(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có Văn bản số 1890/SGDĐT-KHTC hướng dẫn các nhà trường thực hiện đúng các khoản thu, chi ngoài ngân sách, tuy nhiên tình trạng lạm thu, thực hiện sai hướng dẫn của ngành vẫn diễn ra, thậm chí còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn năm học trước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vẫn là bệnh lạm thu

Ngay từ đầu năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã có Văn bản số 1890/SGDĐT-KHTC hướng dẫn các nhà trường thực hiện đúng các khoản thu, chi ngoài ngân sách, tuy nhiên tình trạng lạm thu, thực hiện sai hướng dẫn của ngành vẫn diễn ra, thậm chí còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn năm học trước.

Những câu chuyện buồn vẫn lặp lại

Ngay sau khi nhận được phản ánh về việc Trường MN Minh Nghĩa (Nông Cống) để xảy ra tình trạng lạm thu, ngày 16/10/2019, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT Nông Cống thành lập đoàn kiểm tra, xác minh. Kết quả, Trường MN Minh Nghĩa đã thực hiện chưa đúng quy trình về các khoản thu chi ngoài ngân sách. Cụ thể, trường này đã họp triển khai thực hiện các khoản thu chi ngoài ngân sách năm học 2019 - 2020 khi chưa có ý kiến phê duyệt thẩm định của phòng GD&ĐT. Mức thu nước máy sử dụng cho trẻ sinh hoạt và sơ chế, chế biến thực phẩm hàng ngày (120.000 đồng/ trẻ/ năm) của nhà trường không có trong mục được phép thu theo Văn bản số 1890/ SGDĐT-KHTC ngày 29/7/2019 của Sở GD&ĐT và Công văn số 1368/UBND-GD&ĐT ngày 7/8 /2019 của Chủ tịch UBND huyện Nông Cống về việc hướng dẫn triển khai thực hiện các khoản thu chi ngoài ngân sách trong trường học năm học 2019 - 2020.

Phòng GD&ĐT Nông Cống đã yêu cầu Hiệu trưởng Trường MN Minh Nghĩa nghiêm túc kiểm điểm, dừng tất cả các khoản thu đóng góp năm học 2019 - 2020 (trừ các khoản thu bắt buộc theo quy định) và thựchiện lại các bước quy trình thu đóng góp theo quy định.

Công khai niêm yết các khoản thu tại Trường MN Thọ Lộc (Thọ Xuân).

Sự việc tương tự cũng xảy ra tại Trường TH&THCS Đông Minh (huyện Đông Sơn). Theo phản ánh, ngoài những khoản thu theo quy định, Trường TH&THCS Đông Minh còn có các khoản thu khác như: Sổ liên lạc điện tử 60.000 đồng/năm; vệ sinh trường 140.000 đồng/năm; nước uống 50.000 đồng/năm; Ban đại diện cha mẹ học sinh 200.000 đồng/năm; hồ sơ, bảng điểm, giấy thi 60.000 đồng/năm; hỗ trợ học sinh thi Hội khỏe Phù Đổng 50.000 đồng; mua máy photocopy 50.000 đồng; tăng buổi, tăng tiết 200.000 đồng/tháng (1.600.000 đồng/năm); hỗ trợ tiếng Anh 120.000 đồng/năm; khen thưởng 60.000 đồng/năm; quỹ lớp 300.000 đồng/năm; tăng cường cơ sở vật chất 320.000 đồng/năm.

Ngay sau khi nắm bắt được thông tin, ngày 21/10/2019, Thanh tra Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra làm rõ. Sự việc đến nay vẫn đang chờ kết luận chính thức, nhưng nhiều khoản thu sai quy định của nhà trường này so với Hướng dẫn 1890/SGDĐT-KHTC là điều thấy rõ.

Mới đây nhất là sự việc nhiều phụ huynh học sinh đã viết đơn tố cáo hiệu trưởng Trường THCS Minh Lộc (huyện Hậu Lộc) để xảy ra hàng loạt sai phạm như: Thu chi không đúng quy định, cho giáo viên nghỉ dạy suốt thời gian dài nhưng vẫn được hưởng nguyên lương, “ép” học sinh mua vở in logo, mua áo đồng phục, thu tiền học thêm và tiền học nghề sai quy định... Ngay sau khi có thông tin, Phòng GD&ĐT Hậu Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh sự việc. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hậu Lộc khẳng định, nếu nhà trường thực hiện sai sẽ xử lý ban giám hiệu theo quy định.

Một điều dễ thấy, ngay sau khi nhận thông tin về lạm thu, sở GD&ĐT đã vào cuộc xác minh và xử lý sự việc, không để sai phạm kéo dài, kiên quyết đấu tranh với sai phạm trong các nhà trường. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận lạm thu vẫn còn là “căn bệnh” chưa có thuốc đặc trị.

