(vhds.baothanhhoa.vn) - Mùa hè ở Thanh Hóa, bên cạnh những bãi biển đẹp còn có những điểm du lịch xanh, với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, thích hợp để giải tỏa nắng nóng.

Hấp dẫn những điểm đến xanh tại Thanh Hóa

Mùa hè ở Thanh Hóa, bên cạnh những bãi biển đẹp còn có những điểm du lịch xanh, với nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, thích hợp để giải tỏa nắng nóng.

Hấp dẫn những điểm đến xanh tại Thanh HóaKhu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, điểm du lịch xanh yêu thích của nhiều du khách.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ từ 27/4 - 1/5 vừa qua, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về số lượt khách du lịch với 1,52 triệu lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh những bãi biển nổi tiếng – nơi ghi nhận số lượng lớn khách du lịch như Sầm Sơn, Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa)... thì những điểm đến xanh tại các khu sinh thái, điểm du lịch cộng đồng cũng không hề thua kém. Cụ thể, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) đón 62,5 nghìn lượt khách, Khu du lịch cộng đồng Bản Mạ (Thường Xuân) 3,7 nghìn lượt khách, Vườn Quốc gia Bến En (Như Thanh) 3,4 nghìn lượt khách... Trong số 1,52 triệu lượt khách đến Thanh Hóa, có khoảng hơn 900 nghìn lượt khách lưu trú, tập trung tại các khu du lịch biển, TP Thanh Hóa và Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước).

Một trong những lý do quan trọng để những điểm đến xanh ở Thanh Hóa luôn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách, nhất là khách quốc tế là bởi Thanh Hóa sở hữu nhiều điểm đến xanh đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên, an toàn, đa dạng loại hình du lịch và hình thức trải nghiệm với mức giá phù hợp. Trong đó, luôn có sản phẩm du lịch mới, đưa vào khai thác, vận hành trong những năm gần đây như tour du lịch Nghi Sơn - đảo Mê, các trò chơi cảm giác mạnh (thị xã Nghi Sơn); đi thuyền trên sông Chu tại bản Mạ, tour du lịch Hải Tiến - đảo Nẹ, dù lượn (Hoằng Hóa)... được đông đảo du khách yêu thích.

Khác với các xã vùng cao khác, Pù luông có 2 mùa lúa. Mùa xuân từ khoảng tháng 2 - 3, mùa hè từ khoảng tháng 6 - 7 là mùa nước đổ và đến khoảng tháng 5 - 6, 9 - 10 thì lúa chín. Mùa nước đổ và mùa lúa chín dường như đã trở thành vẻ đẹp “thương hiệu” của Pù Luông. Tới đây, du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang bao la, bát ngát với những rãnh nước đổ lóng lánh hay mùa vàng ươm của những ruộng lúa chín. Pù Luông những ngày xuân, du khách được hòa mình vào mùa của lễ hội, tình yêu với tiếng khặp nồng nàn của trai gái vang lên khắp nơi. Trên các con đường, bên những mái nhà các loài hoa đua nhau bung nở, khoe sắc, vẽ nên bức tranh xuân đậm màu sắc. Còn mùa hè, trốn nắng không đâu mát bằng Pù Luông không chỉ bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm mà du khách được đắm mình vào dòng nước mát trong của thác Hiêu, thác Muốn, hồ Duồng Cốc... Mùa thu, tháng 8 là mùa săn mây, chinh phục và khám phá vẻ đẹp của những ngọn núi cao... Mùa nào Pù Luông cũng đẹp và luôn đầy ắp các hoạt động trải nghiệm, khám phá. Bởi vậy, vào những dịp nghỉ lễ dài ngày các homestay, khách sạn ở Pù Luông luôn kín lịch từ trước.

Theo quan sát thì các chủ homestay tại Pù Luông luôn năng động, sáng tạo, linh hoạt trong việc phát triển nhiều loại hình du lịch mới phù hợp như nghỉ dưỡng kết hợp chữa lành, nghỉ dưỡng kết hợp khám phá mạo hiểm, nghỉ dưỡng kết hợp khám phá văn hóa dân tộc... Bên cạnh đó là hệ thống cơ sở vật chất thường xuyên được bảo dưỡng, nâng cấp. Liên kết với tour, chuyến trong và ngoài tỉnh nhằm gia tăng trải nghiệm. Tất cả những điều đó đã đáp ứng được nhu cầu của du khách, nhất là khách quốc tế.

Hấp dẫn những điểm đến xanh tại Thanh HóaNhiều khách du lịch nước ngoài chọn Pù Luông làm nơi nghỉ dưỡng.

Một điểm đến xanh trong danh sách yêu thích của du khách là thác Mây (xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành). Những năm gần đây, thác Mây là điểm du lịch yêu thích của du khách nội tỉnh, nhất là vào những tháng hè nóng nực. Hiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại đây đang dần được hoàn thiện, số hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, xây dựng homestay, cung cấp dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ... cũng ngày một nhiều. Xung quanh khu vực thác Mây, đồng bào dân tộc Mường sinh sống đã nhiều đời. Chính vì thế, bà con nơi đây còn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn truyền thống, có một số ngôi nhà tuổi đời lên đến hơn 200 năm. Bên cạnh đó, những nét văn hóa bản địa như: đánh cồng chiêng, hát giao duyên, hát sắc bùa, đánh mảng, đánh đu, tung còn... vẫn thường xuyên phục vụ nhu cầu thưởng thức của khách du lịch.

Đến thác Mây, du khách không những đắm mình trong dòng nước thác mát lành, mà còn được thưởng thức các món ngon truyền thống đặc sắc như: xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, cá thính sông Ngang, thịt lợn Mường, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng..., mua những đồ kỷ niệm mang đặc trưng của dân tộc Mường như: khăn, túi bằng thổ cẩm, ớt chua, đũa bương, ốc đá...

Ngoài ra, còn nhiều điểm đến xanh nổi tiếng khác ở Thanh Hóa như bản Mạ, Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, thác Ma Hao... Tại những nơi đây đều đã có thêm nhiều dịch vụ du lịch mới như bản Mạ có đi thuyền trên sông Chu. Đi thuyền trên sông Chu, du khách được ngắm nhìn cảnh đẹp hai bên dòng sông, tham gia hoạt động câu cá nếu có nhu cầu. Sau khoảng thời gian đi thuyền, du khách thưởng thức ẩm thực đặc trưng của người dân tộc Thái ngay trên thuyền hoặc vào các homestay. Chị Lê Thị Thủy, chủ phương tiện, cho biết: “Hoạt động này giúp cho du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến với bản Mạ, đồng thời giúp du khách có thêm thời gian nghỉ dưỡng, thư giãn bên gia đình và người thân".

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]