Hành trình chạm tới giấc mơ của những đứa trẻ bản Ón
Những ngày cuối năm, khắp các bản đồng bào dân tộc Mông huyện biên giới Mường Lát nhuộm màu hoa mận. Tiếng nói cười trong trẻo của con trẻ vọng lên từ những ngôi trường nơi biên cương, mang thanh âm của cuộc sống mới.
Đường đến trường của những đứa trẻ ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát).
Bản Ón là bản cuối cùng của xã Tam Chung, có 7,4km đường biên giới giáp với huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Bên con suối nhỏ, điểm trường bản Ón thuộc Trường Tiểu học Tam Chung đang được triển khai xây dựng. Trong niềm vui các em nhỏ của bản chuẩn bị có điểm trường mới, anh Giàng A Chống, bí thư chi bộ, trưởng bản Ón chia sẻ: “Khoảng hơn 2 tháng nữa là trẻ em trong bản được học ở điểm trường học mới tốt hơn, an toàn hơn. Có trường, lớp kiên cố, khang trang, các thầy, cô giáo và học sinh học tập sẽ đỡ vất vả hơn".
Phía bên này con dốc, nép mình bên lưng núi, tiếng đọc bài của các em học sinh vang lên trong căn nhà gỗ mượn từ người dân. Điểm trường có tổng số 89 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, thời khóa biểu được chia ra theo lịch là buổi sáng dạy chính khóa, buổi chiều phụ đạo thêm cho các em về những kiến thức đã học và dạy thêm tiếng phổ thông. Thầy giáo Vi Văn Truân, phụ trách điểm trường bản Ón, tâm sự: “Học trò bản Ón thiệt thòi hơn các bạn ở trung tâm xã bởi điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn. Khó khăn lớn nhất trong việc dạy học ở đây là bà con chưa sát sao đến việc học của các con. Bởi vậy, tình trạng học sinh không muốn đi học, bỏ lớp vẫn diễn ra. Tình trạng trên xảy ra ở 3 thời điểm trong năm. Thứ nhất là đầu năm học mới, thứ 2 là thời điểm sau Tết Nguyên đán và thứ 3 là thời điểm Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Cũng vì thế mà các thầy, cô giáo vất vả thêm nhiều phần trong việc vận động trẻ đến trường. Thời điểm hiện tại, ngày nào cũng đi học thì các em có thể theo bài được. Nhưng lo nhất là lúc nghỉ dài ngày, các em trao đổi với gia đình, người thân bằng tiếng địa phương nên dễ quên ngay tiếng phổ thông. Thậm chí, các em quên cả mặt chữ nên cả thầy và trò lại phải bắt nhịp lại mất một thời gian".
Thầy giáo Vi Văn Truân và học sinh của mình đang học trong lớp tạm, mượn của người dân bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát).
Kết thúc buổi học, thầy Truân trở về căn nhà giáo vụ gần đó. Mặc dù nhà các thầy ở “sang" hơn học trò vì chỗ giường nằm được quây thêm tấm bạt ni lông để chắn gió nhưng khi ngả lưng vẫn ngắm được cả trời sao. Vì đều là người từ các địa phương khác đến nên thầy Truân và đồng nghiệp cùng “thường trú” tại bản, trở thành những người con của bản Mông. Người nhiều vài chục năm, người ít cũng vài năm gắn bó với sự nghiệp gieo chữ ở bản vùng biên này.
Gần 20 năm gắn bó với bản Ón, thầy giáo Ngân Văn Ân giống một người cha chứng kiến sự trưởng thành của những đứa trẻ người Mông. Ngoài dạy chữ, thầy chăm lo cho các con từ bữa ăn đến giấc ngủ. Bản Ón chia làm 3 khu vực: Ón 1, Ón 2, Ón 3 và nóc nhà xa nhất cách điểm trường khoảng 10km. Vì thế, học sinh thường chỉ đi học 1 buổi, 1 buổi nghỉ. Trăn trở với việc học của các con, thầy Ân đã kêu gọi sự chung sức của các mạnh thường quân để chung tay chăm lo sự học nơi đây. Kết quả, từ năm học 2022-2023, Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” đã được triển khai ở điểm trường bản Ón.
