“Gieo chữ” ở Thấng Sơn
Khu phố Thấng Sơn (trước đây là thôn trung tâm của xã Yên Lễ cũ) hiện là nơi đứng chân của các trường mầm non, tiểu học (TH) và THCS Yên Lễ thuộc thị trấn Yên Cát (Như Xuân). Mặc dù là những ngôi trường vùng ven của thị trấn Yên Cát, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông, nhưng các thầy, cô giáo, các em học sinh (HS) luôn nỗ lực vượt khó thi đua dạy tốt, học tốt.
Cô giáo Bùi Thị Lan và các em học sinh lớp 1A tại điểm trường chính Trường TH và THCS Yên Lễ.
Ươm mầm tương lai
Sau kỳ nghỉ lễ dịp 30/4 và 1/5, cô trò Trường Mầm non Yên Lễ (khu phố Thấng Sơn, thị trấn Yên Cát) nhộn nhịp và vui tươi trở lại trường học. Năm học 2024-2025, nhà trường có 34 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 14 lớp với 250 em HS nhà trẻ và mẫu giáo. HS của nhà trường chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc: Thổ, Thái, Mường, Kinh, trong đó dân tộc Thổ chiếm số đông. Ngoài tập viết, tập đọc, hát múa theo tiếng phổ thông, các cô giáo còn phải dùng tiếng “mẹ đẻ” của chính các em trong trường hợp dỗ dành, giảng dạy. Lớp học vì thế mà trở nên thân thương đặc biệt.
Ở điểm chính của Trường TH và THCS Yên Lễ (khu phố Thấng Sơn, thị trấn Yên Cát), những ngày sau nghỉ lễ, cô trò lớp 1A do cô giáo Bùi Thị Lan làm chủ nhiệm lại rộn vang tiếng tập đọc, viết chữ. Điểm trường chính có duy nhất một lớp 1. Lớp 1A có 28 HS, trong đó 27 HS là con em đồng bào dân tộc Thổ ở các khu phố Thấng Sơn, Xuân Thịnh, Trung Thành, Yên Thắng, Mỹ Ré... theo học.
Những bộ máy tính cho các em HS THCS tại điểm trường TH và THCS Yên Lễ do các mạnh thường quân, đơn vị thiện nguyện tài trợ.
Cùng khu phố Thấng Sơn cách điểm trường chính gần 1km là nơi học tập của các em HS THCS thuộc Trường TH và THCS Yên Lễ với 194 HS theo học. Những ngày tháng 5 là thời điểm các thầy, cô giáo giảng dạy, ôn thi cuối học kỳ 2 cho HS. Theo chân thầy giáo Nguyễn Thế Lương, Phó Hiệu trưởng Trường TH và THCS Yên Lễ, phụ trách khối THCS đến các lớp học. Điểm trường là ngôi nhà 2 tầng nằm trên khu đất cao, xây dựng đã hơn 20 năm, hiện có 6 phòng học và 2 phòng chức năng. Trong buổi sớm mai, cô giáo Lê Thị Vân, giáo viên môn Ngữ văn đang say sưa truyền đạt kiến thức cho các em HS lớp 7A. Đây cũng là lớp có nhiều HS đạt thành tích cao, nỗ lực trong học tập. Ở lớp 7A, cô giáo và các bạn HS đều dành sự khen ngợi cho 2 HS Lê Ngọc Tâm và Lê Thùy Chi (dân tộc Thổ). Hai em chăm ngoan, nghị lực vượt khó trong học tập. Riêng Lê Thùy Chi đạt giải nhì môn Giáo dục công dân trong kỳ thi HS giỏi các môn văn hóa cấp huyện năm học 2024-2025.
Ước mơ về ngôi trường mới khang trang
Thầy giáo Lê Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Yên Lễ chia sẻ: Nhà trường hiện có 32 cán bộ, giáo viên, 17 lớp học với tổng số 493 HS đang học tập tại 3 khu, trong đó 2 khu tại khu phố Thấng Sơn và 1 khu điểm lẻ Quế Phú dành cho khối TH cách trung tâm khoảng 6km. Những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng ủy, UBND thị trấn Yên Cát, sự chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo Như Xuân, sự hỗ trợ nhiệt tình của ban đại diện hội cha mẹ HS và các tổ chức đoàn thể, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Tập thể hội đồng sư phạm nhà trường luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ giáo viên đa số giàu tâm huyết, năng lực chuyên môn vững vàng với 100% đạt chuẩn. Nhiều thầy, cô đạt giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề như các cô giáo Lê Thị Vân, Nguyễn Thị Vinh (môn Ngữ văn); cô giáo Trần Thị Thanh Lịch (môn Địa lý)... Trường có hơn 60% là HS người dân tộc thiểu số, song các em luôn chăm ngoan trong học tập. Hàng năm tỷ lệ HS thi đỗ vào lớp 10 đạt trên 90%.
Cô, trò Trường Mầm non Yên Lễ trong giờ dạy và học.
“Hiện nay, nhà trường vẫn còn thiếu giáo viên khối THCS ở các môn Toán, Hóa học, Vật lý và môn đặc thù như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một số giáo viên dạy môn đặc thù khối TH điều động dạy khối THCS, hoặc dạy liên trường để đảm bảo số tiết học. Nhà trường có 3 khu nên khó khăn trong việc chỉ đạo, quản lý chuyên môn của ban giám hiệu. Điểm trường chính và các khu lẻ được đầu tư xây dựng hơn 20 năm trước và bằng nhiều nguồn vốn khác nhau nên cơ sở vật chất phòng học còn thiếu, không đồng bộ; nhiều hạng mục công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, không đủ điều kiện cho việc dạy và học trong tình hình mới. Mong mỏi của nhà trường, cũng như nguyện vọng của các bậc phụ huynh, Nhân dân là có ngôi trường mới khang trang đáp ứng học tập, giảng dạy, khắc phục việc phân tán HS ở các điểm lẻ về học khu chính, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, từng bước đạt trường chuẩn quốc gia”, thầy giáo Lê Văn Kiên trao đổi.
Ông Lê Ngọc Tuấn, bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố Thấng Sơn chia sẻ: Khu phố có 123 hộ dân với 502 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thổ sinh sống. Những năm qua, bà con Nhân dân khu phố luôn ủng hộ và chung tay cùng nhà trường chăm lo việc học của con em mình. Hàng năm, bà con đóng góp quỹ và trao quỹ khuyến học, động viên, khích lệ tinh thần học tập của các cháu. Mong mỏi của bà con là Nhà nước, các cấp, ngành quan tâm xây dựng ngôi trường mới khang trang, khắc phục điểm lẻ, để các cháu được học tập chung một mái trường. Từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học của thầy và trò, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên
{name} - {time}
-
2025-05-08 10:38:00
133 học sinh được miễn thi tốt nghiệp, ưu tiên xét tuyển đại học năm 2025
-
2025-05-06 10:05:00
Điểm sáng xây dựng mô hình học tập
-
2025-05-06 08:16:00
Khát vọng trên đỉnh Pù Mằn
Giảm áp lực học thêm - đổi mới kiểm tra, đánh giá...
Người truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh khuyết tật
Từ sự thay đổi lịch học...
Quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
Góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập
800 đội đăng ký cuộc thi về trí tuệ nhân tạo và robot dành cho học sinh Trung học phổ thông
Giảm áp lực cho sĩ tử trước mùa thi