Hiệu quả giờ học từ bài giảng điện tử
Không chỉ phấn trắng, bảng đen, sự có mặt của ti vi, máy chiếu,... đã giúp bài học trở nên sinh động, trực quan hơn. Bài giảng điện tử với công cụ hỗ trợ đa phương tiện đã mang lại hiệu quả tốt hơn cho dạy và học.
Giờ học Ngữ văn của cô và trò Trường THCS Định Hưng (Yên Định).
Giờ tiếng Việt ở lớp 1B, Trường Tiểu học Hoằng Xuyên 2 (Hoằng Hóa), cả cô và trò cùng hào hứng với bài thơ “Trong giấc mơ buổi sáng”. Bài thơ đưa mọi người đến một thế giới tràn ngập những màu sắc tươi vui, hạnh phúc của cuộc sống. Nhờ chiếc ti vi thông minh, bài thơ trở nên đáng yêu hơn đối với các bạn nhỏ bởi những hình ảnh minh họa.
“Trong giấc mơ buổi sáng” là hình ảnh của một bạn gái đang ngủ và có một giấc mơ đẹp. Trong giấc mơ, bạn gái này được gặp mặt trời, được qua thảo nguyên xanh và bất ngờ là gặp được cả chú gà trống gọi dậy học bài... Những nhân vật trong giấc mơ được tái hiện bằng những hình ảnh minh họa đa màu sắc, rực rỡ, sống động. Cô giáo Nguyễn Thị Hưng, chủ nhiệm lớp 1B, Trường Tiểu học Hoằng Xuyên 2 cho biết: “Khi thiết kế bài giảng điện tử, chúng tôi bám sát mục tiêu bài dạy, nội dung chương trình. Sau đó lấy hình ảnh ở sách giáo khoa điện tử đưa vào bài giảng. Bên cạnh đó còn sử dụng hình ảnh ngoài phù hợp với nội dung của bài dạy. Bài giảng điện tử cần thiết phải sử dụng hiệu ứng làm sao cho sinh động, linh hoạt, hấp dẫn, tạo hứng thú về màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Nếu không có những hiệu ứng này thì không khí lớp học cứ trầm trầm, học sinh rất dễ buồn ngủ”.
Bài giảng điện tử, một hình thức tổ chức dạy học mà ở đó, các hoạt động dạy học theo kế hoạch được truyền tải và thực hiện trên máy vi tính do giáo viên điều khiển. Bài giảng điện tử thường là tập hợp của nhiều slide (trang trình chiếu) với cấu trúc từ bắt đầu đến kết thúc buổi học. Các sản phẩm bài giảng điện tử được xây dựng, thiết kế và sử dụng phổ biến, rộng rãi nhất hiện nay gồm: Bài giảng E-Learning (sản phẩm được tạo ra từ các phần mềm thiết kế bài giảng E-Learning), video bài giảng (bài giảng được giáo viên thiết kế và ghi hình dưới dạng video).
Xây dựng bài giảng điện tử chất lượng tốt, tạo hứng thú cho học sinh còn liên quan đến nhiều yếu tố. Bởi thiết kế bài giảng điện tử đó không chỉ là một nhu cầu mà còn là kỹ năng cần thiết để truyền đạt thông tin hiệu quả, quan trọng vẫn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự sáng tạo. Theo chia sẻ của cô giáo Trịnh Thị Nga, giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Trường THCS Định Hưng (Yên Định) thì để tạo hứng thú cho học sinh đầu tiết học hoặc thay đổi không khí sinh động khi kiểm tra bài cũ, cô thường dùng hình thức trò chơi ô chữ để khởi động tạo tâm thế hoặc củng cố lại sau bài học, giúp học sinh có ấn tượng tốt và khắc sâu kiến thức. “Trong các tiết dạy, cụ thể với phân môn Văn học, tôi thường lồng ghép những video ngắn giới thiệu tác giả, tác phẩm về bài học hoặc có thể kết hợp những trò chơi văn học để tạo hứng thú cho các em. Với phân môn tiếng Việt, đưa hệ thống ngữ liệu lên giúp học sinh quan sát dễ dàng hơn. Cuối mỗi bài học, giáo viên hệ thống kiến thức cho học sinh bằng sơ đồ tư duy để các em nắm kiến thức nhanh hơn”, cô giáo Trịnh Thị Nga cho biết.
