(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều năm qua, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy học đường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vì một mái trường không có ma túy và tệ nạn xã hội

Nhiều năm qua, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy học đường.

Mô hình “Trường học nói không với ma túy và tệ nạn xã hội” của Huyện Đoàn Nông Cống là một điển hình cần được nhân rộng.

Được chọn triển khai thí điểm mô hình “Trường học nói không với ma túy và tệ nạn xã hội”, trong suốt 4 năm qua, Đoàn thanh niên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nông Cống luôn duy trì các buổi sinh hoạt đoàn với chủ đề về phòng chống ma túy - HIV/AIDS trong giới trẻ. Hoạt động này đã góp phần giúp thanh, thiếu niên, học sinh nhà trường được trang bị thêm kiến thức về tác hại của ma túy, ý thức bảo vệ bản thân.

Em Lâm Bá Quý, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nông Cống cho biết: Các tiết học có chủ đề về phòng chống ma túy - HIV/AIDS trong giới trẻ rất bổ ích, giúp em hiểu tác hại của ma túy đối với sức khỏe để tránh xa và biết tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của ma túy - HIV/AIDS.

Anh Hoàng Văn Trọng - Bí thư đoàn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nông Cống cho biết: Khi tổ chức các buổi sinh hoạt với chủ đề về ma túy - HIV/AIDS, đoàn viên thanh niên tham gia rất hào hứng, từ đó nhà trường có thêm nhiều động lực để tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động thu hút các em tham gia nhiệt tình hơn.

Sau hơn 4 năm triển khai, hiện phong trào “Trường học nói không với ma túy và tệ nạn xã hội” đã thu hút 100% số trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện Nông Cống hưởng ứng tham gia.

Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho học sinh về tệ nạn ma túy - HIV/AIDS, hằng năm, Trường THPT Yên Định 2 đều lên kế hoạch tuyên truyền, xây dựng chương trình giáo dục phòng chống ma túy - HIV/AIDS phù hợp thực tiễn nhà trường và địa phương.

Nhiều trường THPT đã tổ chức tuyên truyền về hiểm họa ma túy, HIV/AIDS hiệu quả, chất lượng.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Ngay từ đầu năm học mới, Trường THPT Yên Định 2 đã tổ chức lễ ra quân và thực hiện ký cam kết nói không với ma túy và tệ nạn xã hội trong toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường. Xuyên suốt năm học, thông qua các hoạt động ngoại khóa, nhà trường đã tuyên truyền, cung cấp các thông tin để giáo viên, học sinh hiểu đúng về ma túy và những hệ lụy do ma túy gây ra. Ngoài ra, trong công tác dạy học, mỗi giáo viên đều có ý thức khéo léo tích hợp các vấn đề về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS vào bài học của học sinh, đặc biệt trong các môn học như: Sinh học, Giáo dục công dân...

Với phương châm phòng ngừa là chính, cùng với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy - HIV/AIDS, Ban Giám hiệu Trường THPT Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) đã chỉ đạo giáo viên trong quá trình giảng dạy lồng ghép, cung cấp các kiến thức liên quan đến hiểm họa và tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người và đời sống xã hội cho các em. Đồng thời đẩy mạnh công tác tư vấn phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; lồng ghép các hoạt động giáo dục phòng, chống ma túy - HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm vào phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Hàng năm, cùng với việc tổ chức tốt các hoạt động mít tinh hưởng ứng “Tháng Hành động phòng, chống ma túy”; “Ngày Thế giới phòng, chống ma túy”; “Tháng Hành động quốc gia phòng, chống AIDS” và các cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động gắn với nội dung giáo dục phòng, chống ma túy - HIV/AIDS.

Vào đầu năm học mới ban giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức cho học sinh ký cam kết “bốn có” và “bốn không”. Trong đó “bốn có” là: Sống có lý tưởng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, góp phần xây dựng trường học không ma túy; trang bị kiến thức về phòng, chống ma túy và các kỹ năng cần thiết; tuyên truyền cho mọi người hiểu về tác hại của ma túy; tích cực tham gia phát hiện, tố giác các tụ điểm mua bán, tàng trữ, sử dụng ma túy thông qua hòm thư, các số điện thoại nóng. “bốn không” là: Không thử, tổ chức sử dụng ma túy dưới mọi hình thức; không mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, trồng cây chứa chất ma túy (thuốc phiện, cần sa, cô ca...); không làm ngơ trước các biểu hiện của ma túy trong trường học và cộng đồng; không bỏ rơi, kỳ thị bạn bè, người mắc nghiện ma túy; người bị nhiễm HIV/AIDS, họ là những người bệnh cần được chăm sóc của cộng đồng và xã hội…

Với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo đoàn thanh niên cùng với ban giám hiệu các nhà trường đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh, cung cấp thêm nhiều kiến thức bổ ích để các em biết và tránh xa tệ nạn ma túy, HIV/AIDS. Từ đó góp phần tạo nên một thế hệ thanh thiếu niên có hiểu biết và sống có lý tưởng, hoài bão.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]