(vhds.baothanhhoa.vn) - Chọn học đại học hay học nghề là trăn trở lớn của nhiều học sinh và phụ huynh hiện nay. Nhiều người cho rằng tấm bằng đại học rất danh giá, giúp nâng cao giá trị bản thân và là cánh cửa bước vào tương lai với mong muốn việc nhẹ, lương cao.

Phía sau câu chuyện bỏ đại học để học nghề

Chọn học đại học hay học nghề là trăn trở lớn của nhiều học sinh và phụ huynh hiện nay. Nhiều người cho rằng tấm bằng đại học rất danh giá, giúp nâng cao giá trị bản thân và là cánh cửa bước vào tương lai với mong muốn việc nhẹ, lương cao.

Phía sau câu chuyện bỏ đại học để học nghề

Một tiết học thực hành tại Trường Cao đẳng Bách khoa Việt Nam

Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thất nghiệp và làm không đúng ngành nghề ngày càng cao, điều đó đã tác động không nhỏ đến xu hướng chọn ngành nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12. Đã có không ít sinh viên bỏ đại học đi học nghề; thậm chí có người đã ra trường, đi làm nhưng cũng nghỉ ngang để học nghề.

Bị cho là điên khi bỏ đại học

Hẹn gặp em Ngân Việt Đảo, 21 tuổi, quê xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, sau khi em tan làm tại Công ty TNHH MTV Xây dựng điện Miền Bắc, được Đảo chia sẻ: “Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty nhưng ban lãnh đạo vẫn tạo điều kiện cho người lao động được đảm bảo công việc và thu nhập. Em rất mừng và cảm ơn vì điều này”.

Đảo tuy ít tuổi nhưng qua cách nói chuyện, tôi cảm nhận rõ sự trưởng thành trong em. Vào lúc bạn bè vẫn đang loay hoay không biết học gì, ở đâu, thì Đảo đã xác định rõ bản thân muốn gì và làm thế nào để thực hiện điều đó. Vì thế, trước ngày công bố điểm thi tốt nghiệp, Đảo đã thuyết phục bố mẹ để gửi hồ sơ đăng kí vào Trường Cao đẳng Bách khoa Việt Nam (TP Thanh Hóa).

Theo lời Đảo, dù xác định không học đại học nhưng em vẫn đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào một trường đại học tên tuổi để rớt cho “xứng đáng”. Em biết nếu em học đại học, cha mẹ sẽ rất vui vì em sẽ giúp cha mẹ thực hiện ước mơ ngày xưa vì hoàn cảnh khó khăn mà họ đành dang dở. Nhưng mỗi lần các phương tiện truyền thông đăng tin có hàng ngàn cử nhân thất nghiệp, em lại sợ mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể không có việc làm sau khi tốt nghiệp. Học trường nghề với Đảo là con đường ngắn nhất giúp em sớm ổn định cuộc sống. Nhưng sự đời trớ trêu, Đảo đỗ đại học. Lại một lần nữa, em ngồi lại với gia đình chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân. Tôn trọng sự lựa chọn của con, bố mẹ Đảo chỉ nói một câu đủ khiến em tự tin bước đi trên con đường đã chọn “tương lai là của con, con hãy làm những gì mà con cho là đúng”.

Học hết năm thứ 2 ngành Điện Công Nghiệp, Đảo được nhà trường giới thiệu sang thực tập tại Công ty TNHH MTV Xây dựng điện Miền Bắc. Tại đây, ngoài hỗ trợ 2 bữa ăn chính/ngày, em còn được nhận lương 6 triệu đồng/tháng. Với chuyên môn tốt cộng thêm bản tính cần cù, chịu khó, Đảo được lãnh đạo công ty đánh giá cao. Vì thế, mặc dù chưa chính thức ra trường nhưng em đã được ban giám đốc công ty hứa sẽ giữ lại làm việc sau khi ra trường. Trong khi đó, bạn bè của em đang học đại học phần lớn vẫn rất mơ hồ, thậm chí nhiều bạn nợ môn, có thể kéo dài thời gian học đến 6-7 năm mới lấy được bằng đại học. Đảo chia sẻ: “Điều quan trọng nhất không phải là học để có được bằng cấp thật cao mà phải học để có việc làm ổn định ngay sau khi ra trường”.

Phía sau câu chuyện bỏ đại học để học nghề

Sinh viên được thưởng thức thành quả lao động sau tiết học

Cũng giống như Đảo, quá trình lựa chọn đi học nghề với Trần Thị Bích Thủy, sinh năm 1996, quê xã Nga Liên, huyện Nga Sơn là một cuộc đấu tranh nội tâm lớn. Thậm chí, em từng bị khủng hoảng tinh thần một thời gian vì bạn bè cho rằng em bị “điên”. Bởi với tấm bằng cử nhân Trường Kinh tế Quốc dân, Thủy từng là niềm tự hào của gia đình và thầy cô .

