(vhds.baothanhhoa.vn) - Giăng mắc tứ bề là núi đồi hiểm trở, đồng bào dân tộc Mông ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) từng sống trong cảnh “3 không” (không điện, không đường, không chợ), đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa, bản Ché Lầu hôm nay đã thay đổi diện mạo mới, có đường giao thông, điện thắp sáng, trường học...

Khát vọng trên đỉnh Pù Mằn

Giăng mắc tứ bề là núi đồi hiểm trở, đồng bào dân tộc Mông ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) từng sống trong cảnh “3 không” (không điện, không đường, không chợ), đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa, bản Ché Lầu hôm nay đã thay đổi diện mạo mới, có đường giao thông, điện thắp sáng, trường học...

Khát vọng trên đỉnh Pù Mằn

Thầy và trò khu lẻ Ché Lầu, Trường Tiểu học Na Mèo đang được giảng dạy và học tập tại lớp học mới khang trang, sạch đẹp.

Nằm trên dãy Pù Mằn cao hơn 1.200m, Ché Lầu một thời được nhiều người gọi là miền xa. Bởi đường về bản quá đỗi gian nan, dòng suối Sàng hiền hòa nhưng hễ trời mưa là cuộn nước khiến bản biệt lập với bên ngoài. Đói nghèo, bệnh tật... đeo đẳng trên mỗi nếp nhà. Hàng chục năm, dân bản thầm ước mong có một con đường nối bản với các địa phương lân cận... Năm 2021, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực, con đường từ bản Son lên Ché Lầu đã được bê tông hóa. Giờ đây, xe ô tô có thể bon bon từ ngã ba Bo Hiềng băng qua Sa Ná, lên bản Son, rồi men theo con dốc cao tới bản Ché Lầu.

Trung tâm bản gọn gàng, sạch đẹp với hàng cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Phía trên con dốc, khu trường lẻ Ché Lầu, Trường Tiểu học Na Mèo gồm 5 phòng học khang trang, kiên cố. Ngay kế bên, khu lẻ mầm non cũng râm ran tiếng trẻ. Trên lưng đồi, bà con đang hối hả thu hoạch sắn... Phía thung sâu, những mảnh ruộng lúa nước đang kỳ trổ bông, hứa hẹn một vụ mùa no ấm. Bí thư chi bộ, trưởng bản Ché Lầu Thao Văn Lâu, khoe: “Trước đây, bản chỉ trồng 1 vụ lúa nước, gạo chỉ đủ ăn trong vài tháng, còn lại là nhờ vào sự cứu trợ của Nhà nước. Vì thế để đảm bảo lương thực tại chỗ, UBND xã Na Mèo đã vận động bà con mở rộng diện tích trồng lúa nước, đồng thời trồng lúa nước 2 vụ trên diện tích đất nông nghiệp. Hiện tại, bản có gần 15ha lúa nước và nhiều diện tích khoai, sắn, dứa mật. Trong bản không còn hộ nào không có lúa gạo để ăn, kể cả vào mùa giáp hạt”.

Khát vọng trên đỉnh Pù Mằn

Diện mạo mới của bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) sau khi có đường, có điện.

Bản Ché Lầu có 66 hộ, 307 nhân khẩu, được hình thành từ năm 1989 trong những lần di cư của cộng đồng dân tộc Mông từ xã Nhi Sơn và xã Pù Nhi (Mường Lát). Những ngày đầu, người dân trong bản gặp rất nhiều khó khăn do phải thay đổi môi trường sống, tập quán canh tác... và đối mặt với nhiều cái “không”: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không có chi bộ, xa trung tâm. Vì thế, kinh tế bà con chỉ quanh quẩn với củ sắn, củ mài trên những ngọn đồi khô cằn sỏi đá. Thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu kiến thức làm ăn, nạn phá rừng, đốt nương rẫy và những hủ tục đeo bám khiến cho cuộc sống người Mông ở bản Ché Lầu cứ mãi luẩn quẩn trong đói nghèo.

Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều dự án, chính sách với mong muốn hỗ trợ tạo sinh kế, góp phần giúp dân bản từng bước giảm bớt khó khăn. Năm 2021, huyện Quan Sơn thực hiện thí điểm dự án trồng vầu tại bản Ché Lầu với diện tích 170ha, hiện đã và đang cho tín hiệu tích cực. Năm 2022, chính quyền địa phương tiếp tục đưa dự án nuôi lợn nái sinh sản, hỗ trợ cho 40 hộ tham gia với số tiền gần 200 triệu đồng. Năm 2023, UBND xã Na Mèo tiếp tục triển khai mô hình trồng đào, thu hút 13 hộ tham gia. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp địa phương, người dân nắm bắt được kỹ thuật trong nuôi trồng, từ đó duy trì và phát triển mô hình sản xuất... Đầu năm 2025, đàn lợn của bản đã tăng lên gần 300 con. Ngoài ra, bà con trong bản còn nuôi khoảng 1.000 con gia cầm, 65 con trâu, 125 con bò...

Thông qua các dự án đã từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân trong bản. Người dân đã chủ động làm kinh tế vươn lên thoát nghèo. Gia đình anh Thao Văn Thê được xem là hộ có kinh tế khá nhất bản. Với hơn 1ha diện tích trồng khoai mán ruột vàng, 2ha vầu, 2ha sắn và 2 sào lúa nước cùng gần 10 con bò thương phẩm, gia đình anh Thê thu hàng trăm triệu mỗi năm.

Khát vọng trên đỉnh Pù Mằn

Ông Thao Văn Sinh, người uy tín bản Ché Lầu chia sẻ về những đổi thay của bản trong những năm qua.

Được biết, anh Thê là một trong những người đầu tiên trồng tập trung cây khoai mán và đưa nông sản này trở thành hàng hóa. Manh nha xuất hiện trên những ngọn đồi ở bản Ché Lầu từ lâu, nhưng phải đến năm 2020, cây khoai mán mới được đông đảo bà con nông dân chú ý. Vốn là cán bộ Hội Nông dân xã Na Mèo, anh Thế biết chất lượng và giá trị của giống khoai này. Vì thế, anh đã chủ động tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng. Năm 2019, anh trồng 1ha khoai mán trên diện tích đất nông nghiệp của gia đình. Năm đầu hòa vốn, năm thứ 2, gia đình anh thu lãi hơn 80 triệu đồng. Do đã nắm vững kỹ thuật và phương thức chăm sóc, sản lượng và thu nhập từ diện tích trồng khoai mán của gia đình anh liên tục tăng ở các năm sau.

Nhận thấy trồng khoai mán chẳng tốn nhiều công sức, đồng vốn, lại cho thu nhập cao gấp nhiều lần cây trồng truyền thống, nên nhiều hộ đồng bào Mông ở Ché Lầu đã đến học hỏi kiến thức từ anh Thê. Cuối năm 2024, bản có 5 hộ trồng với diện tích gần 4ha. Đầu năm nay, vài hộ khác cũng đã trồng khoai mán, nâng tổng diện tích lên gần 10ha. Anh Thao Văn Thê vui mừng chia sẻ: “Có cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có đầu ra ổn định thì bà con phấn khởi và làm theo”.

Tính đến cuối năm 2024, bản có 5 hộ thoát nghèo. Hiện tại, bản còn 49 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo.

Nói về sự chuyển động ở bản trong những năm gần đây, ông Thao Văn Sinh, người uy tín cũng là một trong những người đầu tiên di cư về bản Ché Lầu, lạc quan bày tỏ, dẫu trước mắt còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng người dân trong bản đã nêu cao ý thức, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng bản làng no ấm. Tình hình an ninh trật tự ở bản được giữ vững; các hủ tục được đẩy lùi; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Bà con cũng đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng chuồng trại chăn nuôi xa nhà dân. Cứ đều đặn mỗi tháng 2 lần, người dân trong bản lại cùng nhau tham gia tổng dọn vệ sinh, quét dọn các tuyến đường, góp phần tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp... Năm 2019, Ché Lầu là bản người Mông đầu tiên của huyện Quan Sơn được công nhận là bản văn hóa.

Ché Lầu hôm nay khác xưa rất nhiều, đường mới đã mở, nếp nghĩ, cách làm cũng đã khác. Tin rằng, cùng với sự quan tâm, đồng hành sát sao của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong hệ thống chính trị, Ché Lầu sẽ sớm thoát nghèo.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]