Được sự hỗ trợ cơm trưa của các bố mẹ nuôi, các học sinh của 5 lớp tại đây đã được ăn bán trú. Từ đó, tranh thủ giờ nghỉ giữa tiết, các thầy lại cùng với một vài phụ huynh sơ chế, chuẩn bị bữa ăn trưa cho các em. “Các con ở lại ăn, ngủ trưa tại trường, giáo viên vất vả hơn rất nhiều. Tuy vậy, chỉ cần tốt cho học sinh, chúng tôi sẵn sàng hết” - thầy Ân chia sẻ.
Vài năm nay, thầy Ân có thêm một “nghề” tay trái đó là thợ cắt tóc miễn phí cho học sinh. Tuy không trải qua một ngày nào học cắt tóc, xong thầy Ân lại khá thành thục với từng đường kéo, tông-đơ. Thầy Ân chia sẻ: “Với học sinh nơi vùng sâu, vùng sa này, tình trạng không có đủ sách vở, bút mực khi đi học là điều bình thường, nói gì đến chuyện cắt tóc gọn gàng, sạch sẽ. Ở đây, sự quan tâm đến chuyện học hành của con chỉ dừng lại ở việc đưa con đến trường, còn mọi chuyện đều phó mặc cho các thầy, cô giáo. Vì thế, vận động các con đến học xong, chúng tôi lo hết từ việc mua sách vở, may quần áo mới, nấu cơm, rửa bát, gấp chăn đến việc cắt tóc, gội đầu, tắm giặt, cắt móng tay...”.
Những đứa trẻ người Mông ở bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát) chăm chú lắng nghe bài giảng của thầy.
Có lẽ vì thế mà các thầy, cô giáo nơi đây luôn được phụ huynh yêu thương, kính trọng. Nhiều phụ huynh còn sắp xếp thời gian ra điểm trường hỗ trợ thầy cho các con ăn buổi trưa. Từ khi bữa ăn bán trú được đảm bảo, thể chất của học sinh được nâng lên, vì thế chất lượng giáo dục cũng tăng dần. Tỷ lệ chuyên cần từng buổi của điểm trường bản Ón luôn đạt từ 95 - 100%; tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp ở dưới mức 0,3%. Với một điểm trường nằm trên địa bàn mà đời sống Nhân dân còn nghèo, những con số như vậy cũng là sự động viên lớn đối với các thầy, cô giáo. “Trước kia, đồng bào chỉ lo miếng ăn từng ngày. Lo được cho các con có cái ăn là phụ huynh mừng lắm rồi chứ nói gì đến đồ ăn ngon. Các em ăn không có chất, người gầy, nhiều em thể trạng yếu, ảnh hưởng đến học tập. Từ ngày có bữa cơm bán trú, học sinh đến trường phụ huynh yên tâm hơn. Đặc biệt là việc thực hiện chương trình giáo dục theo chuẩn tại trường được đảm bảo, dù vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất” - thầy Truân nói.
Trong diện mạo mới của bản Ón hôm nay, có bóng dáng của những thầy, cô giáo lặng lẽ “ươm” những mầm xanh trên núi, mang ánh sáng tri thức đến với các trò nghèo.
Bài và ảnh: Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2025-01-08 15:30:00
Bộ GD-ĐT chính thức xóa bỏ hình thức thi tuyển vào lớp 6 từ năm 2025?
-
2025-01-08 14:41:00
Những làng nghề nướng cá Nghệ An sôi động dịp Tết
-
2025-01-07 09:17:00
Thu nhập bình quân của lao động và mức sống dân cư năm 2024 tăng hơn 8%
Chương trình “Bánh chưng xanh - Tết vì người nghèo” năm 2025
Dự báo thời tiết 7/1: Thanh Hóa sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày nắng hanh
Con đường mới ở Sài Khao
“Thủ phủ” quất cảnh xứ Thanh rực rỡ sắc vàng phục vụ Tết Ất Tỵ
Cảnh giác dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội dịp Tết
Trà và cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư vùng đầu và cổ
Khuyến cáo về lừa đảo lao động dịp cuối năm
Chủ vườn đào phấn khởi khi thương lái về chốt đơn
Ðưa hàng tết lên vùng cao