(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện nghèo theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm và dành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, đặc biệt là chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện nghèo theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm và dành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, đặc biệt là chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu sốĐồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thăm và chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh Trường Dự bị đại học Dân tộc Sầm Sơn nhân kỷ niệm 20 năm thành lập trường.

Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Bá Thước (Bá Thước) hiện có 245 học sinh. Những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ tính riêng trong năm học 2023-2024, nhà trường đã được đầu tư và đưa vào sử dụng nhà ở nội trú mới với 12 phòng cho học sinh; cải tạo nâng cấp nhiều hạng mục và mua thêm 16 máy tính cho phòng học môn Tin học... với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, Trường PTDTNT THCS Bá Thước đã tập trung đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức kiểm tra đánh giá nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh trong học tập thông qua sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, các phương pháp thực hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đồng thời, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoại khóa, chú trọng dạy học gắn liền với tìm hiểu di sản lịch sử - văn hóa địa phương; thực hiện tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống, chú trọng tuyên truyền, giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục an toàn giao thông, giáo dục quốc phòng - an ninh; nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh, truyền thống cách mạng của Nhân dân Thanh Hóa... vào các môn học và các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao ý thức rèn luyện cho học sinh.

Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Bá Thước Phạm Thị Tự cho biết: Bên cạnh hoạt động giáo dục, nhà trường cũng chú trọng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; rèn luyện cho các em ý thức bảo vệ sức khỏe, kỹ năng phòng chống dịch bệnh, phòng chống các tai nạn thương tích thường gặp. Đồng thời, chú trọng giáo dục học sinh kỹ năng ứng xử văn hóa, thái độ thân thiện với bạn bè, kính trọng người cao tuổi, lễ phép với thầy cô giáo... Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà của nhà trường luôn được giữ vững, chất lượng mũi nhọn có sự phát triển và mang tính ổn định. Một số kỳ thi, cuộc thi vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra như kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 9 cấp tỉnh, học sinh nhà trường đoạt 3 giải (1 giải ba và 2 giải khuyến khích), xếp thứ 2 trong toàn huyện; cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh, nhà trường đoạt giải nhì cấp huyện và tham gia dự thi cấp tỉnh đoạt giải tư, xếp thứ 2 toàn huyện; cuộc thi “Thầy cô trong mắt em” năm 2024, nhà trường đoạt 1 giải nhất cấp tỉnh...

Cùng góp phần thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Trường Dự bị đại học Dân tộc Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) là trường chuyên biệt với nhiệm vụ bồi dưỡng dự bị đại học cho học sinh người DTTS. Năm học 2024-2025, nhà trường tiếp nhận hơn 600 học sinh của 18 tỉnh với 23 DTTS vào học. Từ một trường thiếu và yếu về cơ sở vật chất, đến nay đã có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng quy mô tuyển sinh từ 1.000 đến 1.200 học sinh hằng năm. Trong hơn 20 năm qua, đã có 31 dân tộc có học sinh theo học tại trường; nhà trường đã bồi dưỡng dự bị đại học cho 11.176 học sinh DTTS và người Kinh sống ở khu vực kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của 23 tỉnh. Riêng tỉnh Thanh Hóa có 6 dân tộc với 6.838 học sinh theo học. Từ mái trường này, nhiều học sinh đã trở thành nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân... đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Gia tài giáo dục” đó là những quả ngọt được tạo ra từ tâm huyết và trí tuệ, từ sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của thầy cô và cựu học sinh qua nhiều thế hệ; từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành ở Trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các trường chuyên biệt của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như trình độ ngoại ngữ và khả năng giao tiếp tiếng DTTS của cán bộ, giáo viên còn hạn chế so với yêu cầu; chất lượng giáo dục mũi nhọn chưa tương xứng với tiềm năng của nhà trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tuy đã được đầu tư, song nhiều thiết bị đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến yêu cầu đổi mới giáo dục; những mặt trái bên ngoài xã hội, đặc biệt là mạng xã hội và tình trạng bạo lực học đường ảnh hưởng xấu đến việc phát triển nhân cách học sinh...

Các trường chuyên biệt có vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đồng thời là giải pháp cần thiết tạo nguồn cán bộ người DTTS, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng đồng đào DTTS. Bên cạnh đó, việc quan tâm phát triển chất lượng giáo dục tại các trường chuyên biệt cũng góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục dân tộc trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]