(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiêu chí số 5 về trường học là 1 trong 2 tiêu chí về phát triển sự nghiệp giáo dục trong xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Để hoàn thiện tiêu chí này, trong điều kiện còn khó khăn, nhiều địa phương phải nỗ lực thực hiện với những cách làm hiệu quả, thiết thực.

Vượt khó thực hiện tiêu chí trường học

Tiêu chí số 5 về trường học là 1 trong 2 tiêu chí về phát triển sự nghiệp giáo dục trong xây dựng xã nông thôn mới (NTM). Để hoàn thiện tiêu chí này, trong điều kiện còn khó khăn, nhiều địa phương phải nỗ lực thực hiện với những cách làm hiệu quả, thiết thực.

Vượt khó thực hiện tiêu chí trường họcTrường THCS Cẩm Châu đang được đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học mới.

Hoàn thiện cơ sở vật chất

Từ năm 2011 đến nay, với sự huy động từ nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã, Nông Cống đã xây dựng thêm 515 phòng học kiên cố, tu sửa nâng cấp 382 phòng học, phòng chức năng…, với tổng kinh phí thực hiện 387,7 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn đã có 83/98 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 84,69%). Số trường còn lại, huyện đang nỗ lực, phấn đấu đạt chuẩn từ nay đến năm 2025.

Theo kế hoạch, Trường Mầm non Tân Khang (xã Tân Khang) đăng ký đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2021. Với sự hỗ trợ của huyện, xã, hiện nhà trường đang trong quá trình hoàn thiện nhà hiệu bộ, phòng đa năng và bếp ăn 1 chiều. Từ năm 2017 trở về trước, cơ sở vật chất ở ngôi trường này còn khó khăn, thiếu thốn. Thời điểm bấy giờ, trường có 7 nhóm lớp nhưng chỉ 6 phòng học, do đó phải ghép lớp. Trường dùng bếp củi để nấu ăn cho học sinh… Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Tấn cho biết: “4 năm trở lại đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được quan tâm đầu tư nhiều hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn xây dựng trường chuẩn, cùng với huyện, xã, nhà trường đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để có kinh phí sửa chữa 4 phòng học cũ, hệ thống cửa các phòng học”.

Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu, tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, huyện Cẩm Thủy cũng đã tập trung các giải pháp đẩy mạnh hoàn thiện theo các chuẩn quy định ở các cấp học. Đến nay, huyện có 47/55 trường đạt chuẩn quốc gia. 8 trường còn lại nằm trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn (xã vùng 135) trước đây. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2022, sẽ hoàn thành đạt chuẩn đối với 8 trường này, trong đó có Trường THCS Cẩm Châu.

Trường THCS Cẩm Châu đăng ký đạt chuẩn quốc gia vào năm 2022. Nhiều năm nay, nhà trường thiếu phòng học và trang thiết bị dạy học. Hiện, nhà trường đang tiến hành xây dựng thêm 10 phòng học mới và nhà hiệu bộ. Theo chia sẻ của Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Tiến Đạt: “Xây dựng NTM và thực hiện tiêu chí giáo dục để chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục các nhà trường. Đây là xã vùng khó khăn nên khi trường được quan tâm đầu tư, cán bộ, giáo viên và học sinh rất mừng”.

Nỗ lực vượt khó

Thực hiện tiêu chí trường học, trong đó mục tiêu là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, khó khăn lớn nhất với nhiều địa phương là kinh phí thực hiện.

Trở lại câu chuyện ở Trường Mầm non Tân Khang (Nông Cống) khi trường đang hoàn thiện phòng đa năng, nhà hiệu bộ và bếp ăn với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng, trong đó huyện hỗ trợ 3 tỷ đồng còn lại 500 triệu đồng là vốn đối ứng của xã. Tuy nhiên, với số vốn đối ứng này, theo ông Lê Xuân Phùng, Chủ tịch UBND xã Tân Khang, thì: “Kinh phí của huyện đã cơ bản nhưng với xã, thực sự rất khó, bởi đều trông chờ vào quỹ đất. Nhưng đất ở Tân Khang nhiều năm nay khó bán, nên xã phải cân đối nguồn ngân sách, đầu tư cho giáo dục”.

Chia sẻ về vấn đề kinh phí trong thực hiện tiêu chí trường học, ông Phạm Phi Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) cũng cho rằng: “Xã không có nguồn thu khác ngoài đấu giá đất. Trong năm 2021, xã đồng thời thực hiện xây dựng nhà hiệu bộ ở trường THCS, với vốn đối ứng là 1,5 tỷ đồng và một số hạng mục ở trường mầm non, vốn đối ứng 1,2 tỷ đồng. Công tác giáo dục là lâu dài nên quan điểm của xã, dù khó khăn nhưng vẫn phải hỗ trợ bằng mọi cách cho các nhà trường. Trong trường hợp xấu nhất không bán được đất, chúng tôi đã làm việc với nhà thầu để đổi đất lấy công trình”.

Huy động nguồn lực xây dựng NTM ở các địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, giáo dục được xác định là tiêu chí then chốt. Đến nay, các tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo (tiêu chí số 5 và tiêu chí số 14) đối với cấp xã cơ bản đã đạt. Hệ thống cơ sở hạ tầng các trường học từng bước được bổ sung và ngày càng hoàn thiện. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì vững chắc…, khẳng định tính bền vững trong hiệu quả đào tạo của giáo dục Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]