Bên cạnh bảng đen, phấn trắng, giờ học sinh động, hiệu quả hơn nhờ bài giảng điện tử với công cụ hỗ trợ là ti vi, máy chiếu...
Tuy nhiên, cũng cần thiết xem xét đến cách làm để tránh trường hợp giáo viên phụ thuộc quá nhiều vào bài giảng điện tử. Sự lạm dụng này sẽ tạo hiệu ứng ngược, đơn cử như bài giảng phải phù hợp nội dung bài học hoặc giáo viên không tư duy, không chịu đổi mới phương pháp, chỉ đơn giản thay bảng đen, phấn trắng bằng màn hình chiếu, điều này vô tình quay về lối truyền thụ một chiều... Sử dụng bài giảng điện tử mà ở đó giáo viên đóng vai trò quan trọng, đảm nhận nhiều vai trò, vừa thành thạo sử dụng công nghệ vừa thu thập, xử lý, chọn lọc thông tin để đích cuối cùng là tạo hiệu quả giờ dạy chất lượng, hứng khởi, dễ thuộc, dễ nhớ đối với học sinh. Theo chia sẻ của cô giáo Trịnh Thị Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Lang Chánh (Lang Chánh): “Nhà trường đã quán triệt trong từng tổ chuyên môn khi sử dụng bài giảng điện tử. Do đó, giáo viên phải tìm giải pháp để sử dụng có hiệu quả nhất từ khâu soạn giảng. Hiện trên mạng internet rất nhiều nguồn thông tin. Giáo viên khi tải về đó chỉ là tài liệu tham khảo. Nhiệm vụ của giáo viên phải biên soạn cho phù hợp với đối tượng học sinh, phải có sự chắt lọc các video, hình ảnh, sử dụng cỡ chữ, màu chữ phù hợp...”.
Thực tế cho thấy, so với phương pháp truyền thống, hiệu quả giờ dạy chất lượng hơn khi thực hiện bài giảng điện tử, bảo đảm nội dung cốt lõi của bài học, bảo đảm tính sư phạm... Đây được xem là một hoạt động thiết thực góp phần xây dựng kho học liệu số ngành giáo dục. Qua bài giảng điện tử đồng thời nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học. Đối với ngành giáo dục tỉnh Thanh đã và đang có những biến chuyển mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Hiện đã có 100% cơ sở giáo dục có mạng wifi cung cấp miễn phí cho cán bộ, giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, việc tổ chức giảng dạy trong môi trường số, đơn cử như thực hiện bài giảng điện tử, không phải địa phương nào cũng thuận lợi. Muốn thực hiện được bài giảng điện tử cần phải có các trang thiết bị dạy học như ti vi, máy chiếu... Vấn đề này không phải trường học nào ở miền núi cũng đáp ứng được.
Bài và ảnh: Vi An
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-04-15 17:08:00
Nghị lực vượt khó của cậu học trò nghèo
Nâng cao chất lượng dạy và học bậc THCS ở huyện Nga Sơn
Nhân viên trường học nóng lòng chờ hưởng phụ cấp ưu đãi 25%
Thực sự cần thiết giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo?
Lớp học 3 trình độ trên non cao
Xét công nhận tốt nghiệp THCS nhìn từ Thông tư 31
Thi thử - lo thật
“Tăng tốc” để nâng cao chất lượng giáo dục
Đảm bảo sức khỏe, bữa ăn dinh dưỡng cho học sinh
[Video] Thư viện xanh nơi vùng cao biên giới