(vhds.baothanhhoa.vn) - Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục. Đây cũng là nơi đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ. Xác định vai trò quan trọng này, trong những năm qua ngành giáo dục huyện Cẩm Thủy đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Góp phần để trẻ được phát triển toàn diện

Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên trong hệ thống giáo dục. Đây cũng là nơi đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, tinh thần của trẻ. Xác định vai trò quan trọng này, trong những năm qua ngành giáo dục huyện Cẩm Thủy đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Góp phần để trẻ được phát triển toàn diệnCác cháu Trường Mầm non Cẩm Thành tham quan, tìm hiểu mô hình góc học tập.

Ấn tượng của chúng tôi khi đến thăm Trường Mầm non Cẩm Thành là từ khuôn viên đến phòng học đều thoáng đãng, mát mẻ và sạch sẽ. Các đồ dùng, đồ chơi cho trẻ được trang trí, tạo hình sinh động và được sắp xếp gọn gàng trong phòng học theo từng chủ đề, chủ điểm. Cô giáo Phạm Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cẩm Thành, cho biết: "Năm học 2024-2025, nhà trường có 342 trẻ, được chia thành 17 nhóm lớp. Trong những năm qua, nhà trường luôn xác định chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là khâu then chốt, quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ. Do đó, hàng năm, nhà trường luôn tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được tham gia các lớp tập huấn do ngành giáo dục của huyện và tỉnh tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, thường xuyên khuyến khích giáo viên tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, các hội thi, hội giảng do nhà trường và ngành giáo dục phát động".

Cùng với đó, nhà trường luôn chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Hiện tại, nhà trường đã có 17 phòng học, 4 phòng chức năng. Trang bị đồ dùng, đồ chơi trong và ngoài lớp học, nhất là đồ chơi tự làm cũng khá phong phú, đa dạng, nhiều chủng loại, mang tính mở đáp ứng nhu cầu vui chơi, học tập của trẻ... Với mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường cũng tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được chủ động, sáng tạo, tư duy tích cực trong các hoạt động, góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng theo chuẩn chương trình giáo dục mầm non.

Xác định giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của trẻ, ngành giáo dục huyện Cẩm Thủy đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Hiện nay, toàn huyện có 19 trường mầm non và 2 nhóm trẻ độc lập tư thục với tổng số 6.641 học sinh được chia thành 318 nhóm lớp.

Những năm qua, các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non trên địa bàn huyện được tăng cường. Việc đầu tư mua sắm dụng cụ, đồ chơi, đồ dùng học tập, xây dựng cảnh quan môi trường, các góc hoạt động trong lớp, ngoài trời, khu vực chơi, khám phá, trải nghiệm luôn được các trường trên địa bàn huyện chú trọng đầu tư mua sắm, xây dựng phù hợp với môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm... Đến nay, 100% các trường mầm non trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia.

Hiện tại, toàn huyện có 745 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hoạt động tại các cơ sở giáo dục mầm non. Xác định đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên là “chìa khóa” để cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, ngành giáo dục huyện chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới. Theo đó, ngành giáo dục huyện đã tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, giáo viên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và giáo viên người dân tộc thiểu số, hỗ trợ giáo viên sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ tại các nhà trường trong huyện ngày càng được nâng cao, hàng năm toàn huyện có 100% trẻ 5 tuổi được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

Việc đổi mới tổ chức các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn huyện cũng được quan tâm thực hiện. Các nhà trường trong huyện đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp, phát huy tính chủ động trong việc phát triển chương trình giáo dục mầm non phù hợp với điều kiện của nhà trường, địa phương, khả năng và nhu cầu của trẻ. Quan tâm đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển toàn diện trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non, khuyến khích tổ chức các hoạt động thực hành, trải nghiệm, học thông qua chơi; bảo đảm điều kiện, môi trường giáo dục, thời gian tổ chức các hoạt động cho trẻ ở ngoài trời và trong lớp theo chế độ sinh hoạt hằng ngày. Chủ động hợp tác, áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương...

Việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, góp phần để trẻ được phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần. Từ đó sẽ ươm lên những mầm non tốt, cũng như góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng của ngành giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]