(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 18-12-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (gọi tắt là Công văn 5512), theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM). Sau gần 1 học kỳ triển khai, bên cạnh những thuận lợi, các nhà trường còn gặp một số khó khăn trong việc thực hiện soạn giáo án theo quy định của công văn này.

Soạn giáo án theo Công văn 5512: Giáo viên phải linh hoạt

Ngày 18-12-2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (gọi tắt là Công văn 5512), theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM). Sau gần 1 học kỳ triển khai, bên cạnh những thuận lợi, các nhà trường còn gặp một số khó khăn trong việc thực hiện soạn giáo án theo quy định của công văn này.

Soạn giáo án theo Công văn 5512: Giáo viên phải linh hoạtTiết học Ngữ Văn của lớp 6B, Trường THCS Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc).

Tính ưu việt cao

Công văn 5512 ra đời, nhằm giúp giáo viên phát huy hiệu quả các phương pháp dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Theo đó, việc xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) phải thể hiện các bước: xác định vấn đề; hình thành kiến thức mới; luyện tập; vận dụng. Mỗi hoạt động phải đầy đủ mục tiêu, nội dung, sản phẩm và tổ chức thực hiện.

Sau gần một học kỳ triển khai thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng, công văn có nhiều ưu điểm nổi trội, như tăng tính chủ động cho giáo viên, phù hợp với tình hình và năng lực của học sinh,… Theo thầy giáo Nguyễn Văn Trường, Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc): “Qua sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, cho thấy, công văn này có tính ưu việt cao. Các mục tiêu, sản phẩm chi tiết đến từng hoạt động dạy học. Việc tổ chức thực hiện vẫn giao quyền chủ động cho giáo viên, để mỗi đơn vị kiến thức bảo đảm tính logic theo giáo án”. Cô giáo Lý Thị Hương, Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung), cho rằng: “Theo tinh thần Công văn 5512, sự tương tác giữa cô và trò nhiều hơn, qua đó học sinh chủ động lĩnh hội tiếp thu kiến thức theo sự hướng dẫn, định hướng của giáo viên. Điều này vừa tạo sự hứng thú cho học sinh vừa tăng tính đoàn kết tập thể”.

Năng động, linh hoạt để đáp ứng tinh thần Công văn 5512

Bên cạnh những ưu việt, Công văn 5512 bước đầu cũng đặt ra một số vấn đề khó cho các nhà trường trong quá trình tổ chức thực hiện. Nhiều giáo viên cho rằng, ban đầu soạn giáo án theo Công văn 5512 tốn nhiều thời gian hơn, bởi mỗi hoạt động đều có mục tiêu, nội dung, sản phẩm… Có những bài giảng, giáo viên phải soạn giáo án có số trang nhiều gấp 3-4 lần so với trước đây. Ngoài ra, nhà trường phải quản lý theo 2 bộ giáo án khác nhau vì mới chỉ có lớp 6 áp dụng Chương trình GDPTM, còn các lớp 7-8-9 đang học theo chương trình cũ. Bên cạnh đó, việc soạn giáo án theo Công văn 5512 mới chỉ có mẫu, khung tham khảo, giáo viên chưa được tập huấn, hướng dẫn.

Để thực hiện Công văn 5512, các nhà trường, đặc biệt là người quản lý phải kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp. Cô giáo Ngô Thị Toán, Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc), cho biết: “Nhà trường vẫn chỉ đạo sát sao các tổ chuyên môn phải có kế hoạch dự giờ để thăm lớp, nắm bắt tình hình giáo viên triển khai thực hiện. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc, ban giám hiệu nhà trường sẽ kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Chúng tôi vừa động viên, vừa quán triệt giáo viên, cố gắng khắc phục khó khăn, tập trung vào nghiên cứu bài giảng để đưa ra phương pháp, cách thức dạy học, đảm bảo theo đúng tinh thần Công văn 5512”.

Soạn bài dày công hơn, buộc giáo viên phải linh hoạt hơn trong giảng dạy và có năng lực về kiến thức. “Giáo viên đang rất cố gắng và nhà trường cũng đã nhìn thấy sự cố gắng này. Chúng tôi muốn phát huy hơn nữa năng lực của giáo viên để điều quan trọng nhất, học sinh tiếp thu bài rõ ràng, tiến bộ hơn… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa thể đáp ứng theo tinh thần Công văn 5512. Nhà trường đang cố gắng bằng nhiều nguồn lực để tạo điều kiện học tập cho các em tốt hơn”, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (Hà Trung) Nguyễn Thị Thanh cho biết.

Thông thường, triển khai một chủ trương, chính sách, cách làm mới bao giờ cũng đi kèm với khó khăn. Qua tìm hiểu, đối với giáo viên công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, việc soạn giáo án theo Công văn 5512 sẽ thuận lợi hơn đối với giáo viên mới vào nghề. Mặc dù có những bỡ ngỡ ban đầu, nhưng khi giáo viên đã làm quen, những trang giáo án của Chương trình GDPTM sẽ dễ hiểu và hiệu quả hơn, vì mỗi phần đều có mục tiêu riêng, người dạy cũng chủ động hơn trong việc truyền đạt kiến thức, người học dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]