(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thuyết minh tuyên truyền tại bảo tàng không chỉ đơn thuần là giới thiệu cho các đoàn khách đến tham quan thuần tuý, mà chính họ là những người “thổi hồn” vào các hiện vật, hình ảnh… làm sống dậy những di sản văn hóa để những di sản đó tồn tại mãi theo thời gian…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kết nối bảo tàng gần hơn với công chúng

(VH&ĐS) Thuyết minh tuyên truyền tại bảo tàng không chỉ đơn thuần là giới thiệu cho các đoàn khách đến tham quan thuần tuý, mà chính họ là những người “thổi hồn” vào các hiện vật, hình ảnh… làm sống dậy những di sản văn hóa để những di sản đó tồn tại mãi theo thời gian…

Mỗi công việc đều có cái khó riêng, nhưng nghề thuyết minh tại bảo tàng còn đặc biệt hơn nhiều. Họ chính là những người hướng dẫn, giải thích, tạo sự liên kết đầy đủ, chính xác giữa những hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng với những thông tin bổ ích ẩn chứa trong đó, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn giá trị của mỗi hiện vật, hình ảnh. Tùy theo từng đối tượng khách tham quan, thuyết minh sẽ chủ động điều tiết thông tin, thể hiện cảm xúc phù hợp với từng nội dung trưng bày cố định và trưng bày chuyên đề, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan tìm hiểu nội dung, hiện vật trưng bày.

Chị Dương Thị Mỹ Dung - Phó phụ trách phòng trưng bày tuyên truyền Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cán bộ thuyết minh phải có một lượng lớn kiến thức về tiến trình phát triển chung của lịch sử từ thời tiền sử, sơ sử cho đến ngày nay. Những thông tin đưa ra phải chính xác về mặt thời gian, diễn biến sự kiện. Bên cạnh vốn kiến thức sẵn có, để tạo được ấn tượng tốt cho khách đến tham quan thì người cán bộ thuyết minh phải có kỹ năng giao tiếp, khả năng truyền đạt thông tin, xử lý tình huống tốt; nhiệt tình, hòa nhã, thân thiện với khách. Để có được điều đó, mỗi người làm thuyết minh phải có quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Chị tâm sự: “Trong hơn 10 năm làm công tác thuyết minh, mỗi đoàn khách đều để lại cho tôi những cảm xúc riêng nhưng ấn tượng nhất với tôi đó là những buổi thuyết minh cho các đoàn khách người có công với cách mạng. Trước các chú, các bác - những người đã đi qua chiến tranh, cống hiến một phần xương máu của mình cho hòa bình, độc lập của dân tộc, chúng tôi không dám nhận mình là người thuyết minh, đúng hơn chúng tôi thấy mình giống như những người học trò đang học môn Lịch sử. Cán bộ thuyết minh và khách tham quan say sưa kể chuyện, nói chuyện, những câu chuyện của lịch sử. Trong những buổi tham quan ấy, có nhiều bác cựu chiến binh đã rưng rưng nước mắt khi xem hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng. Càng xúc động hơn khi các bác được xem lại những kỷ vật của mình đang được Bảo tàng tỉnh trưng bày, giới thiệu như câu chuyện của bác Đồng Minh Tuấn, nguyên ở Đại đội 612, Tiểu đoàn 166, E 209, F 312 chiến đấu tại Đồi D1 Điện Biên Phủ tặng bảo tàng huy hiệu chiến sỹ Điện Biên Phủ; bác Lê Xuân Giang - Đại đội 4, Trung đoàn 228 Hàm Rồng tặng bảo tàngHuy hiệu Quyết thắng 5/8 và nhiều hiện vật khác…”.

Các đoàn khách đến tham quan Bảo tàng tỉnh.

