(vhds.baothanhhoa.vn) - Để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, hàng loạt công trình nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh ta đã được khởi công, xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình hiện nay đang phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều công trình được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng nhưng rồi bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách nhà nước và bức xúc trong nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hệ lụy từ những công trình nước sạch bỏ hoang

Để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, hàng loạt công trình nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh ta đã được khởi công, xây dựng. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình hiện nay đang phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều công trình được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng nhưng rồi bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách nhà nước và bức xúc trong nhân dân.

Nhiều công trình nằm “đắp chiếu”

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Thủy lợi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 456 công trình nước hợp vệ sinh được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMTNT, chương trình 134, chương trình 135, và một số ít công trình do các tổ chức nước ngoài tài trợ. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có 358 công trình đang hoạt động hiệu quả, 98 công trình hoạt động không hiệu quả chiếm 21%. Điều đáng nói là hiện nay không chỉ có các công trình bỏ hoang sau nhiều năm sử dụng không hiệu quả mà còn nhiều công trình đang có nguy cơ “chết yểu” vì thiếu vốn đầu tư, khối lượng thực hiện thấp, chủ đầu tư chưa huy động được vốn đối ứng để thực hiện.

Mặc dù đã nhiều lần phản ánh, song cho đến nay công trình nước sạch ở xãThành Kim (Thạch Thành), vẫn trong tình trạng đắp chiếu nằm chờ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2010, với mục tiêu đem nguồn nước sạch đến cho người dân xã Thành Kim, Nhà nước đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng công trình nước sạch Nano. Công trình thuộc dự án “Thử nghiệm ứng dụng công nghệ Nano trong lọc nước, cấp nước sinh hoạt tại một số vùng ngập lũ thuộc tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa” do Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường (thuộc Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau một thời gian khởi công dù chưa kịp bàn giao cho người dân thì bể chứa nước, chân móng tường đã bị lún nứt, công suất máy bơm, giếng khoan không đủ cung cấp nước. “Vừa được đưa vào chạy thử nghiệm thì qua một đêm bể chứa nước bị tụt xuống còn 1/3, bờ móng lún nứt nên khi bàn giao chúng tôi không nhận. Cũng từ đó đến nay đã rất nhiều lần chúng tôi gửi đơn lên ủy ban nhân dân xã để có hướng giải quyết nhưng vẫn chưa có phản hồi. Do chờ đợi quá lâu nên người dân đã phải tự thuê thợ về khoan nước cũng như mua máy lọc nước về dùng. Trong khi đó, đường ống đã để quá lâu, không đảm bảo chất lượng và lượng nước của trạm bơm cũng không thể cung cấp đủ nước cho người dân dùng.

Được biết UBND xã Thành Kim cũng đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Viện Nước tưới tiêu và môi trường (chủ đầu tư) giải quyết các vấn đề có liên quan đến trạm nước sạch Nano. Tuy nhiên, chủ đầu tư cũngchỉ cử người vào thay van, khóa còn bể nước thì không sửa chữa. Đường ống dẫn nước từ năm 2010 đến nay do làm đường bê tông nhiều đoạn đã bị lấp. Bể chứa nước, công suất máy bơm, giếng khoan không đủ cung cấp cho 180 hộ dân của 2 thôn. UBND xã Thành Kim cũng đề nghị Viện nước tưới tiêu và môi trường sớm có biện pháp bảo hành công trình theo quy định, khắc phục sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng, bàn giao tài sản cho địa phương quản lý.

Công trình nước sạch ở xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy), đã dừng thi công từ nhiều tháng nay.

Còn ngược lại với dự án nước sạch Nano ở xã Thành Kim thì công trình nước sạch ở xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy) đang trong tình trạng “treo” mà chưa biết khi nào mới hoàn thành? Theo tìm hiểu chúng tôi được biết: do vụ việc chôn lấp thuốc trừ sâu từ những năm trước đó của Công ty CP Nicotex Thanh Thái, khiến vùng nước ngầm của 3 xã: Cẩm Vân, Cẩm Tân (Cẩm Thủy) và Yên Lâm (Yên Định) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước ảnh hưởng của gần 20.000 người dân ở các xã nói trên, tỉnh đã đồng ý chủ trương cho Ban Quản lý Dự án nông lâm, thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, triển khai dự án với tổng vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2018. Nhưng từ đó đến nay, dự án mới chỉ xây dựng được khoảng 60% và hiện nay chủ đầu tư cũng đã dừng thi công.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy cho biết: Hiện nay tất cả các hạng mục xây dựng đều dở dang, khi nhà thầu cam kết, người dân trong xã đã đồng thuận cho nhà thầu đào đường bê tông do nhân dân đóng góp xây dựng để lắp đặt đường ống. Nhưng sau khi hệ thống đường ống đã lắp đặt xong từ nhiều tháng nay, nhà thầu vẫn chưa thực hiện cam kết hoàn trả lại nguyên trạng đường giao thông cho người dân. UBND xã cũng đã rất nhiều lần gửi công văn lên huyện và gọi cho chủ đầu tư thế nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”.

Để công trình không “đắp chiếu”

Qua thực tế tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân xảy ra tình trạng bị bỏ hoang của các công trình nước sạch là do trong quá trình xây dựng, các địa phương, đơn vị đầu tư chưa chú trọng công tác khảo sát, lấy ý kiến, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nếu có chăng cũng chỉ là hình thức. Trong khi nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh còn hạn chế, thì công tác tuyên truyền, vận động chưa thiết thực và hiệu quả. Thêm vào đó, chính việc đầu tư thiếu đồng bộ, dang dở, thiếu cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân lắp đặt ống dẫn nước cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các công trình nước sạch không phát huy hiệu quả, dẫn đến lãng phí một cách đáng tiếc. Cùng với đó, chính quyền các địa phương, các đơn vị liên quan dường như chỉ chú trọng vào việc đầu tư xây dựng công trình nhưng lại không quan tâm đến việc sử dụng, vận hành và quản lý công trình một cách hiệu quả.

Theo ý kiến của lãnh đạo chuyên môn ở các địa phương thì: các công trình trên địa bàn tỉnh vẫn có khả năng hoạt động, dù nhiều hạng mục xuống cấp. Tuy nhiên, phải khẳng định đây là những dự án lãng phí vì bị bỏ hoang không ai quản lý, bảo dưỡng nhiều năm nay, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước và bức xúc trong nhân dân. Hầu hết các địa phương có công trình bỏ hoang hoặc chậm tiến độ đều đã nhiều lần có kiến nghị phương án xử lý, giải quyết, song mọi việc dường như vẫn... dậm chân, còn công trình thì ngày càng xuống cấp mà địa phương lại không biết xử lý như thế nào?

Theo ông Trịnh Bá Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh: Với 21% công trình hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động đồng nghĩa với việc chúng ta đang để lãng phí hàng trăm tỷ đồng. Cá nhân tôi cho rằng, khi đầu tư xây dựng công trình cấp nước cần phải đồng bộ, theo hướng bền vững lâu dài. Mặt khác, công tác giám sát, kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình trong quá trình xây dựng đòi hỏi nghiêm túc và chặt chẽ. Đơn vị quản lý phải thường xuyên phối hợp với cơ quan chuyên môn xét nghiệm, kiểm tra và giám sát về chất lượng nước để người dân yên tâm sử dụng. Rà soát để lập kế hoạch phục hồi, sửa chữa nâng cao hiệu quả vốn đầu tư các công trình cấp nước đã xuống cấp. Tính toán kỹ lưỡng về cơ chế, chính sách và mô hình quản lý đối với các công trình cấp nước tập trung.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]