(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày sau cơn bão số 3, số 4, người dân các xã Thành Vinh, Thạch Cẩm, Thành Trực... huyện Thạch Thành tiếp tục ra đồng chăm sóc cây mía sắp đến thời kỳ thu hoạch. Mía sau bão vẫn còn lấm bùn đất đang được bà con bóc lá, dọn dẹp; còn diện tích mía bị hư hỏng sẽ được chặt bỏ, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị trồng cho vụ mới.

“Hồi sinh” cho cây mía nguyên liệu

Những ngày sau cơn bão số 3, số 4, người dân các xã Thành Vinh, Thạch Cẩm, Thành Trực... huyện Thạch Thành tiếp tục ra đồng chăm sóc cây mía sắp đến thời kỳ thu hoạch. Mía sau bão vẫn còn lấm bùn đất đang được bà con bóc lá, dọn dẹp; còn diện tích mía bị hư hỏng sẽ được chặt bỏ, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị trồng cho vụ mới.

“Hồi sinh” cho cây mía nguyên liệuCán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, lãnh đạo xã Thành Vinh và HTX thăm hỏi bà con nông dân trồng mía thôn Lộc Phượng 2.

Cánh đồng mía sau bão

Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng mía của bà con nông dân thôn Lộc Phượng 2, xã Thành Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành Hà Đức Tâm cho biết: Thành Vinh là một trong những địa phương có diện tích trồng mía nguyên liệu nhiều trên địa bàn huyện. Những năm qua, năng suất, chất lượng mía trên địa bàn xã Thành Vinh nói riêng, huyện Thạch Thành nói chung đều tăng. Khoảng 2 - 3 năm gần đây, mía nguyên liệu được Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan thu mua với giá cả ổn định, tăng hơn so với những năm trước đây, giúp bà con yên tâm gắn bó với cây mía. Cùng với đó các chính sách hỗ trợ vay vốn của các ngân hàng, nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của công ty đã đồng hành với bà con trong suốt quá trình chăm sóc, thu hoạch mía. Hiện, cây mía đang được xác định là cây trồng chủ lực của địa phương với gần 3.500ha mía (riêng diện tích mía nguyên liệu ký hợp đồng với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan là 2.520,24ha, còn lại là diện tích mía nước, mía tím...). Niên vụ 2023-2024, toàn huyện có 2.487ha mía nguyên liệu, năm 2024-2025 tăng lên 2.858,87ha. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4 vừa qua, trên địa bàn huyện có khoảng 959ha mía bị ảnh hưởng, trong đó diện tích thiệt hại hoàn toàn là hơn 500ha.

Sau bão, cấp ủy, chính quyền, các HTX, công ty cũng đã động viên, tuyên truyền đến bà con Nhân dân chăm sóc diện tích mía đang kỳ thu hoạch, diện tích mía hư hỏng, mất trắng thì chặt bỏ, vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị cho vụ tới. Huyện tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây hiệu quả kinh tế không cao, trong đó có việc chuyển đổi từ diện tích lúa mùa, sả, ngô, sắn... sang trồng mía nguyên liệu.

Đang hối hả bóc những lá mía rậm rạp, bùn đất sau bão, bà Trịnh Thị Lệ, thôn Lộc Phượng 2, xã Thành Vinh, cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với cây mía hơn 30 năm. Có thời kỳ giá mía thấp, trồng không đủ chi phí nên gia đình tôi chuyển sang trồng cây khác, nhưng hiện nay Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan điều chỉnh giá cả, hỗ trợ đồng hành với nông dân nên tôi đã yên tâm trồng mía. Gia đình tôi hiện trồng 10 sào mía”.

Ông Vũ Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Vinh, cho biết: Xã có khoảng 1.400 hộ, 6.400 nhân khẩu, bà con chủ yếu làm nông nghiệp, kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Cây mía được xác định là cây chủ lực, 7/8 thôn trong xã trồng mía với diện tích 258ha mía nguyên liệu, trong đó HTX dịch vụ kinh doanh nông nghiệp xã Thành Vinh quản lý 160ha. Năm 2024, toàn xã trồng mới 100ha mía (trong đó 30ha được chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mía). Trong đợt mưa bão vừa qua, toàn xã có khoảng 42ha mía bị ảnh hưởng, trong đó có 14ha mất trắng tại thôn Tân Long. Xã tuyên truyền cho bà con chăm sóc, khắc phục diện tích mía bị hư hại, chuẩn bị giống để trồng cho vụ mới.

