(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, dải đất ven biển phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) đang trở thành “miền đất hứa” cho những ai muốn tìm sự bình yên, tránh xa cuộc sống nhộn nhịp, ồn ào của chốn thị thành.

Hải Hòa - dải đất bình yên dưới chân sóng

Những năm gần đây, dải đất ven biển phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) đang trở thành “miền đất hứa” cho những ai muốn tìm sự bình yên, tránh xa cuộc sống nhộn nhịp, ồn ào của chốn thị thành.

Hải Hòa - dải đất bình yên dưới chân sóngBãi biển Hải Hòa.

Những vị khách đầu tiên

5 giờ sáng, mặt trời bắt đầu ưng ửng ở phía Đông. Như mọi ngày, chị Nguyễn Thị Quyên đã có mặt ngay chân sóng chờ những chiếc thuyền đánh cá đêm cập bờ, để mua nguyên liệu phục vụ khách.

Những tia nắng đầu tiên của ngày mới lấp loáng dát bạc lên từng con sóng. Xa xa, những chiếc thuyền mang theo “chiến lợi phẩm” đang chầm chậm theo con nước vào đất liền. Chẳng bao lâu, từng sọt hải sản tươi rói: cá, ghẹ, mực... “theo chân” những ngư dân nằm gọn trên bờ cát. Các chị, các mẹ nhanh tay phân loại hải sản: loại bán cho các chủ nhà hàng kinh doanh gần đó, loại chuyển đi tiêu thụ các chợ quanh vùng. Lẫn trong đó là các vị khách phương xa, họ đến để được ngắm cảnh vui đón thuyền về bến; chọn mua và thưởng thức hải sản tươi ngay trên bến.

Trong vị mặn mòi của biển cả, một ngày ở Hải Hòa bắt đầu với những điều bình dị như thế.

Có lẽ rất ít người biết, gia đình chị Quyên là gia đình đầu tiên cũng là người bản địa duy nhất đang kinh doanh dịch vụ ở dải đất này. Theo lời chị Quyên, năm 1995, 5 vị khách đầu tiên đi xe đạp từ thành phố xuống biển Hải Hòa tắm và qua nhà chị xin nước uống, tắm tráng trước khi về. Sau đó là 2 ông bố dắt theo con từ Hà Nội vào nghỉ hè, họ là những vị khách lưu trú đầu tiên tại đây. Gần 30 năm trước, biển Hải Hòa vẫn là một dải đất hoang sơ đúng nghĩa, chỉ có vài mảnh nhà úp lên nền cát, đã ai biết đến khách sạn, homestay là gì. Những vị khách lạ ngủ cùng các thành viên trong gia đình, thậm chí trải chiếu ngủ. Họ cùng nhau ăn cơm, đi chợ cùng chị, đi biển cùng các ngư dân. Đoàn khách này đi, đoàn khác lại về, chị Quyên từ đó có thêm “nghề tay trái” là kinh doanh dịch vụ. Chị làm một cách tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu của du khách: buôn bán tạp hóa, ăn uống, giải khát, tắm táp, nghỉ ngơi.

Năm 1997, dãy nhà 13 phòng đón khách đầu tiên được vợ chồng chị Quyên xây dựng bên bờ biển, lấy tên là Nhà nghỉ Tĩnh Quyên. Sau nhiều lần địa phương quy hoạch, gia đình chị hiện đang có một nhà nghỉ 3 tầng, với 10 phòng nghỉ đầy đủ tiện nghi khép kín. Du khách đến nghỉ tại gia đình chị Quyên, ngoài việc có thể theo chân chị ra cảng cá, tận mắt ngắm nhìn các loại hải sản tươi sống còn được chị hướng dẫn cho cách chọn hải sản ngon và được thưởng thức những bữa ăn đầy ắp sản vật của biển theo cách chế biến “cây nhà lá vườn”.

