(vhds.baothanhhoa.vn) - Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành phẩm chất, năng lực người học là những yếu tố cần thiết để phát huy hiệu quả tinh thần Thông tư 29 (TT 29).

Giảm áp lực học thêm - đổi mới kiểm tra, đánh giá...

Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng hình thành phẩm chất, năng lực người học là những yếu tố cần thiết để phát huy hiệu quả tinh thần Thông tư 29 (TT 29).

Giảm áp lực học thêm - đổi mới kiểm tra, đánh giá...

Thầy giáo Trịnh Văn Hùng, Trường THPT Yên Định 1 áp dụng công nghệ và giới thiệu bài toán thực tế trong giờ ôn tập.

Đa dạng các hình thức kiểm tra

TT 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Để không gây áp lực học thêm, quan trọng là phải nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn và thúc đẩy tinh thần tự học của học sinh. Riêng đối với công tác chuyên môn, đòi hỏi giáo viên phải là người có kiến thức vững, phương pháp, kỹ năng tốt để đưa ra nhiều giải pháp, cách làm linh hoạt, sáng tạo.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Huyền, giáo viên môn Toán, Trường THCS An Hoạch (TP Thanh Hóa) thì việc kiểm tra, đánh giá phải bám sát đúng yêu cầu cần đạt của chương trình. Trong đó, đối với kiểm tra thường xuyên, giáo viên chủ động đánh giá bằng nhiều hình thức. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Kiểm tra thường xuyên phải kết hợp bài kiểm tra nhỏ với dự án học tập, hình thức phỏng vấn, tìm hiểu các thông tin thực tế cần thiết cho bài học, bài tập nhóm... Với kiểm tra định kỳ, xây dựng ma trận và bảng đặc tả, bám sát yêu cầu đạt của chương trình theo 4 mức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”.

Theo TT 29, đối với 3 đối tượng đã được quy định học thêm trong nhà trường thì việc dạy thêm không quá 2 tiết/tuần/môn và không thu tiền. Do thời lượng ôn tập không nhiều nên giáo viên lại phải chú trọng nhiều hơn các buổi học chính khóa trên lớp đồng thời tận dụng tối đa các trang thiết bị dạy học, cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để đưa vào giảng dạy và đánh giá. Đối với việc ôn thi cho học sinh lớp 12, thầy giáo Trịnh Văn Hùng, giáo viên môn Toán Trường THPT Yên Định 1 đã đưa ra 3 cách để áp dụng, thực hiện. Thứ nhất, là đánh giá về làm đề. Theo đó, có 2 dạng là chuyên đề và dạng thi thử. Ôn thi môn Toán của học sinh lớp 12, thầy Hùng cho học sinh làm bài trên Azota, ở đó có kiểm tra, đánh giá, có rút kinh nghiệm, nhận xét và đặc biệt có gửi thông báo về kết quả bài kiểm tra thử cho phụ huynh để nắm bắt được tình hình học tập của con... Thứ 2, như chia sẻ của thầy Hùng: “Sẽ giao chuyên đề cho học sinh về nhà làm trên kho Azota. Theo đó, học sinh trên tinh thần tự học còn thầy giáo phối hợp cùng phụ huynh trong kiểm tra, giám sát... Thứ ba, nếu học sinh có thắc mắc về bài học, thì thầy giáo sẽ mở giải đáp trực tuyến với tinh thần tương tác, hỗ trợ...”.

Mức độ và phương pháp kiểm tra phù hợp

Đa dạng hình thức kiểm tra, tuy nhiên, bên cạnh đó thì mức độ và phương pháp kiểm tra phải căn cứ vào từng đối tượng học sinh, phù hợp với khả năng, năng lực, để đích cuối cùng là học sinh nào cũng tự tin để thể hiện bản thân. Chia sẻ của cô giáo Lê Hồng Sâm, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Trường (Yên Định): “Về mức độ câu hỏi, đừng để xảy ra tình trạng, học sinh yếu lại ra câu hỏi khó thì ngay từ đầu đã làm mất sự tự tin nên học sinh không dám thể hiện. Nhiều lần như vậy thì bản thân học sinh đấy sẽ rụt rè, nhút nhát, về lâu dài có thể dẫn đến trầm cảm. Do đó, nhà trường đã chỉ đạo rất quyết liệt và sát sao vấn đề này, đó là khi kiểm tra trên lớp thì mức độ và phương pháp phải phù hợp với từng đối tượng học sinh”.

Giảm áp lực học thêm - đổi mới kiểm tra, đánh giá...

Tiết chào cờ của học sinh Trường THCS An Hoạch (TP Thanh Hóa). (Ảnh nhà trường cung cấp)

Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Huyền, giáo viên môn Toán, Trường THCS An Hoạch (TP Thanh Hóa) thì cần phải truyền tải cho học sinh đầy đủ những nét chính của chương trình thi và bám sát nội dung đề thi để học sinh dễ thích nghi hơn”. Cô cho rằng: “Theo TT 29, dạy thêm ôn thi cuối cấp chỉ có 2 tiết/tuần/môn, điều này cũng đồng nghĩa, thời gian để thầy ở bên cạnh trò chỉ bảo, hướng dẫn không còn nhiều như trước đây. Vì vậy, nếu dạy với kiến thức nặng tính “hàn lâm”, xa với đề thi thì sẽ khiến học sinh khó tập trung...”.

Muốn phát huy được phẩm chất năng lực của học sinh, đặc biệt góp phần giảm áp lực học thêm thì theo người trong nghề, yếu tố rất quan trọng là giáo dục về mặt tư tưởng, xây dựng tính tự giác, thúc đẩy tinh thần tự học cho học sinh. Đồng thời, giáo viên phải kết hợp cùng phụ huynh để giúp họ hiểu rằng, TT 29 ra đời, khó khăn của thầy, cô là quá trình dạy trực tiếp không được nhiều, vì vậy, rất cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh quan tâm, nhắc nhở việc học của con em mình, như chia sẻ của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Định, bà Nguyễn Thị Khuyên: “Giáo viên phải tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết cách tự đánh giá, học sinh được đánh giá lẫn nhau, mọi sự đổi mới kiểm tra đánh giá phải làm cho học sinh tích cực hơn, nỗ lực hơn và phải dẫn đến sự biến đổi ở người học, là không chỉ làm chủ kiến thức, kỹ năng mà quan trọng hơn thay đổi cả thái độ, niềm tin...”.

Bài và ảnh: Ninh Nghi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]