Hội thảo Nhà thơ Văn Đắc: Tác giả - Tác phẩm
Sáng 6/12, thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa phối hợp với Thành ủy, UBND TP Sầm Sơn tổ chức Hội thảo Nhà thơ Văn Đắc: Tác giả - tác phẩm.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam chúc mừng nhà thơ Văn Đắc.
Nhà thơ Văn Đắc phát biểu tại hội thảo.
Nhà thơ Văn Đắc tên thật là Nguyễn Tiến Tới. Ông sinh năm 1942 tại làng Triều (nay là phường Trung Sơn) TP Sầm Sơn. Tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1966 (nay thuộc Đại học Vinh), sau đó đi dạy học. Ông là một trong những thành viên sáng lập Hội Văn nghệ Thanh Hóa (nay là Hội VHNT Thanh Hóa). Năm 1991, ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Một số tác phẩm tiêu biểu trong hành trình thơ Văn Đắc.
Toàn cảnh hội thảo.
“Văn Đắc đã yêu và viết thơ tình từ thời trai trẻ” theo cách nói của cố nhà thơ Mai Ngọc Thanh, và ông đã hóa thân được vào gần như mọi trạng huống cung bậc tình cảm của người yêu thơ. Đây là nét phong phú, đa dạng trong thơ tình của ông. Khiến ta đọc nó không có cảm giác nhàm, chán. Trong hành trình gắn bó, say mê sáng tạo liên tục với thơ gần 60 năm, “hai chữ Văn Đắc là thi hiệu quen thuộc của thi đàn Thanh Hóa và cả nước” (Lâm Bằng). Ông đã cho xuất bản các tập thơ: Hai triền sông, Khúc hát bắt đầu từ nguồn nước, Biển xanh, Muộn mằn, Đi tìm thời trẻ trai, Trái tim dọc đường, Lời cho em, Một mình với cỏ thi, Cát lầm, Trường ca Thành Tây Đô. Ngoài ra ông còn một số tác phẩm chưa xuất bản: kịch thơ Lê Hoàn, Lời tâm huyết, Ngai vàng rung chuyển... Mới đây nhất, ông cho ra đời Văn Đắc, tuyển tập thơ dày hơn 600 trang, tuyển chọn các bài thơ xuất sắc từ các tập thơ đã in và bản thảo chưa in.
PGS.TS Hỏa Diệu Thúy trình bày tham luận.
“Tôi muốn được về làng ông để đọc trên cát những gì ông viết từ ngày đó đến giờ. Ông vui lòng chứ? (...) Về làng ông, để được nghe bọn trẻ làng reo tên ông thành tiếng hát ông Đắc, ông Đắc, còn bạn già thì “vò” ông ra tâm sự. Chao ôi, chỉ một chữ “vò” thôi đã đủ nói hết cá tính của ông với làng và của làng với ông”. (Nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên) |
Gần 55 năm kể từ giải thưởng tại Cuộc thi Thơ của Tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Dòng sông trong đêm; Làng sơ tán..., nhà thơ Văn Đắc vẫn tiếp tục tìm tòi, đổi mới trên con đường thi ca của mình. Thơ của ông đã đóng góp không nhỏ vào sự đa dạng của nền thơ xứ Thanh nói riêng và thi ca cả nước nói chung.
Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh trình bày tham luận.
Tại hội thảo, mỗi nhà nghiên cứu, nhà thơ có một cái nhìn riêng về hành trình thơ Văn Đắc. PGS.TS Hỏa Diệu Thúy khi bàn về “cái tôi trữ tình nghệ sĩ” đã chia chặng đường thơ của Văn Đắc gồm các giai đoạn gắn với cảm hứng anh hùng ca và giai đoạn hội nhập với không khí thơ hiện đại. Lý giải vì sao thơ ông luôn “trẻ” vì cái tôi trữ tình ấy luôn đồng hành cùng với nhu cầu, khát vọng của quy luật sống.
“Cái khuôn đúc sẵn của trời/ Đã xoay đủ cách vẫn trồi tôi ra. Ông không sinh ra từ khuôn mẫu. Ông không đồng dạng với mọi sản phẩm từ khuôn mẫu. Ông riêng biệt. Ông khác biệt. Ông không trộn lẫn. Người tầm thường không bao giờ có được khẩu khí ấy” (Nguyễn Minh Khiêm, Văn Đắc và nghệ thuật găm thơ vào người đọc) |
Là bạn đồng môn, nhà văn Lê Bá Thự với bài viết “Văn Đắc bạn tôi - “nhà thơ tự thú” tỏ ra khá hiểu bạn mình, đặc biệt tâm lí “không muốn mình già, muốn luôn được trẻ và được khỏe, để đi được nhiều, để viết được nhiều và... để chơi được nhiều”. Và trong bài viết: “Văn Đắc đi tìm tên gọi của riêng mình", nhà văn Từ Nguyên Tĩnh khẳng định: Từ cái trẻ trung của “Dòng sông trong đêm” hôm nào, Văn Đắc đi tìm và tìm được chính mình.
Nguyễn Thị Thúy Hạnh lại tìm thấy cảnh quan, không gian miền Trung trong thơ Văn Đắc. Không gian ấy trở thành một biểu tượng nghệ thuật mang sắc thái quốc gia, địa phương, đồng thời là phương tiện để tác giả kí thác nội tâm và kiến tạo bản sắc cá nhân.
Các tác giả Vũ Quang Trạch, Phạm Thị Kim Khánh... tìm hiểu cá tính sáng tạo của nhà thơ Văn Đắc qua tập “Trường ca Thành Tây Đô”, từ đó thể hiện rõ khát vọng đổi mới. "Tác giả tạo dựng những lát cắt lịch sử theo xung biến tâm trạng nhân vật. Mỗi lát cắt là lằn chớp một giai đoạn biến động lớn. Ông mượn các lát cắt, những găm nhấn lịch sử đó để chuyển tải cảm xúc thơ, để lí giải thời cuộc, gửi gắm thông điệp".
Nghệ sĩ ưu tú Thu Hài “trình diễn” thơ Văn Đắc.
“Ông cảm bằng cái tôi, nhưng đưa đến cho người đọc những thi ảnh nói về chuyện đời, chuyện của phận buồn kiếp người”. (Ngô Minh). |
Văn Đắc là vậy. Thơ Văn Đắc là vậy. Ai đọc thơ Văn Đắc cũng tìm thấy có bóng dáng tính cách của mình, đồng thời nhận ra có những điều hình như chỉ riêng có ở Văn Đắc.
KIỀU HUYỀN
{name} - {time}
-
2024-12-16 16:39:00
Mùa trứng gà cuối cùng
-
2024-11-20 07:59:00
“Em đứng giữa giảng đường hôm nay” - Ca khúc hay về người giáo viên
-
2024-08-27 09:34:00
“Sầm Sơn sau đêm mưa” - Bài thơ đầy thi vị của Nhà thơ Hồng Vinh