Theo lời Thủy, khi học ở phổ thông, em không có sự định hướng về nghề nghiệp nên khi chọn trường để thi cũng là chọn đại. Vì không xác định được ngành nghề mình yêu thích nên ngay từ năm đầu tiên Thủy đã lờ mờ có cảm giác chán, càng học cảm giác ấy càng rõ hơn. Nhưng cái mác con ngoan, trò giỏi, trường top trên… quá lớn khiến Thủy không giám từ bỏ. Em cứ thế chịu đựng suốt 4 năm đại học và kết quả nhận lấy chỉ là một tấm bằng “rỗng”.

Không đam mê, hứng thú với ngành nghề đã học, kiến thức chuyên môn kém, kinh nghiệm ở vạch xuất phát, Thủy thất nghiệp một thời gian dài. Sau nhiều đêm tự trằn trọc suy nghĩ về hướng đi cho tương lai, Thủy cho rằng, đời mình sẽ do mình quyết định, mình cần có trách nhiệm với công việc, đam mê của bản thân. Sau đó, Thủy thông báo với cha mẹ quyết định gửi hồ sơ vào trường nghề học tiếng để xuất khẩu lao động. “Em quyết định học tiếng để đi xuất khẩu lao động, đến một đất nước mà em hằng mơ ước và quan trọng hơn là không phải lo lắng chuyện đi xin việc. Bố mẹ không hiểu nên vẫn còn giận, đám bạn cũng không ngần ngại ném vào mặt câu “mày điên rồi?”. Nhưng em quyết định rồi nên cứ bơ đi mà sống, dần dần bố mẹ mới nguôi ngoai và chấp nhận chuyện em đi học nghề”, Thủy chia sẻ.

Quan trọng là phù hợp

Thực tế cho thấy, xu thế xã hội hiện nay người học quan tâm đến việc làm sau khi học; còn nhà tuyển dụng thì cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp. Vì thế, nhận thức của xã hội về việc đi học nghề đã có sự chuyển biến, điều này được minh chứng rất rõ bằng việc dịch chuyển từ học ĐH sang học nghề.

Theo ông Vũ Văn Sửu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại trường đã tiếp nhận hơn 1.000 hồ sơ học sinh THCS và THPT đăng kí nhập học. Trong đó có nhiều học sinh có học lực khá, giỏi, thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao nhưng vẫn đăng ký học nghề tại trường.

Hiện nay, hầu hết các trường nghề thường chủ động liên kết với các doanh nghiệp về việc đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên. Các doanh nghiệp sẽ cử các chuyên gia đầu ngành cùng tham gia giảng dạy cho các em để đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Việc đào tạo theo đơn đặt hàng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các trường hướng đến. Trong quá trình đào tạo, các trường nghề cũng thường xây dựng chương trình gắn với doanh nghiệp. Từ đó, các em học được những vấn đề sát với thực tiễn, giúp các em có đầy đủ những kỹ năng nghề nghiệp mà doanh nghiệp yêu cầu.

Phía sau câu chuyện bỏ đại học để học nghề

Tiết học thực hành có sự tham gia của chuyên gia, đại diện nhà tuyển dụng

Ông Lê Thế Đăng, Giám đốc công ty TNHH MTV Xây dựng điện Miền Bắc, cho biết: “Qua thực tế tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy, các bạn sinh viên đại học mới ra trường khi tham gia ứng tuyển những vị trí việc làm tại công ty chúng tôi, họ thường đỏi hỏi mức lương, chế độ đãi ngộ rất cao nên chúng tôi không đáp ứng được. Tôi nghĩ rằng, việc một số bạn đang học đại học chuyển sang học nghề là họ biết rõ năng lực bản thân, khả năng tài chính và nhu cầu việc làm; họ đã thực tế hơn so với nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp đại học mới ra trường”.

Thời gian thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ là khoảng thời gian vô cùng quan trọng đối với các thí sinh. Chọn trường, chọn ngành lúc này nếu sai một li là đi một dặm, sẽ là lãng phí thời gian và tiền bạc nếu quyết định sai. Bản thân tôi thì thấy, học gì cũng tốt, nghề nào cũng hay. Điều quan trọng là việc học đó, nghề đó phải phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình của các em học sinh và nhất là phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Học đã chán nhưng chỉ kéo dài vài năm, khi đi làm còn chán hơn nhiều và đôi khi chúng ta phải làm công việc nhàm chán đó cả đời. Chúng ta không tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong học tập, trong công việc, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, như vậy gần như cả cuộc đời chúng ta phải sống trong chịu đựng. Phụ huynh nào cũng thương con và muốn hướng con đi con đường mà từ kinh nghiệm của cuộc đời mình, phụ huynh cho là đúng nhất. 18 tuổi, các em học sinh vẫn chưa thể nào có đủ sự chín chắn và khôn ngoan để có thể chọn một hướng đi đúng nhất. Dù vậy, phụ huynh hãy để các em được lựa chọn ngành học, bậc học, hay công việc mà các em có đủ khả năng và sự yêu thích.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]