(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi con lợn, con gà rủ nhau vào rừng kiếm ăn, cũng là lúc Dợ đeo lù cở lên rẫy, cõng cả giấc ngủ còn ngái của các con trên lưng.

Hóa giải lời “thở than”

Khi con lợn, con gà rủ nhau vào rừng kiếm ăn, cũng là lúc Dợ đeo lù cở lên rẫy, cõng cả giấc ngủ còn ngái của các con trên lưng.

Hóa giải lời “thở than”Một buổi truyền thông do Hội LHPN huyện Mường Lát tổ chức nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc Mông.

Chuyện về người đàn bà trên núi

Tang tảng sáng, Giàng Thị Dợ ở bản Pa Đén, xã Pù Nhi (Mường Lát) thức dậy, xuống bếp đặt nồi cơm, nồi cám. Dợ lấy chiếc can nhựa đặt vào gùi xuống suối gùi nước về đổ đầy cái lu ngoài hiên nhà. Trở lại bếp lửa, Dợ cơi nồi cơm cho chín để lát nữa các con dậy ăn. Cứ thế, Dợ lụi cụi một mình trong yên lặng, bởi bố chồng già yếu và 3 đứa con nhỏ còn say giấc.

Nhà Dợ ở chót vót trên đỉnh núi. Từ ngày vắng chồng, Dợ cũng chẳng mấy khi rời khỏi nhà. Cuộc sống của Dợ cứ thế lặng lẽ trôi qua với những mùa ngô, những mùa lúa. Có lẽ vì thế mà mới gần 30 tuổi nhưng nhìn Dợ già hơn hàng chục tuổi.

Dợ cũng như bao người đàn bà ở xứ này lớn lên từ bếp lửa, từ hơi rượu men lá cay nồng mẹ nấu cho cha... Rồi những mùa đông đi qua, Dợ trở thành thiếu nữ. Ngày ấy, Dợ đẹp như bông hoa rừng. Trai bản trên, bản dưới rập rình theo Dợ lên nương, ra chợ hay thập thò ngoài cửa mặc mưa nắng của trời. Mùa cải vàng qua đi, mùa hoa ban lại đến, Dợ chưa kịp đáp lời yêu thì bố Dợ đã nhận cả cặp trâu nghé nhà anh họ với lời biện hộ “Khi còn xuân sắc thì tranh thủ mà lấy chồng, cái tuổi nó qua đi, đến con nghé tao cũng không có chứ đừng nói gì con trâu”.

Dợ dù không được học cao nhưng những năm tháng ngắn ngủi ngồi trên ghế nhà trường, Dợ được tiếp thu những lời hay lẽ phải, được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua sách vở, qua những câu chuyện và bài giảng của thầy cô... Dợ biết, thế giới ngoài kia những người đàn bà họ được sống cho mình, không có những người phụ nữ phải hầu rượu cho chồng mỗi đêm, cũng không có những người vợ phải phục dịch cho chồng như người ở. Dợ trách bố, trách mẹ, trách phận mình quá bạc bẽo. Dợ tự hỏi, một cặp trâu nghé có đáng để đổi lấy thanh xuân, sức khỏe và hạnh phúc của con gái. Cây ngô mọc trên vùng đất khô cằn còn trổ được bông sao đời con lại phải theo chồng khi mình không muốn lấy.

Hủ tục đã khiến người đàn bà trên non cao rời vòng tay bố mẹ từ mùa đông năm ấy để bước vào cuộc sống vợ chồng đầy bỡ ngỡ. Ngày mới lấy chồng có lần Dợ được chồng thổi khèn cho nghe. Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi mang thai lần thứ 3, chồng Dợ đã bị “cơn bão ma túy” đưa vào vòng lao lý. Cuộc sống của Dợ từ đó chỉ quanh quẩn với núi rừng...

Những người hóa giải “lời nguyền”

Cũng là một người phụ nữ dân tộc Mông, chị Sung Thị Xia, Phó Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn (Mường Lát) rất hiểu và đồng cảm với câu chuyện của chị Dợ. Theo chị Xia, đời sống của phụ nữ dân tộc Mông ở nhiều địa phương trong huyện còn rất khó khăn. Nhiều người trong số họ chưa từng được đi học, hoặc vừa biết mặt chữ đã vội bỏ học, theo bố mẹ đi làm nương, rồi lấy chồng, sinh con, quay quắt với cái nghèo, cái đói.

Chị Xia tự nhận mình là một người may mắn khi được sinh ra trong một gia đình tiến bộ, được bố mẹ cho đi học cái chữ. Chị bảo, ký ức về những bé gái phải trở thành đàn bà khi xương hông chưa kịp nở, khi cặp sách trên lưng thay bằng muôn nỗi lo toan luôn ám ảnh chị. Vậy là, trong các hoạt động tại xã, chị lặn lội “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để thuyết phục, vận động người dân nhằm nâng cao kiến thức về chăm sóc, giáo dục con cái; phòng, chống kết hôn sớm; phòng, chống xâm hại tình dục... Những câu chuyện người thật, việc thật do một người phụ nữ Mông chia sẻ dường như đánh thức sự tiến bộ của dân bản. Hiện tại, trên địa bàn 2 xã Pù Nhi, Nhi Sơn nói riêng và toàn huyện nói chung không phát sinh hôn nhân cận huyết thống. Tình trạng bạo lực, xâm hại dần được đẩy lùi; gương điển hình về phụ nữ đi học, làm kinh tế, nuôi dạy con cái tiến bộ xuất hiện ngày càng nhiều.

Đào sâu vào cốt lõi vấn đề, chị Xia hiểu để không còn câu chuyện “kết hôn sớm để gán nợ”... thì chị em phải có việc làm, thu nhập. Chị Xia tích cực vận động chị em tham gia vào các câu lạc bộ như: “Phụ nữ giảm nghèo”, “Tổ/nhóm phụ nữ tiết kiệm”...; tích cực tín chấp với các tổ chức tín dụng để tạo nguồn vốn vay cho chị em.

Tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án, chị cùng với hội LHPN xã kịp thời đỡ đầu phụ nữ nghèo, trao “mái ấm tình thương”, tiếp cận các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua mô hình sinh kế, làm chỗ dựa cho phụ nữ vươn lên thoát nghèo.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Lát Hà Thị Nhơn nói về những việc chị Sung Thị Xia đã làm để thay đổi nhận thức cho phụ nữ dân tộc Mông như sau: Là người con của dân tộc Mông, hơn ai hết, chị Xia thấu hiểu những vấn đề mà người dân mình còn đang thiếu và cần phải thay đổi để phát triển. Việc “đi trước, làm đầu” của những cán bộ nữ như chị Xia đã tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức của người dân về phát triển kinh tế, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, thực hiện bình đẳng giới...

Tuy nhiên, chị Nhơn cũng thẳng thắn thừa nhận: “Việc thay đổi nhận thức, tư duy của cả một thế hệ là điều không đơn giản, chưa kể có những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Điều này đòi hỏi một quá trình mưa dầm thấm sâu, bằng nhiều hình thức, cách thức tác động”.

Trở về trên Quốc lộ 15C đoạn qua 3 xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người đàn ông dân tộc Mông xuống chợ không phải để “tìm vợ” mà thay vợ mang nông sản ra bày bán. Ngày càng nhiều những thiếu nữ người dân tộc Mông thay vì theo mẹ lên nương hay ở nhà trông con nhỏ, thì nay đã được đến trường để theo đuổi ước mơ của mình.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]