(vhds.baothanhhoa.vn) - Giới thiệu với tôi 81 bức tranh anh chuẩn bị mang ra Hà Nội để làm triển lãm cá nhân đầu tiên, Hoàng Ngọc Dũng hồ hởi vui vẻ như kiểu trút được “gánh nặng” lao động hơn 2 năm vừa qua.

Hoàng Ngọc Dũng với cuộc chơi lặng lẽ

Giới thiệu với tôi 81 bức tranh anh chuẩn bị mang ra Hà Nội để làm triển lãm cá nhân đầu tiên, Hoàng Ngọc Dũng hồ hởi vui vẻ như kiểu trút được “gánh nặng” lao động hơn 2 năm vừa qua.

Hoàng Ngọc Dũng với cuộc chơi lặng lẽHọa sĩ Hoàng Ngọc Dũng.

Quyết định dừng hết mọi công việc cá nhân, gia đình, hay các đơn đặt hàng vẽ tranh tường kiếm sống, Dũng muốn tìm cho mình con đường dài. Và rất vô tình, bức tranh đầu tiên “khai mực” trong Tết Tân Sửu anh đã vẽ con tướng trong bộ cờ vua. “Như có một ánh sáng lóe lên. Lại thêm vốn là người thích sự cạnh tranh, đối kháng, hình ảnh những quân cờ gắn liền với sự cân não, tính toán và đối mặt. Một quân cờ có thể phải chiến đấu với nhiều quân cờ khác, phải đi nhiều nước cờ mới đạt được mục tiêu của mình. Cũng như cuộc đời vậy, mỗi cá thể trong đời sống này đều phải hiểu vị trí của mình, tìm ra được hướng đi đúng để đạt được mục tiêu, dù có thể không chiến thắng".

Nghe Dũng nói về cờ tôi nhận thấy sự háo hức, muốn khám phá ở anh. Khi tôi hỏi trong các quân cờ, anh thích con nào nhất. Không ngần ngại anh nói ngay: Tôi thích con tốt vì nó giống như cây cỏ, có sức sống mãnh liệt, bền bỉ, chỗ nào cũng sống được; con tốt có vị trí rất linh hoạt, nó là con cờ xung phong đầu tiên trong một trận đối kháng và từ con tốt cũng có thể phong lên thành hậu. Thêm nữa, cũng là hình tượng cờ, nhưng so với cờ tướng thì cờ vua có “ngôn ngữ” quốc tế hơn.

Ngắm nhìn 25 bức tranh khổ to 1,5m x 3m, cảm nhận của tôi là Dũng đã bỏ qua mọi khuôn khổ của bố cục để đến với tạo hình tự do. Đặc biệt, xem tranh Dũng tôi thấy ngoài sự đối kháng của tính chất một bàn cờ còn có sự mềm mại trong cách xử lý nghệ thuật. Hình tượng những bàn tay chính là con người, là sự lao động... Người xem tranh không nhìn thấy bên trong cuộc cờ ấy là tính cách của từng nhân vật. Ngoài việc tạo thế trận cần sự tính toán của trí não, thì bàn tay con người đảm nhận vai trò thực hiện những toan tính, những nước đi và cả những yêu thương.

Hoàng Ngọc Dũng với cuộc chơi lặng lẽMột tác phẩm trong loạt tranh chuẩn bị triển lãm tại Hà Nội của Hoàng Ngọc Dũng.

Sinh năm 1979 ở TP Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp THPT Hàm Rồng, Hoàng Ngọc Dũng thi vào Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, khoa Sư phạm Mỹ thuật rồi sau đó về Thanh Hóa dạy mỹ thuật ở Trường Tiểu học Hoằng Quang (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) đến nay.

Chia sẻ với chúng tôi, Dũng nói: Ngoài công việc dạy trẻ tiểu học, tôi còn sáng tác tranh tự do, vẽ tranh tường. Nói chung có thể sống được với nghề. Nhưng rồi nhiều lúc tôi tự nghĩ, như thế là mình đang ăn mòn nghề. Chính điều đó thôi thúc tôi đi tìm đường dài hơi.

Sẽ có nhiều người không thích màu sắc trong tranh Dũng, bởi nhiều màu tối, ẩn chứa sự u tịch. Nói điều đó, họa sĩ Hoàng Ngọc Dũng cho biết: “Mỗi người sẽ có một đòi hỏi, một cảm nhận khác nhau khi xem tranh. Riêng tôi, có thể do tính cách, do lối sống mà tôi không thích sự nở rộ, rộn ràng. Tôi yêu sự nằm kín, sự đằm sâu”. Tôi thích các bức tranh chỉ có những bàn tay, vừa đan níu, vừa ràng buộc nhưng mỗi bàn tay lại có những chuyển động, những số phận khác nhau. Cô đọng và mở ra nhiều sự suy cảm riêng, Hoàng Ngọc Dũng đưa ra góc nhìn mới đối với sự vật cũ, nhưng vẫn đằm, vẫn sâu.

