(vhds.baothanhhoa.vn) - Một bộ phận phụ huynh vẫn xem nhẹ vấn đề giáo dục giới tính (GDGT) cho con. Chỉ đến khi xảy ra sự việc với chính con mình hoặc con của những người khác, họ mới bắt đầu tìm hiểu về GDGT và tầm quan trọng của nó.

Phụ huynh và vấn đề giáo dục giới tính cho con

Một bộ phận phụ huynh vẫn xem nhẹ vấn đề giáo dục giới tính (GDGT) cho con. Chỉ đến khi xảy ra sự việc với chính con mình hoặc con của những người khác, họ mới bắt đầu tìm hiểu về GDGT và tầm quan trọng của nó.

Phụ huynh và vấn đề giáo dục giới tính cho conMột buổi truyền thông về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/ thanh niên cho học sinh của cán bộ Chi cục Dân số - KHHGĐ. (Ảnh đơn vị cung cấp)

Đối diện hay lảng tránh

Khi con gái lên 4 tuổi, chị L.T ở phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) đã hướng dẫn cho con ý thức trong thay quần áo hoặc làm vệ sinh cá nhân… Năm nay, con dù đã bước sang tuổi 11 nhưng chị vẫn không quên nhiệm vụ dạy con về vấn đề giới tính. Quan điểm của chị, GDGT là cần thiết và nên đồng hành cùng con ngay từ khi con còn nhỏ tuổi. Chị cho biết: “Khi con nhỏ, tôi dạy con, không được thay quần áo trước mặt mọi người trong gia đình hoặc trong lúc tắm cho con, tôi nói cho con biết rằng, cơ thể của mình, không ai được quyền chạm vào, đặc biệt ở những “vùng riêng tư”…

Sau khi nghe được thông tin về một học sinh nữ bị bạn xâm hại tình dục trong thời gian gần đây ở một huyện trong tỉnh, chị H.B ở xã Yên Lâm (Yên Định) đã dành thời gian quan tâm đến con gái 12 tuổi của mình nhiều hơn. Khi hỏi về GDGT, chị Biên thừa nhận, bản thân chị lâu nay không chú ý nhiều đến vấn đề này. “Cũng thấy ngại khi nói với con về những gì liên quan đến cơ thể hoặc khi con thắc mắc, đặt câu hỏi về vấn đề giới tính, tôi thường tránh, không trả lời”, chị Biên nói. “Gần đây, có nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra, tôi bắt đầu để ý và chăm lo cho con hơn. Tôi hiểu hơn đến việc, nếu không GDGT thì không chỉ ảnh hưởng lớn đến tâm lý mà còn liên quan đến cả cuộc sống sau này của con…”.

Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), GDGT là một quá trình dạy và học tập nhằm hướng tới trang bị cho trẻ em và thanh thiếu niên các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị cần thiết của bản thân. Đây là một thuật ngữ rộng, miêu tả việc giáo dục về các mối quan hệ tình cảm, quan hệ tình dục, sức khỏe sinh sản…

Cha mẹ là người tiếp xúc, gần gũi với con cái nhiều nhất trong cuộc sống hàng ngày. Vậy nên, cùng với nhà trường thì gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong GDGT cho con trẻ.

Cần thiết phải quan tâm GDGT

Xâm hại tình dục trẻ em hay nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, để lại cả nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cho những đứa trẻ. Sự việc xảy ra, cấu thành bởi cả 2 yếu tố khách quan và chủ quan. Nhưng trong đó cần phải nhấn mạnh đến trách nhiệm của bố mẹ. Sự thiếu quan tâm, thậm chí chưa có ý thức trong bảo vệ con cái, ở đây là vấn đề GDGT đã dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Phụ huynh và vấn đề giáo dục giới tính cho conHọc sinh Trường Mầm non IQ Plus tham gia khóa học GDGT của Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống Tâm Việt. (Ảnh Trung tâm cung cấp)

Thực tế, số vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Tính từ năm 2018 đến tháng 10-2022 đã có gần 170 vụ. Bên cạnh đó, tình trạng nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cũng ngày càng nhiều. Bác sĩ Trần Thị Nhung, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản tỉnh cho biết: “Riêng ở Bệnh viện Phụ sản, thực tế trong 5 năm trở lại đây, tuổi vị thành niên đi nạo phá thai nhiều hơn, nhất là độ tuổi 13-14, cứ 1-2 trường hợp/tuần. Tôi cũng tham gia làm thêm ở phòng khám tư, con số cao hơn so với bệnh viện công, khoảng 1-2 ca/ngày. Ở bệnh viện công, các em thường có bố mẹ đưa đi nhưng phòng khám tư, phần lớn các em đi một mình hoặc với bạn…”.

Nhiều năm làm công tác tập huấn, tuyên truyền về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên, bà Phạm Thị Vân, cán bộ Phòng Truyền thông - Giáo dục, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã chứng kiến nhiều câu chuyện buồn đến từ các phụ huynh. Bà nhớ lại: “Đáng tiếc là nhiều phụ huynh chưa sát sao về GDGT, phần lớn họ vẫn rất lạc hậu. Thậm chí khi tôi cầm vỉ tránh thai lên hỏi, bố mẹ đã thấy trong phòng của con mình có vỉ này bao giờ chưa, có phụ huynh trả lời, thấy nhiều lần ở thùng rác và cứ tưởng đấy là thuốc chống say xe vì con hay đi xe buýt. Rồi khi hỏi, ví dụ biết con có quan hệ tình dục, thì họ ứng xử thế nào. Họ đều thống nhất một việc là sẽ đánh, chửi con…”.

Cũng theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Huế, giáo viên Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống Tâm Việt (TP Thanh Hóa), thì nhiều phụ huynh đã cho con đến đây tham gia khóa học về GDGT. Tuy nhiên, phần lớn họ đến với một tâm lý còn e ngại và băn khoăn, vì cho rằng, đây là vấn đề khá tế nhị. Chị nói: “Các phụ huynh thường cảm thấy khó khăn, lo lắng trong việc hỗ trợ các con. Vì vậy, họ gửi con đến trung tâm để những mong giúp con biết về phòng, tránh xâm hại hay hạn chế nguy cơ yêu sớm, hành động thiếu hiểu biết…”.

GDGT luôn cần thiết trong hành trang vào đời của trẻ. Vậy nên, bố mẹ phải là người hiểu biết về sức khỏe sinh sản, về tâm sinh lý của con để giúp con có ý thức bảo vệ chính bản thân mình. Đừng bao giờ nghĩ, không GDGT cho con lúc này thì lúc khác. Nhất là khi điều kiện kinh tế phát triển hơn, con được ăn đầy đủ chất hơn, theo đó con sẽ dậy thì càng sớm và càng có sự tò mò, khám phá cơ thể. Bà Phạm Thị Vân, cán bộ Phòng Truyền thông - Giáo dục, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho rằng: “Khi có tình yêu thì thường sẽ có ham muốn về tình dục, vì vậy cũng rất khó cấm. Cần thiết phải dạy cho các con kỹ năng phòng tránh mang thai, về quan hệ tình dục không an toàn có thể dẫn đến lây nhiễm HIV hoặc nạo phá thai nhiều sẽ dẫn đến vô sinh. Phải cho các con nhận thức được, tuổi các con, quan trọng nhất vẫn là việc học. Với những bậc phụ huynh, theo tôi, phải trở thành bạn của con. Chỉ có làm bạn của con thì dù khó khăn thế nào con cũng chia sẻ và nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ...”.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]