(vhds.baothanhhoa.vn) - Hoằng Hóa là vùng đất học tiêu biểu của xứ Thanh. Nơi đây từ xưa đã có biết bao người con vượt lên trên đói nghèo để theo đuổi sự học, trở thành những nhân tài hào kiệt, đóng góp nhiều công trạng lớn lao cho quê hương, đất nước. Truyền thống ấy cho tới nay càng được khơi dậy và phát huy, tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn toàn huyện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy truyền thống hiếu học, giáo dục Hoằng Hóa liên tục dẫn đầu

Hoằng Hóa là vùng đất học tiêu biểu của xứ Thanh. Nơi đây từ xưa đã có biết bao người con vượt lên trên đói nghèo để theo đuổi sự học, trở thành những nhân tài hào kiệt, đóng góp nhiều công trạng lớn lao cho quê hương, đất nước. Truyền thống ấy cho tới nay càng được khơi dậy và phát huy, tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi trên địa bàn toàn huyện.

Khi sự học được đề cao, coi trọng

Có lẽ ít có địa phương nào mà người dân lại chung tay làm giáo dục mạnh như ở Hoằng Hóa. Dù mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau nhưng lại đều có chung một quan điểm, đó là sẵn sàng khắc phục khó khăn để nuôi dạy con cháu ăn học trưởng thành. Không ít nơi như Hoằng Lộc, Hoằng Lương..., người dân đã xem sự học là một cái nghề thực sự. Vậy nên, phong trào thi đua xây dựng gia đình và dòng họ học tập trên địa bàn huyện từ lâu đã trở nên sôi nổi. Đặc biệt, từ khi huyện Hoằng Hóa có chủ trương về tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thì phong trào ngày càng có điều kiện lớn mạnh.

Đến năm 2017, toàn huyện đã có 895 dòng họ học tập và 35.000 gia đình đăng ký gia đình học tập (chiếm 70% số gia đình trên địa bàn huyện), trong đó có 2.085 gia đình có quỹ khuyến học với tổng số tiền là 2,3 tỷ đồng. Đáng nói là quỹ khuyến học của các gia đình và dòng họ chẳng những không ngừng tăng lên về giá trị mà trong quá trình hoạt động còn phát huy rất hiệu quả, tiêu biểu là quỹ khuyến học Lê Xuân Lan, quỹ khuyến học Lê Viết Ly... Ngoài ra, phong trào xây dựng quỹ khuyến học còn phát triển rộng khắp trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học..., nâng tổng nguồn quỹ toàn huyện lên trên 45 tỷ đồng và là huyện có quỹ khuyến học nhiều nhất tỉnh. Với số quỹ đó, huyện đã trao học bổng cho 6.750 lượt học sinh, sinh viên, khen thưởng cho gần 76.000 lượt học sinh, sinh viên khá giỏi; thưởng cho gần 14.000 lượt giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức hoạt động trong ngành giáo dục. Đó là chưa kể đến sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cho giáo viên và học sinh qua từng năm học.

Trường THCS Nhữ Bá Sỹ - niềm tự hào về chất lượng mũi nhọn của huyện Hoằng Hóa.

Niềm tự hào của giáo dục tỉnh nhà

Phong trào toàn dân tham gia làm giáo dục ở Hoằng Hóa đã tạo ra nguồn động lực mạnh mẽ, góp phần đem lại cho huyện nhiều thành tích đáng nể, nhất là trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Điển hình là ở cấp THCS, từ 10 năm trở lại đây, Hoằng Hóa luôn đứng trong “top” 3 của tỉnh. Đặc biệt, trong 2 năm qua, huyện liên tục đứng nhất toàn đoàn tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa lớp 9. Điều rất dễ nhận thấy là, cả số lượng và chất lượng giải của huyện qua các kỳ thi này đều có sự phát triển bền vững. Ví như năm học 2016 - 2017, nhà trường có 73 học sinh đạt giải (trong đó có 7 giải nhất, 22 giải nhì) thì đến năm học 2017 - 2018, con số đó đã tăng lên 78 em (gồm 7 giải nhất, 25 giải nhì, 35 giải 3 và 11 giải khuyến khích), đạt 524 điểm, vượt xa so với đơn vị về nhì tới 106 điểm (trong khi năm trước khoảng cách này cũng đã là 92 điểm). Đáng kể có 3 môn (Văn, Sinh, Giáo dục công dân) thì mỗi môn 10 em đi thi thì 10 em đều đạt giải.

Theo ông Lê Văn Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa thì để liên tục dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục toàn diện nói chung và chất lượng mũi nhọn nói riêng, bên cạnh truyền thống hiếu học của quê hương, vai trò của đội ngũ cán bộ giáo viên đóng một vị trí rất quan trọng. Hầu hết CBGV trên địa bàn huyện, nhất là những giáo viên trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh đều luôn nỗ lực, trách nhiệm, coi thành tích đạt được trong mỗi kỳ thi là danh dự nghề nghiệp của mình. Cùng với đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương khi đã ban hành các nghị quyết, chính sách quan tâm đến phát triển giáo dục... Sự hội tụ của những yếu tố này là nền tảng vững chắc hứa hẹn sẽ còn đưa giáo dục của huyện bay cao, bay xa, xứng đáng là vùng đất học tiêu biểu của quê hương xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”.

Mai Vui


Mai Vui

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]