Hoàng Ngọc Dũng với cuộc chơi lặng lẽMột tác phẩm trong loạt tranh chuẩn bị triển lãm tại Hà Nội của Hoàng Ngọc Dũng.

Ngoài 25 bức khổ to, trong triển lãm còn giới thiệu với người xem 56 bức nhỏ, sắp đặt như những ô cờ, trong đó có 32 bức tranh chân dung, số còn lại có khi chỉ là những mảng màu. “Tôi muốn chính những khoảng trắng, đen ấy là nhịp điệu để người xem có thể tự suy ngẫm, tương tác với triển lãm. Bởi họ chấp nhận đứng trong không gian triển lãm đồng nghĩa với việc coi mình là một quân cờ”. Tiết lộ thêm về triển lãm, anh cho biết thêm: “Ngoài tranh, tôi còn có 2 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Bạn cứ xem những bức chân dung nhỏ tôi vẽ đi, nó gắn nhiều cảm xúc với tôi, bởi đó là những nhân vật tôi yêu thích”. Quả thực vậy, tôi đã ngạc nhiên khi anh vẽ về những người nổi tiếng thế giới, trong đó có vài ba bức chân dung vẽ Nữ hoàng Anh Elizabeth II vừa đời thực, vừa gần gũi.

Hơn 10 năm làm nghề, đây là khoảng thời gian anh dành cho nghệ thuật nhiều hơn cả. 81 bức tranh không có một cái tên cụ thể mà được đánh số lần lượt từ 1 đến 81. Tôi hỏi vui: Tại sao lai phải triển lãm ở Hà Nội?. Anh cười: Tôi muốn triển lãm đầu tiên của mình có nhiều người xem. Tôi hiểu, đó có thể chỉ là lý do nhỏ nhưng lại là lý do chính, bởi không gian triển lãm lớn sẽ không chỉ đưa anh ra “đường lớn” mà còn là cơ hội để anh nhận được thêm những chia sẻ, những góp ý về nghề.

Hoàng Ngọc Dũng là người trầm lặng, có lẽ qua những trải nghiệm của một viên chức tuổi trung niên, anh muốn vẽ nên những suy tư trong con người mình, những suy ngẫm, dằn vặt và đôi khi cả sự bàng quang với những gì xung quanh... Dũng có cái tố chất của một nghệ sĩ sáng tạo là sự dũng cảm. Sự dũng cảm đi vào một đề tài gai góc - bàn cờ.

Hoàng Ngọc Dũng với cuộc chơi lặng lẽMột tác phẩm trong loạt tranh chuẩn bị triển lãm tại Hà Nội của Hoàng Ngọc Dũng.

Mỗi một họa sĩ lại chọn cách thể hiện mình khác nhau. Xem tranh của Dũng có lúc tôi đắn đo giữa hai ý nghĩ: Đây là hành trình khẳng định bản thân hay thông qua tác phẩm để đi tìm chính bản thân mình ở đó. 81 bức tranh đã thể hiện được mong muốn, khát vọng, những vẫy vùng và thách thức giới hạn của bản thân. Tuy nhiên, để lay động được tình cảm, thẩm mỹ của người xem lại là một câu chuyện dài hơn nữa.

Thông điệp đời là cuộc chơi và mỗi người là một quân cờ trong bàn cờ cuộc đời, tưởng dễ mà khó. Hoàng Ngọc Dũng có tư duy rành mạch, có xúc cảm trong mỗi nét vẽ, nhưng dường như anh đang thiếu sự biểu hiện quyết liệt, thiếu những chi tiết nhỏ để gieo vào lòng người xem những dư ba vọng vang. Song, đó chỉ là cảm nhận của riêng tôi.

Còn thực tế, dù hình thức tạo hình của tranh Hoàng Ngọc Dũng đã đạt đến cuối cùng hay chưa thì qua số lượng lớn của tranh về một mảng đề tài như vậy đối với sự lao động miệt mài của mình, anh đã thành công rồi. Tác phẩm của anh có được ca tụng hay không, có lâu bền với thời gian hay không, điều này phụ thuộc vào sức sống của chính những tác phẩm đó.

Bài và ảnh: Hà Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]