơ sở giáo dục là điều cần thiết.

Năm học mới và câu chuyện lạm thu”: Những ngôi trường không có… “lạm thu”Điểm trường khu Húng thuộc Trường TH Giao Thiện (Lang Chánh) được các nhà hảo tâm xây tặng phòng học khang trang.

Cách trung tâm huyện Mường Lát gần 40km, xã biên giới Trung Lý diện tích rộng, địa hình đồi núi dốc, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để con chữ được “gieo” trên vùng đất khó, cả thầy và trò nơi đây đều phải từng ngày nỗ lực. Cũng do địa bàn rộng (có bản cách trung tâm xã đến gần 50km), trên địa bàn xã có 2 trường tiểu học (TH): Trung Lý 1 và Trung Lý 2. Trong đó, Trường TH Trung Lý 1 có 1 trường chính và 8 điểm trường lẻ. Hai điểm trường Suối Tung và Suối Hộc cách điểm trường chính hơn 16km. Vì thế, chỉ riêng việc di chuyển của thầy và trò từ điểm trường lẻ lên trường chính mỗi lần có việc cũng không hề đơn giản.

Thầy giáo Nguyễn Đình Hưng, giáo viên dạy tại điểm trường Suối Tung chia sẻ: “Đây là năm thứ 22 tôi gắn bó với sự nghiệp dạy học tại huyện Mường Lát và là năm thứ 4 về Trường TH Trung Lý 1. Thầy cô dạy ở các trường khu vực miền núi nói chung, các trường vùng cao biên giới nói riêng thực sự phải quyết tâm thì mới gắn bó được với nghề dài lâu. Tuy nhiên, mỗi ngày được nhìn các em vượt đường xa xôi đến trường học chữ, chính là động lực để thầy và trò cùng nhau cố gắng”.

Còn thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường TH Trung Lý 1 cho biết: “Do địa bàn quá rộng nên để học sinh (HS) có thể vượt núi đến trường thì buộc phải mở các điểm trường lẻ. Mỗi điểm trường lẻ có từ 20 - 80 HS. Khi các con còn nhỏ thì chủ yếu học ở điểm trường lẻ, đến lớp 4, lớp 5 sẽ được đưa ra các điểm trường chính để học. Tại đây, theo quy định, với các cháu nhà xa sẽ được ăn, ở tại trường. Trước đây, chủ yếu chỉ có HS lớp 5 mới được ăn ở tại trường do không có phòng để ở. Nhưng từ khi nhà trường được các nhà hảo tâm xây tặng 4 phòng ở, nên nay các cháu ở điểm trường lẻ có điều kiện ra trường chính học và ở lại sớm hơn. Tại trường chính, bằng trách nhiệm và tình yêu thương, các cháu được thầy cô quan tâm chăm sóc từ việc học, việc ăn uống, ngủ nghỉ mỗi ngày”.

Năm học 2022-2023, Trường TH Trung Lý 1 có 501 HS. Và theo thầy Lê Quang Tùng, HS của trường chủ yếu là con em đồng bào Mông, điều kiện kinh tế khó khăn. Ngoài việc mua sách vở, đồ dùng học tập, đóng một số loại quỹ (quỹ đội, hội chữ thập đỏ…) thì HS đến trường hầu như không phải nộp thêm bất cứ khoản nào.

Nằm bên đường Quốc lộ 15C, xã Nhi Sơn (Mường Lát) cách trung tâm huyện khoảng 25km. Nếu so với Trung Lý, việc đến trường của trẻ em trên địa bàn xã Nhi Sơn thuận lợi hơn. Năm học 2022-2023, Trường THCS Nhi Sơn có 247 HS, trong đó có 78 cháu nhà cách trường hơn 7km nên buộc phải ở lại trường. Thầy Lê Khắc Tú, Hiệu trưởng Trường THCS Nhi Sơn cho biết: Đầu mỗi năm học, ngoài các khoản như quỹ đoàn, đội, hội chữ thập đỏ, chụp ảnh thẻ, tiền mua giấy thi, sổ liên lạc điện tử (Nhi Sơn hầu hết các bản đã có điện, có sóng điện thoại, mạng 3G), nhà trường không thu thêm bất cứ khoản xã hội hóa nào khác, dù thực tế trường vẫn còn bộn bề khó khăn.