Giá cả ổn định giúp người dân

gắn bó với cây mía

Xã Thạch Cẩm là địa phương có diện tích mía nguyên liệu nhiều nhất huyện Thạch Thành. Ông Nguyễn Văn Đoàn, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thạch Cẩm, cho biết: Toàn xã có hơn 450ha mía, trong đó HTX quản lý 336ha mía. Năm 2019 trở về trước, giá mía thấp, công tác đầu tư ít, bà con chuyển sang cây trồng khác nhưng hiện nay bà con yên tâm với cây mía. Vụ ép 2023-2024, HTX có 294ha mía thì năm 2024-2025 có 336ha, riêng diện tích trồng mới 69,14ha. Năm 2024, thông qua HTX, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan đầu tư 3,8 tỷ đồng cho bà con nông dân trồng mía mua phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Đây là những tín hiệu đáng mừng, giúp cây mía “hồi sinh”, sau thời gian lao đao giá cả thì nay bà con yên tâm với cây mía.

Ông Huang Ming Te, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan, cho biết: Với phương châm, lợi ích của nhà máy và bà con phải hài hòa, công ty luôn đồng hành, gắn bó với bà con nông dân, đưa ra nhiều giải pháp, trong đó sự đầu tư, chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng cơ giới hóa... Riêng với diện tích chuyển đổi sang trồng mía, công ty hỗ trợ trồng mới là 2,5 triệu đồng/ha. Năm 2023-2024, tổng nguồn vốn công ty đầu tư cho nông dân vùng trồng mía gần 13 tỷ, năm 2024-2025 tăng lên khoảng 30 tỷ.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và số 4 vừa qua đã làm thiệt hại rất nhiều diện tích vùng nguyên liệu của công ty. Tổng diện tích mía nguyên liệu bị ảnh hưởng là 1.494ha, thiệt hại khoảng 3.600 tấn mía toàn vùng. Dự kiến sản lượng mía thu mua vụ ép năm 2024-2025 ước đạt 300.000 tấn. Hiện nay, công ty đang kiểm tra, đánh giá lại diện tích mía bị mất trắng, hư hỏng do mưa bão để có những hoạt động hỗ trợ cho bà con; tiếp tục duy trì phương thức mua mía nguyên liệu xô như vụ ép 2023-2024 nhằm đảm bảo giá cả, giúp bà con yên tâm sản xuất, gắn bó với cây mía, đồng thời ổn định vùng nguyên liệu cho nhà máy; cam kết tiếp tục hỗ trợ, đầu tư, đồng hành cùng nông dân, ổn định giá cả cho người dân. Đồng thời mong muốn bà con tiếp tục chăm sóc, mở rộng diện tích trồng mía; thu hoạch mía nguyên liệu đảm bảo tiến độ, đúng quy trình, yêu cầu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vùng trồng mía nguyên liệu tập trung chủ yếu ở 17/27 huyện, thị xã, thành phố, trong đó nhiều nhất là các huyện: Thạch Thành, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Bá Thước, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân... Những năm trước đây, diện tích vùng nguyên liệu mía Thanh Hóa giảm sâu, gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo sản lượng mía cung ứng cho các nhà máy đường đóng chân trên địa bàn tỉnh giảm xuống. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa, các địa phương vùng trồng mía và các nhà máy đường Lam Sơn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan đã và đang đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, góp phần đồng hành với người dân trong phát triển sản xuất, trồng cây mía nguyên liệu. Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 1487 phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu mía đường Lam Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để phục hồi vùng nguyên liệu mía bền vững, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cơ cấu các loại giống có năng suất, chất lượng, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Các nhà máy tiếp tục tăng cường công tác quản lý, phát triển vùng nguyên liệu, đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, trong đó cơ giới hóa khâu làm đất, chăm sóc, tưới nước, thu hoạch ngày càng gia tăng. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, đầu tư, phù hợp với tình hình thực tế và tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách đã ban hành, tạo điều kiện tốt nhất để người trồng mía tiếp cận và đầu tư vào sản xuất. Niên vụ 2023-2024, diện tích mía nguyên liệu tỉnh Thanh Hóa là 12.526ha, năng suất hơn 67 tấn/ha, các nhà máy thu mua đạt sản lượng 903.000 tấn. Niên vụ 2024-2025, tổng diện tích mía nguyên liệu toàn tỉnh là 13.500ha, trong đó diện tích trồng mới 6.200ha, năng suất dự kiến 75 tấn/ha.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]