Đã gắn bó với công tác thuyết minh được 4 năm, chị Phạm Thị Mùi là một trong những cán bộ trẻ, tốt nghiệp khoa Bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trong những năm tháng được rèn rũa trên ghế nhà trường đúng chuyên ngành đào tạo đã tạo cho chị có nhiều thuận lợi trong công việc chuyên môn. Chị cho biết: Để có được bài thuyết minh dài hơn 2 tiếng cho toàn bộ hệ thống các phòng trưng bày thì những người làm thuyết minh phải có rất nhiều kiến thức. Không những vậy, bên cạnh hệ thống trưng bày cố định, bảo tàng thường xuyên tham gia tổ chức các cuộc trưng bày lưu động, phối hợp, mỗi cuộc trưng bày có chủ đề, nội dung, hiện vật khác nhau, vì vậy mỗi cán bộ thuyết minh phải không ngừng nỗ lực nghiên cứu, học hỏi. Và điều quan trọng để tạo nên buổi thuyết minh hấp dẫn, đó là người thuyết minh phải tạo ra được những bài phù hợp với từng độ tuổi và nhu cầu khách tham quan. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều đoàn tham quan đến bảo tàng với nhiều đối tượng khác nhau ở trong và ngoài tỉnh, chúng tôi những cán bộ làm công tác thuyết minh có thêm nhiều cơ hội để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho bản thân.

Đến với Bảo tàng tỉnh, mọi người sẽ được tham quan, tìm hiểu về tiến trình lịch sử, từ khi con người xuất hiện đầu tiên trên đất Thanh Hóa đến Đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước. Bên cạnh 4 phòng trưng bày cố định là “Thanh Hóa thời Tiền sử - Sơ sử”, “Thanh Hóa từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX”, “Truyền thống yêu nước và cách mạng Thanh Hóa, giai đoạn 1858 - 1945”, “Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giai đoạn 1945 - 1975”, Bảo tàng còn có 3 phòng trưng bày chuyên đề: “Trống đồng phát hiện tại Thanh Hóa”, “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mường ở Thanh Hóa” và “Đặc trưng văn hóa dân tộc Thái ở Thanh Hoá”.

Với 7 phòng trưng bày, diện tích hơn 1.200 m2 và gần 3.000 tài liệu, hiện vật; Bảo tàng lấy sự phong phú của sưu tập hiện vật làm ngôn ngữ biểu đạt chính, kết hợp giữa trưng bày phản ánh giai đoạn, sự kiện lịch sử kết hợp với các sưu tập theo hướng trưng bày mở, có thểcập nhật những tư liệu, hiện vật mới làm cho “diện mạo” trưng bày luôn mới mẻ, hấp dẫn người xem.

Ông Hồ Tuấn Minh - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đòi hỏi chất lượng công tác thuyết minh, tuyên truyền giáo dục trong các bảo tàng không ngừng được nâng lên. Đây là một trong những vấn đề quan trọng mà ban lãnh đạo Bảo tàng tỉnh luôn coi trọng. Hiện tại bảo tàng có 4 cán bộ làm công tác thuyết minh chính (trong đó có 2 thạc sỹ, 2 đại học) đều là những cán bộ trẻ. Đây là lực lượng chính trong công tác đón tiếp, hướng dẫn các đoàn khách tham quan. Cùng với việc được đào tạo bài bản, đội ngũ thuyết minh luôn có ý thức tự giác trong công việc, vui vẻ, hòa nhã với khách tham quan, nhiệt tình trong công tác hướng dẫn bảo tàng, không ngừng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, học tập nâng cao trình độ, trau dồi khả năng ngoại ngữ…Hàng năm, đơn vị tạo điều kiện cho các cán bộ thuyết minh được tham gia các lớp tập huấn, các khóa đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng thuyết minh phục vụ khách tham quan, nâng cao trình độ ngoại ngữ…

Những thuyết minh tại bảo tàng, mỗi người một hoàn cảnh, một cuộc sống, một cách làm việc khác nhau nhưng ở họ có chung lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết với công việc. Qua đó để truyền đạt những thông tin cần thiết hữu ích đến khách tham quan. Và những con số khách tham quan năm sau cao hơn năm trước của những năm qua có phần đóng góp đáng kể của đội ngũ thuyết minh tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Và đó cũng là nguồn động lực lớn để giúp đội ngũ thuyết minh luôn nỗ lực phấn đấu để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thành xuất sắc trọng trách kết nối bảo tàng gần hơn với công chúng.

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]