Nhiều cách làm mới chống lạm thu

Để đấu tranh với lạm thu, nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã có cách chỉ đạo mới, sáng tạo, hợp lý, góp phần đẩy lùi lạm thu trong các nhà trường.

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, UBND TP Thanh Hóa đã có Văn bản số 4546/HD-UBND hướng dẫn việc thực hiện cáckhoản thu, chi trong trường học thuộc TP Thanh Hóa năm học 2019 - 2020. Trong đó có thêm nội dung mới chỉ đạo các nhà trường chưa tổ chức thu tiền ngay sau khi kết thúc cuộc họp phụ huynh đầu năm học mà chỉ thông báo tới phụ huynh dự thảo các khoản thu ngoài ngân sách đã được tiến hành theo quy trình, phụ huynh bàn bạc với Hội cha mẹ học sinh tiến tới thống nhất, báo cáo nhà trường nghiên cứu tiếp thu bổ sung dự toán, sau đó mới đề nghị phòng GD&ĐT, phòng Tài chính xem xét phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, các nhà trường mới tiến hành thực hiện các khoản thu.

Ông Tạ Hồng Lựu - Trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho biết: Với quy trình này, phụ huynh sẽ được bàn bạc một cách dân chủ, công khai, được giải đáp các thắc mắc và tiến tới thống nhất, tránh được những hiểu lầm, áp đặt từ đó đồng lòng ủng hộ nhà trường.

Còn tại TP Sầm Sơn, ông Phạm Xuân Trưởng - Trưởng Phòng GD&ĐT, cho biết: Thành phố đã chỉ đạo rất quyết liệt, cụ thể, chi tiết trong việc thực hiện các khoản thu, chi trong trường học. Nhà trường nào để xảy ra tình trạng lạm thu, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. UBND các phường, xã có trách nhiệm giám sát việc thực hiện của các nhà trường, đồng thời thông tin trên hệ thống loa truyền thanh nội dung các khoản thu đầu năm học để nhân dân nắm rõ.

Xã hội hóa thành công nhờ công khai, minh bạch

Ban đại diện Cha mẹ học sinh từ lâu được xem là "cánh tay nối dài" của nhiều trường học trong vấn đề thu chi. Để tránh tình trạng “núp bóng” Ban đại diện Cha mẹ học sinh để thực hiện các khoản thu ngoài quy định, ngành GD&ĐT cũng đã có nhiều giải pháp chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc thu đúng theo Điều lệ Ban đại diện Cha mẹ học sinh; thực hiện đúng quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện xử lý, vi phạm.

Ông Hoàng Anh Thắng - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Ninh (Triệu Sơn) cho biết: 2 năm học gần đây nhà trường thực hiện rất nhiều hạng mục sửa chữa cơ sở vật chất. Nhờ “nói thật, làm thật” nhà trường đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh học sinh mà không để xảy ra bất cứ ý kiến trái chiều nào. Cơ sở vật chất được bổ sung tạo đà cho chất lượng giáo dục trong nhà trường được nâng lên rõ rệt.

Kiên quyết không tiếp nhận tài trợ dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, ép phụ huynh tài trợ, Trường TH Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) đã chú trọng công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu và tự nguyện ủng hộ. Bà Lê Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường TH Bắc Sơn chia sẻ:Kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ nội dung, mục đích, đối tượng thụ hưởng, dự toán kinh phí và kế hoạch triển khai hoạt động cần tài trợ rõ ràng. Vận động tài trợ quan trọng nhất là công khai nội dung báo cáo tài chính năm và công khai quyết toán thu, chi tài chính năm, tình hình sử dụng các khoản vận động tài trợ để phụ huynh biết và đồng thuận ủng hộ, đồng thời lưu hồ sơ thực hiện theo quy định của tài chính hiện hành.

Bà Hạnh cho biết thêm, nhà trường cũng quán triệt đến từng giáo viên không được phép phổ biến đến phụ huynh học sinh những khoản thu không được phê duyệt. Ban đại diện cha mẹ học sinh muốn triển khai thực hiện thêm khoản thu nào phải báo cáo nhà trường bằng văn bản để nhà trường xin phê duyệt của phòng GD&ĐT. Sau khi được phê duyệt bằng văn bản thì mới được thực hiện trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Như vậy, để thực hiện đúng các khoản thu chi đầu năm học không hề khó, quan trọng nhất là phải thực hiện theo đúng quy định. Để làm được điều này một trong những biện pháp để giải quyết dứt điểm là lãnh đạo ngành giáo dục và địa phương cần cương quyết hơn nữa và không nói suông. Đối với những hiệu trưởng nhà trường để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc cho xã hội thì cơ quan chức năng cần mạnh dạn xử lý kỷ luật nghiêm khắc. Những trường hợp nghiêm trọng nên xử lý hình sự để dập tắt tư tưởng lạm thu trong nhà trường. Tuyệt đối không nên xử lý qua loa hoặc luân chuyển sang trường khác tránh “ngựa quen đường cũ”.

Hạ Lan


Hạ Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]