Huyền thoại về những nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ
Trong kháng chiến chống Mỹ, những khí tài hạng nặng của Mỹ đã phải khuất phục trước “phái yếu”, hàng chục máy bay Mỹ bị bắn rơi bởi những người phụ nữ, họ thuộc các trung đội: nữ dân quân Hoa Lộc, nữ dân quân Hoằng Hải, nữ dân quân xã Thanh Thủy, đại đội pháo cao xạ Triệu Thị Trinh... Chiến tích của các chị đã trở thành huyền thoại về lòng dũng cảm, tinh thần yêu nước bất diệt.
Bà Chuông (phải) và bà Nhõi, những nữ dân quân của trung đội nữ dân quân Hoằng Hải năm nào.
86 tuổi mắt không còn tinh, chân bước không còn nhanh nhưng khi gợi nhớ về những năm tháng mưa bom bão đạn, chỉ huy đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ, bà Hồ Thị Chuông ở thôn Thanh Xuân, Hoằng Hải (Hoằng Hóa) nguyên là trung đội trưởng trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải rạng rỡ và tươi tắn hẳn lên. Bà Chuông bảo: “Quên gì thì quên chứ không thể quên được ngày bắn rơi máy bay giặc Mỹ”. Nói rồi bà chỉ tay vào đầu như muốn khẳng định những ký ức hào hùng đã ghim chặt trong trí nhớ, rồi bà dẫn chúng tôi đi vào nhà từng chị em năm xưa đang còn sống trên địa bàn, là trung đội phó Lê Thị Nhõi, chính trị viên Nguyễn Thị Thanh. Ngồi lại với nhau, các bà lần giở về những ngày hào hùng của “cả nước là chiến trường, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”.
Năm 1967, cô gái Hồ Thị Chuông lúc đó mới 25 tuổi, thông minh, nhanh nhẹn, có trình độ học vấn. Nhận thấy năng lực sử dụng vũ khí, các đồng chí lãnh đạo lúc đó đã đưa cô đi tập huấn, tin tưởng giao chức trung đội trưởng trung đội dân quân nữ Hoằng Hải. Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải gồm 16 nữ, các chị em đều đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và trong lòng ai cũng mang bầu nhiệt huyết nóng, luôn sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên.
Với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, kho thóc và tuyến đường huyết mạch từ Bắc vào Nam “16 chị em thi đua với cánh nam giới, chúng tôi hăng hái tham gia làm trận địa, lên đồi núi tập bắn, làm quen với hiệu lệnh. Ngày nào cũng vậy, ban ngày trực chiến, tối về tiếp tục lao động, sản xuất... Để tay cày tay súng bắn trúng máy bay” bà Nhõi vừa kể vừa cười hạnh phúc. Bà Chuông, bà Nhõi và tất cả những người đồng đội của mình đều không thể nào quên ngày bắn rơi máy bay Mỹ.
Đó là ngày 11/11/1967, một tốp máy bay phản lực Mỹ từ biển vào đánh phá đất liền, cả trung đội bình tĩnh, tự tin đồng loạt nổ súng. Ngay từ loạt đạn đầu tiên đã tiêu diệt 1 máy bay giặc. Nhớ lại giây phút hào hùng đó, bà Nhõi tiếp “Sau loạt đạn đầu tiên, trong đội có tiếng reo mừng “máy bay rơi rồi”, sau đó tất cả chị em ôm nhau ăn mừng. Cảm giác bắn rơi được máy bay địch thật sung sướng, hạnh phúc và cũng rất tự hào, chúng tôi đều thầm nghĩ “mình đã làm được rồi”, dù không ra chiến trường nhưng chúng tôi cũng đã trực tiếp tiêu diệt kẻ thù”. Tiếp khí thế chiến đấu sục sôi, ngày 16/11/1967 trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải phối hợp với trung đội nữ dân quân xã Hoằng Trường bắn rơi cả tốp 2 máy bay AD6 của giặc.
Bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, các nữ dân quân đã biến điều không thể thành có thể. Điều không tưởng này được thực hiện đầu tiên bởi trung đội nữ dân quân Hoa Lộc. Đó là ngày 16/6/1967 một tốp máy bay từ phía Lạch Trường bay dọc kênh De, qua sông Lèn. Các chiến sĩ của trung đội nữ dân quân Hoa Lộc đã ở vị trí sẵn sàng, 3 khẩu 12,7 ly đồng loạt nổ súng, một máy bay Mỹ bị hạ gục. Đây là trung đội nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh đầu tiên ở miền Bắc. Cuối năm 1967, các cô gái tiếp tục bắn hạ chiếc máy bay thứ 2.
