(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù đã triển khai hàng loạt các giải pháp, nhưng nhiều trường THPT tại Thanh Hóa vẫn có điểm tuyển sinh đầu vào rất thấp, thậm chí không đạt được chỉ tiêu đề ra.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghịch lý: Điểm đầu vào thấp, nhiều trường THPT vẫn thiếu học sinh

Mặc dù đã triển khai hàng loạt các giải pháp, nhưng nhiều trường THPT tại Thanh Hóa vẫn có điểm tuyển sinh đầu vào rất thấp, thậm chí không đạt được chỉ tiêu đề ra.

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 tại Thanh Hóa vừa qua, có tới 15 trường có điểm chuẩn đầu vào dưới 10 điểm (thí sinh chỉ cần đạt từ 0,58 điểm - 1,82 điểm/môn là đậu vào lớp 10). Cụ thể như: Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn), chỉ tiêu được giao là 168 nhưng chỉ có 144 thí sinh đăng ký dự thi; Trường THPT Thường Xuân 3 (huyện Thường Xuân), chỉ tiêu được giao là 210 nhưng số thí sinh đăng ký dự thi chỉ có 149 em; Trường THPT Bắc Sơn (Ngọc Lặc), chỉ tiêu được giao là 294 nhưng chỉ có 273 thí sinh đăng ký dự thi... Thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm và vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.

Trường THPT Lang Chánh tuyển học sinh vào lớp 10 với mức điểm "chạm đáy".

Tại Trường THPT Như Xuân (huyện Như Xuân), bà Đỗ Thị Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điểm xét tuyển đầu vào của nhà trường năm học 2020 - 2021 là 9,1 điểm, trường tuyển được 313 học sinh. Điểm xét tuyển kế cận là 8,1 điểm (nhà trường tuyển thêm 21 em do thiếu chỉ tiêu). Thí sinh có điểm đầu vào cao nhất là 39,8 điểm. Điểm trung bình môn Toán là 2,6 điểm, môn Văn là 4,5 điểm và môn Tiếng Anh là 3,5 điểm. Trong đó, số thí sinh có điểm thi môn Toán đạt 5 điểm trở lên là 31 em.

Theo bà Phương, mỗi kỳ thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT nhà trường đều tổ chức thi rất nghiêm túc. Kết quả thi phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các lớp dưới.

Nói về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của nhà trường, bà Đỗ Thị Phương cho biết thêm: Nhà trường có tổng số 282 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2020, trong đó có 273 em đậu tốt nghiệp THPT (đạt tỷ lệ 96,8%); 5 lượt học sinh đạt 27 điểmtrở lên (trong đó có 1 em đạt 28 điểm); 93 học sinh đạt từ 24 điểm trở lên; 48 bài thi đạt điểm 9 trở lên... Mặc dù điểm đầu vào lớp 10 THPT của lứa học sinh vừa tốt nghiệp này còn thấp hơn năm nay rất nhiều với điểm chuẩn đầu vào là 3,4 điểm.

Theo bà Phương, học sinh nhà trường đa phần có bố mẹ đi làm ăn xa nên sự quan tâm, chăm lo cho việc học tập của con cái không nhiều, nhu cầu học của các em cũng không cao. Do đó, thầy cô giáo phải rất sát sao với học học sinh. Ngay từ lớp 10, nhà trường đã cho học sinh đăng ký nguyện vọng để xếp lớp, đối với những lớp đại trà, thầy cô phải ôn lại kiến thức cũ từ những lớp dưới để các em có nền tảng phục vụ cho việc nắm bắt kiến thức liên đới ở các lớp trên. Tổ chức cho các em học ôn vào các buổi chiều đồng thời phải luôn luôn động viên các em, tạo cho các em thói quen và nhu cầu học tập, vừa dạy nhưng cũng phải vừa “dỗ” các em.

Tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu cũng diễn ra tương tự tại Trường THPT Như Xuân 2 (huyện Như Xuân). Bà Võ Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2020 - 2021, nhà trường tuyển sinh 5 lớp 10 với tổng số 210 chỉ tiêu. Điểm chuẩn đầu vào của trường chỉ lấy từ 8,1 điểm nhưng vẫn thiếu 11 chỉ tiêu.

Để nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT cũng là nâng cao chất lượng học sinh tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT cũng như các nhà trường đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp.

Ông Trần Hữu Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lai (huyện Ngọc Lặc) cho biết: Trước thực tế đầu vào thấp nên nhà trường đã đề ra giải pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng, trong đó, việc phân loại học sinh để dạy là rất quan trọng. “Nhà trường giao chỉ tiêu và có biện pháp thưởng cho các nhóm bộ môn để mặc dù điểm đầu vào thấp, nhưng đầu ra phải đạt được yêu cầu mà Giám đốc Sở GD&ĐT giao. Trong quá trình thi khảo sát, thi học kỳ, tất cả các học sinh từ 4 điểm trở xuống đều được nhà trường gặp gỡ, động viên các em chăm chỉ, nỗ lực hơn trong học tập. Nhờ đó, chất lượng điểm thi đầu ra THPT của nhà trường đang tăng dần và được cải thiện qua các năm" - ông Trần Hữu Hải cho biết.

Tại Trường THPT Lang Chánh (huyện Lang Chánh), điểm chuẩn đầu vào năm học 2020 - 2021 là 2,9 điểm, là mức điểm chuẩn đầu vào thấp nhất từ trước đến nay. Ông Nguyễn Đình Bảy - Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do lực học của học sinh khu vực miền núi, cũng như khả năng tiếp thu của các em chưa cao. Trước thực tế đó, hàng năm, nhà trường chỉ xây dựng kế hoạch tuyển sinh chưa đến 70% số học sinh THCS trên địa bàn, còn lại các em có thể theo học nghề. Điểm chuẩn đầu vào thực tế thấp, nhưng số thí sinh có điểm chuẩn ở mức thấp này chỉ có một vài em, do đó, trong 3 năm học THPT tại trường, nhà trường đã xây dựng kế hoạch bổ sung “lỗ hổng” về kiến thức cho học sinh. Đồng thời, động viên, khen thưởng giáo viên có học sinh đạt điểm tốt để các thầy cô có thêm động lực, điều kiện yên tâm công tác, giảng dạy.

Điểm chuẩn vào lớp 10 THPT “chạm đáy”, nhưng nhiều trường THPT vẫn tuyển chưa đủ học sinh theo chỉ tiêu. Thực trạng buồn này do đâu, phải chăng do hệ thống trường đào tạo trình độ THPT còn chưa hợp lý? Câu trả lời cho vấn đề đang cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của Sở GD&ĐT và các cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]