Ngoài giờ học chính thức, mỗi tuần thầy cô giáo Trường THCS Nhi Sơn vẫn tổ chức dạy bồi dưỡng cho HS trong trường 2 buổi/tuần mà không thu tiền. Ngoài ra, việc mua sắm máy lọc nước, bàn ghế, dụng cụ phục vụ việc ăn, ngủ cho các em HS được các nhà hảo tâm hỗ trợ, thầy cô giáo cùng nhau đóng góp thêm. Hay như quét dọn vệ sinh trong lớp, trong trường thì thầy cô giáo và HS cùng làm. Dù các khoản thu đầu năm rất ít, nhà trường cũng đã tạo điều kiện thu rải rác trong cả năm nhưng nhiều gia đình do hoàn cảnh khó khăn cũng không thể đóng góp đầy đủ. Trung bình mỗi năm, chỉ có khoảng 80% phụ huynh đóng góp đầy đủ các khoản thu.

Dù không phải xã vùng biên, nhưng bản (làng) Húng, xã Giao Thiện lại là một trong những bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Lang Chánh. Bản Húng cách trung tâm xã Giao Thiện hơn 9km, địa bàn sinh sống tách biệt. Nơi đây, ngoài con đường Nhà nước làm đang dần hoàn thiện, thì vẫn không điện, không sóng điện thoại và không internet. 98% người dân sinh sống trong bản là đồng bào dân tộc Thái, tỷ lệ hộ nghèo cao. Năm học 2022-2023, điểm trường khu Húng có 45 HS ở 5 khối lớp. Chia sẻ về những khó khăn của điểm trường này, thầy Lê Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường TH Giao Thiện cho biết: “Do không có điện, không có sóng internet nên việc dạy và học tại đây vô cùng khó khăn. Việc triển khai dạy online (trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19) là không thể, ngay như các kỹ năng cũng rất hạn chế. Không chỉ HS, bản thân các thầy cô giáo cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp nhận thông tin, cập nhập thay đổi trong dạy và học. Mới đây, nhà trường được tặng một chiếc máy nổ, chủ yếu được sử dụng vào việc bơm nước hay mỗi lần có sự kiện đặc biệt. Cũng vì không điện, không sóng điện thoại, không internet nên trường không thể triển khai sổ liên lạc điện tử.

Năm học mới và câu chuyện lạm thu”: Những ngôi trường không có… “lạm thu”Vượt lên khó khăn, thiếu thốn, thầy và trò điểm trường Suối Tung (Trường TH Trung Lý 1) đang nỗ lực từng ngày đến trường.

Và cũng như nhiều ngôi trường học vùng cao còn nhiều khó khăn, tại điểm trường khu Húng, mỗi dịp đầu năm học mới, ngoài các quỹ bắt buộc (quỹ đội, hội chữ thập đỏ…) thì tại đây cũng gần như không có các khoản thu mang tên xã hội hóa. Ngay cả quỹ phụ huynh tưởng chừng như rất cần thiết, nhưng theo thầy Lê Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường: “Vì điều kiện khó khăn nên quỹ phụ huynh không thể duy trì. Bù lại, mỗi khi trường có việc, sẽ kêu gọi cha mẹ HS chung sức cùng thầy cô giáo đóng góp ngày công, điều này được phụ huynh hết sức ủng hộ, bởi tất cả cũng vì HS thân yêu”.

Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết: “Huyện Mường Lát có 31 trường các bậc học (mầm non, TH, THCS) với hơn 100 điểm trường lẻ. Hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đều còn nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị cho việc học. Tuy nhiên, các nhà trường vẫn đang từng bước khắc phục khó khăn. Trên địa bàn huyện chưa từng xảy ra bất cứ sự, vụ nào liên quan đến việc nhà trường thu sai quy định”.

Trường TH Trung Lý 1, THCS Nhi Sơn hay điểm trường khu Húng… chỉ là 3 trong số hàng chục trường học, hàng trăm điểm trường còn bộn bề những khó khăn về cơ sở vật chất hạ tầng, điều kiện dạy và học thiếu thốn. Tuy khó khăn là vậy nhưng ở nơi đây, không có những điều tiếng “xì xầm” về các khoản thu không đúng, thu sai quy định. Mỗi năm học cứ trôi qua trong ấm áp và bình yên, trong sự nỗ lực của thầy và trò để cùng nhau vượt khó đến trường, để con chữ được “gieo trồng” trên những bản làng vốn nghèo, cùng hy vọng ngày mai tươi sáng.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]