Tiếp nối chiến tích vẻ vang của các cô gái Hoa Lộc, hàng chục máy bay Mỹ lần lượt bị bắn rơi. Ngày 8/8/1967 trung đội nữ dân quân Thanh Thủy đã bắn rơi 1 máy bay A4D; ngày 7/11/1967 trung đội nữ dân quân xã Hà Phú và Hà Toại (Hà Trung) đã bắn rơi 1 máy bay Mỹ ngay từ loạt súng đầu tiên khi chúng đang bắn phá thuyền bè trên sông Mã; ngày 28/3/1968, đại đội pháo cao xạ Triệu Thị Trinh khi thực hiện nhiệm vụ tại xã Liên Lộc đã bắn rơi 1 máy bay A3J. Ngoài chiến công trực tiếp bắn rơi 1 máy bay A3J, đại đội còn phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân hai xã Liên Lộc, Hoa Lộc (Hậu Lộc) bắn rơi 3 máy bay; phối hợp với quân dân các xã Trung Chính, Trung Thành (Nông Cống), huyện Triệu Sơn bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bắt sống phi công tại núi Nưa. Sau mỗi trận đánh, đại đội phải cơ động sang vị trí khác tránh địch tập kích. Những nữ pháo thủ lại gồng mình đưa vũ khí cơ động khắp các huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa... Những chiến tích của các chị đã chứng tỏ không vũ khí tiên tiến, hiện đại nào có thể áp chế được tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước bất diệt. Và cũng chính tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc đã làm nên sức mạnh, khiến những phụ nữ “chân yếu tay mềm” trở nên mạnh mẽ, tự tin trong chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
Sau mỗi chiến tích, trung đội nữ dân quân đều nhận được thư khen của Bác Hồ. Trong thư khen gửi trung đội nữ dân quân Hoa Lộc ngày 5/7/1967, Bác viết: “... Bác rất vui lòng khen các cháu đã chiến đấu giỏi và bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Bác gửi tặng mỗi cháu một huy hiệu. Bác mong các cháu hãy phát huy những điểm tốt, chăm học, chăm làm, sản xuất giỏi, cùng với bà con địa phương giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa...”. Những lời động viên của Bác như tiếp thêm sức mạnh, lòng quả cảm để những nữ dân quân vượt qua khó khăn, tiếp tục lập chiến công. Bà Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: “Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải hai lần bắn rơi máy bay, hai lần được Bác Hồ gửi thư khen. Được Bác Hồ gửi thư khen là một vinh dự lớn với chúng tôi. Lúc đó, đọc những dòng thư khen của Bác mà chúng tôi ai cũng khóc, chúng tôi khóc vì đã đóng góp sức nhỏ bé của mình cho đất nước và lòng thầm quyết tâm sẽ nỗ lực chiến đấu, tiêu diệt nhiều máy bay địch, giành độc lập tự do cho dân tộc”.
Hầu hết các nữ “xạ thủ” tham gia chiến đấu khi tuổi đời đang còn trẻ, chị em đều chưa có kinh nghiệm chiến đấu và sử dụng súng đạn. Nhưng khi đối đầu với giặc Mỹ, dù là trực tiếp hay gián tiếp thì các chị em đều thể hiện bản lĩnh vững vàng, tự tin chiến đấu để biến điều không thể thành có thể. Lòng dũng cảm, dám đứng lên đấu tranh vì độc lập dân tộc của chị em là truyền thống yêu nước tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam đã có từ ngàn đời nay. Và tinh thần đó vẫn được tiếp nối bởi thế hệ trẻ với những chiến tích mới trong xây dựng đất nước thời kỳ mới.
Bài và ảnh: Vân Anh
Bài viết có sử dụng tư liệu sách “55 năm lực lượng vũ trang Thanh Hóa”, “Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Hải”.
- 2024-10-14 14:05:00
Nữ giám đốc trẻ đưa hương bài Yên Cát vươn xa
- 2024-10-11 08:33:00
Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm
- 2024-08-16 08:23:00
Gia tộc Nguyễn Quận trên đất làng Cát Xuyên
“Mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc”
Những cuộc đời ý nghĩa
Lê Trung Giang, tướng công trải 4 đời vua triều Lê
Khát vọng khởi nghiệp từ đặc sản quê hương
Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Thăng hoa cùng “tình yêu xứ Thanh”
Trịnh Tốn và tấm bia mộ ở Hà Sơn
Hà Duy Phiên: “Quan lại cao cấp, học giả uyên thâm”
Chàng lính cứu hộ đạt 2 điểm 10 kỳ thi tốt nghiệp THPT
Chàng trai xứ Thanh mang hương vị nem chua đi khắp mọi miền Tổ quốc