(vhds.baothanhhoa.vn) - Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số điểm trường đang rơi vào tình trạng bị bỏ trống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sau sáp nhập, hàng loạt trường học tiền tỷ bị bỏ trống

Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số điểm trường đang rơi vào tình trạng bị bỏ trống.

Năm 2018 thực hiện Nghị quyết 103/NQ-HĐND tỉnh, Thanh Hóa giảm 5 trường THPT (THPT Trần Khát Chân, huyện Vĩnh Lộc; THPT Triệu Sơn 6, huyện Triệu Sơn; THPT Lê Văn Linh, huyện Thọ Xuân; THPT Đinh Chương Dương, huyện Hậu Lộc và THPT Tĩnh Gia 5, huyện Tĩnh Gia). Năm 2019, Sở GD&ĐT tiến hành ghép, sáp nhập 81 trường (tiểu học và trung học cơ sở), 8 điểm trường THPT. Nhiều điểm trường sau sáp nhập không ai trông coi, chăm sóc trở nên “hoang hóa”, bỏ không, một số trường được đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng bị bỏ trống.

Trường THPT Đinh Chương Dương nằm ở trung tâm thị trấn Hậu Lộc, thuộc diện giải thể năm 2018. Sau vài tháng, ngôi trường trở thành nơi tập kết vật liệu xây dựng của một công ty đóng trên địa bàn huyện. Hiện tại, trong khuôn viên trường cỏ mọc um tùm, cơ sở vật chất xuống cấp, mục nát, đường vào trường sình lầy do phương tiện chở vật liệu ra vào ngày đêm. Được biết, từ khi giải thể đến nay, ngôi trường không có người trông coi, bảo vệ.

Nhiều người dân sinh sống tại đây cho hay, do không có người trông nom, chăm sóc, ngôi trường thường là "điểm đến" quen thuộc của một số đối tượng nghiện hút.

Trường THPT Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) thành nơi tập kết vật liệu xây dựng.

Lãnh đạo thị trấn Hậu Lộc cho hay, mới đây huyện có giao cho thị trấn quản lý, sau đó sẽ chuyển mục đích sang việc khác.

Trước đó, UBND huyện Hậu Lộc đã có Công văn số 958 ngày 2/10/2019 về bàn giao tài sản của Trường THPT Đinh Chương Dương. Theo đó UBND huyện đã tiếp nhận cơ sở vật chất của trường sau giải thể, đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND thị trấn tiếp nhận.

Tuy nhiên, sau quyết định giải thể đã lâu, nhưng ngôi trường vẫn không có bóng dáng một cá nhân, tổ chức nào trông coi, chăm sóc. Có lẽ, do ngôi trường sắp chuyển sang mục đích khác, hoặc bán đấu giá đất nên việc trông coi, bảo vệ đã không còn là việc quan trọng.

Tương tự, tại Trường THPT Lê Viết Tạo, mặc dù có quyết định giải thể tháng 9/2019, song đến nay cũng không có ai trông coi, chăm sóc. Theo ghi nhận, ngôi trường đóng cửa đã nhiều tháng nay, bên trong cỏ mọc đến tận đầu gối, cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều phòng học bị hư hại, nền gạch bị nứt nẻ, bong tróc. Bước vào bên trong ngôi trường, nhiều người cảm thấy sợ hãi bởi khung cảnh hoang vu, lạnh lẽo.

Tương tự, Trường THPT Dương Đình Nghệ với dãy phòng học 4 tầng được khởi công xây dựng chưa lâu vẫn còn mới “hơi sơn” sau sáp nhập, giải thể cũng bị bỏ trống. Mặc dù đã được UBND huyện Thiệu Hóa hợp đồng với UBND xã Thiệu Đô cũ (nay sáp nhập vào thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa) trông coi, chăm sóc cơ sở vật chất, nhưng đến nay, ngôi trường vẫn trong tình trạng bị bỏ hoang.

Theo người dân sống quanh khu vực trường, từ khi Trường THPT Dương Đình Nghệ giải thể không có ai đến trông coi, bảo vệ. Cơ sở vật chất của trường còn rất tốt nhưng do bị bỏ hoang qua thời gian dài khiến trường hư hỏng, gây lãng phí. Bên cạnh đó, trường cũng nằm ở vị trí thuận lợi, có nhiều cây xanh, bóng mát nhưng lại bị bỏ hoang đáng tiếc. Do không sử dụng, một số hạng mục trong trường bị hư hỏng, cỏ dại và lá cây tạo thành một lớp dày, rác thải lâu ngày bốc mùi hôi thối ở sân trường. Hệ thống cầu thang bị phủ bởi lớp bụi dày, dơ bẩn sau thời gian không người qua lại...

Ông Nguyễn Đình Lam - Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa) cho biết: “Tôi vừa mới nhậm chức chưa lâu nên không rõ huyện có ký hợp đồng với UBND xã Thiệu Đô cũ trông coi hay không.”

Trao đổi với ông Hoàng Bình Thủy - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Hà, vị lãnh đạo này cũng không rõ sự tình. Theo lời ông Bình, ông chỉ được nghe qua trước đây khi xã Thiệu Đô chưa sáp nhập về thị trấn Vạn Hà, UBND huyện Thiệu Hóa có ký hợp đồng với xã Thiệu Đô cũ để trông coi, chăm sóc. Thời gian hợp đồng từ tháng 9 - 12/2019. Ông Thủy cũng thừa nhận, thời gian qua ngôi trường không ai trông nom, quản lý.

Cũng nằm trong diện giải thể năm 2019, Trường THPT Trần Ân Chiêm (thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định), Trường THPT Triệu Sơn 6 (huyện Triệu Sơn) được tận dụng làm phòng học, hoặc giao trường khác tiếp quản, tận dụng cơ sở vật chất. Trường không những không bị lãng phí cơ sở vật chất, trái lại đáp ứng nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương.

Rõ ràng, mặc dù thời gian giải thể như nhau, song nhiều địa phương có những phương án khác nhau trong việc bảo quản, tận dụng tối đa, tránh lãng phí cơ sở vật chất của trường sau sáp nhập, giải thể.

Sau sáp nhập, giải thể nhiều trường học bị lãng quên, bỏ phí cơ sở vật chất là điều đáng buồn. Đáng buồn hơn là sự hời hợt, buông lỏng quản lý tài sản Nhà nước của một số cơ quan chức năng liên quan.

Trung Lê


Trung Lê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]