Dù đã lên chức bà chủ hàng chục năm nay, chị Quyên vẫn vẹn nguyên nét chân chất, mộc mạc của phụ nữ miền biển với làn da đen cháy và bàn tay chai sần vì muối biển. Đặc biệt là cái phóng khoáng “rặt” kiểu ngư dân ăn to nói lớn nhưng cực kỳ gần gũi, thân thiện. Thế nên, đi chợ cùng chị lúc nào cũng mua được đồ ngon và giá cả thì không phải lo. “Khách nhà tôi đa số là khách quen, người đi trước giới thiệu người đi sau... Có khi họ ở đây cả tháng trời vì thích thú”, chị Quyên khoe.

Gác mái chèo làm du lịch

Bắc cái ghế nhựa ra đầu hè quán tạp hóa làm vại bia, nhậu kèm con mực nướng, đĩa ruột dắt xúc bánh đa và đĩa rau mồng tơi xào tỏi... mùa hè bình yên đến lạ. Khác với vẻ tấp nập, ồn ào thường thấy ở các bãi biển lớn như Sầm Sơn, Hải Tiến, không khí ở Hải Hòa rất dễ chịu và ôn hòa như tên gọi - Hải Hòa, chứa chan niềm mong mỏi của người dân miền biển.

Hải Hòa - dải đất bình yên dưới chân sóngThuyền của ngư dân ra khơi.

Giữa mênh mông biển cả, gió thổi tứ bề, chúng tôi được anh Hoàng Văn Tĩnh, chồng chị Quyên kể lại. Hải Hòa mấy chục năm nghèo lắm, trước là biển, bên cạnh là cánh đồng phèn chua, đất nhiễm mặn. Chẳng nhà ai có được chiếc xe máy để đi, ngõ trên xóm dưới là những con đường đất nóng bỏng chân, nhưng sình lầy vào mùa mưa, nước sinh hoạt không có... Lối ra làm ăn chẳng hề có ngoài nương tựa vào biển cả để sinh cư, lạc nghiệp.

Nhiều đời gia đình anh Tĩnh đều làm nghề “đi mủng”, đánh bắt gần bờ. Những chuyến biển đêm tuy vất vả nhưng luôn đầy ắp niềm vui “lộc biển”. Người dân “lượm tiền” xây nhà, mua xe, sắm sửa đồ dùng sinh hoạt... Mùa tiếp mùa. Năm nối năm. Chính quyền các cấp và mỗi một người dân Hải Hòa như anh Tĩnh, chị Quyên bền bỉ, chắt chiu lao động, dựng xây. Tuy, anh Tĩnh đã không còn đi biển và những chiếc thuyền mủng giờ đã thay bằng thuyền bè, gắn máy, nhưng biển vẫn là một phần cuộc sống của anh và gia đình. “Sống ở biển, dân chỉ biết hướng mặt ra biển để mưu sinh, tưởng chỉ đủ ăn, nhưng không ngờ biển cho dân làng nhiều thứ”, anh Tĩnh khoát tay, nói.

Hải Hòa ngày nay đã thành phường, thành địa chỉ du lịch của thị xã Nghi Sơn với những con đường có hè phố rộng rãi, có những dãy nhà nghỉ dưỡng, khách sạn cao tầng bên nhau san sát, dựa vào nhau. Từ biển Hải Hòa du khách có thể di chuyển đến nhiều điểm tham quan trên địa bàn thị xã Nghi Sơn như thăm đảo Mê, Bãi Đông, thắng cảnh Biện Sơn, đền thờ Đào Duy Từ, động Trường Lâm, chùa cổ Am Các. Trong ánh ban mai rạng rỡ, cách đất liền 11km, đảo Mê tựa như một bức bình phong của tạo hóa, án ngữ chở che cho vùng “tứ hải”, ngăn những cơn sóng lừng từ khơi xa dội vào bờ. Từ đây, phóng tầm mắt ra phía ngoài xa kia là “thập bát mã sơn” - 18 hòn đảo lớn nhỏ ẩn hiện trong mây trời, sóng biếc.

Hy vọng ngọn gió Nghi Sơn sẽ thổi bùng lên khao khát chinh phục và khai thác vẻ đẹp tiềm ẩn của bến bờ quê hương. Những công trình mới khang trang, rực rỡ thi thoảng hiện ra vui ấm trên đường đi. Chúng tôi, ai cũng thấy hừng hực khí thế vì tương lai đang trải ra sáng và rộng quá đỗi.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]