(vhds.baothanhhoa.vn) - Về xã Trung Thành (Nông Cống) vào những ngày diễn ra lễ hội đền Mưng mới cảm nhận sâu sắc được niềm đam mê, tâm huyết, trân trọng, tự hào trong mỗi người dân nơi đây cùng hòa quyện, thăng hoa, kết thành biểu tượng đẹp của đời sống văn hóa - tín ngưỡng, tính cố kết cộng đồng làng xã. Trên hành trình văn hóa ấy, cộng đồng vừa là chủ thể thực hành vừa là “hạt nhân”, nắm giữ vị trí trung tâm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Khi cộng đồng là trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể

Về xã Trung Thành (Nông Cống) vào những ngày diễn ra lễ hội đền Mưng mới cảm nhận sâu sắc được niềm đam mê, tâm huyết, trân trọng, tự hào trong mỗi người dân nơi đây cùng hòa quyện, thăng hoa, kết thành biểu tượng đẹp của đời sống văn hóa - tín ngưỡng, tính cố kết cộng đồng làng xã. Trên hành trình văn hóa ấy, cộng đồng vừa là chủ thể thực hành vừa là “hạt nhân”, nắm giữ vị trí trung tâm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Khi cộng đồng là trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thểHát chèo thờ là một trong những nét đặc sắc, tiêu biểu của văn hóa truyền thống xã Trung Thành.

Những ngày đầu tháng 3 (âm lịch), mặc cho thời tiết đã dần oi ả, những vạt nắng đầu hè nhuộm vàng cảnh sắc nhưng khắp đường làng, ngõ xóm của xã Trung Thành rộn ràng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tưng bừng không khí lễ hội đền Mưng. Từng lời ca, tiếng hát của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) chèo thờ đền Mưng xã Trung Thành như lời chào đón thân tình, mộc mạc. Thả hồn theo nhịp trống, theo điệu hát chèo lúc ngân nga khi lại khoan thai, dìu dặt, hẳn nhiều người sẽ không khỏi trầm trồ, thương mến khi biết rằng, tuy mới được thành lập năm 2021, đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đến nay, CLB thu hút 37 thành viên tích cực tham gia. Phần lớn các thành viên của CLB đều đã ở ngưỡng “lục tuần” trở lên, trong đó có 7 thành viên từ 80 đến hơn 90 tuổi. Được sự quan tâm, động viên, sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự hướng dẫn tận tâm, nhiệt tình của chủ nhiệm CLB Lê Huy Cẩm, các cụ hăng say tập luyện, cùng nhau góp ý kiến, nắn nót từng câu hát, từng động tác cho đến khi ưng ý, gương mặt ai ai cũng rạng rỡ niềm vui, chuyện trò rôm rả. CLB chèo thờ đền Mưng xã Trung Thành được xem là “hạt nhân”, nòng cốt trong phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng địa phương. Ông Lê Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành, cho biết: Việc thành lập CLB hướng đến mục đích, ý nghĩa quan trọng nhất là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà cha, ông để lại. Đặc biệt, kể từ khi lễ hội đền Mưng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mỗi người dân xã Trung Thành càng nêu cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Đã nhiều năm cống hiến, sau khi nghỉ hưu, ông Lê Huy Cẩm, chủ nhiệm CLB chèo thờ đền Mưng xã Trung Thành vẫn không thôi trăn trở, hết mình với các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng tại địa phương. Bất kể là công việc gì, chẳng màng đến quyền lợi ra sao, ông Cẩm đều nhiệt tình, hăng hái nhận lời. Ông viết lời mới cho các làn điệu chèo, trích đoạn sân khấu về các đề tài xây dựng nông thôn mới, ca ngợi vẻ đẹp đất và người quê hương, các vấn đề diễn ra trong đời sống đương đại... Ông tham gia hoàn thiện nhiều tiết mục biểu diễn phục vụ hội thi, hội diễn, liên hoan của xã, huyện và rất “có duyên” với các giải thưởng... Để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ Nhân dân trong lễ hội đền Mưng năm 2023 vừa qua, ông Cẩm cùng các thành viên CLB chèo thờ đền Mưng xã Trung Thành tất bật tập luyện. Dẫu hoạt động trên cơ sở tự nguyện, kinh phí tự đóng góp nhưng cứ đều đặn mỗi thứ bảy, chủ nhật trong tuần, các thành viên trong CLB lại xôm tụ hội họp, tập luyện.

Dẫu đã hơn 70 tuổi, tiếng hát chèo của bà Nguyễn Thị Dụng vẫn rất mượt mà, truyền cảm. Bà Dụng cho biết: Hát chèo thờ quê mình có nhiều nét riêng biệt so với các nơi khác. Nếu các làn điệu chèo của vùng đồng bằng Bắc bộ thường tập trung luyến láy âm i thì đối với hát chèo thờ xã Trung Thành lại tập trung luyến láy ở âm a (thường gọi là chèo a). Nội dung của hát chèo thờ nơi đây thường đa dạng về làn điệu như: đường trường, sắp, vãn, sử, sa lệch, hát cách, hát nói (ngâm, vỉa, nói lối), hề. Trước đây, hát chèo thờ có 4 tấn (vở) thường xuyên được trình diễn là: Thục Vân, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình và Tống Trân - Cúc Hoa. Ngoài ra còn có các bài hát hầu thánh khác. Tuy nhiên, cùng với sự chảy trôi của thời gian, đến nay, hát chèo thờ xã Trung Thành chỉ còn lưu giữ được 2 vở diễn là: Lưu Quân Bình, Tống Trân - Cúc Hoa. Có lẽ vậy mà các thế hệ cháu, con hôm nay càng biết trân trọng, càng thêm nêu cao tinh thần, trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống quê hương mình.

Bà Lê Thị Nam (91 tuổi) là con gái làng Mưng, xã Trung Thành. Từ khi còn là cô thiếu nữ trẻ trung, phơi phới xuân thì, bà Nam đã say mê tiếng hát chèo thờ quê mình. Nhớ những ngày ấy, bà Nam hồn nhiên theo chân các bà, các mẹ ra đồng, tay làm miệng hát, tiếng hát chèo cất lên như xua tan đi mệt nhọc, động viên mọi người làm việc hăng hái hơn. Gia đình bà Nam có nhiều người biết hát chèo thờ nên tình yêu cứ thế như mầm xanh được nuôi dưỡng lớn dần lên. Theo năm tháng, tình yêu, niềm đam mê ấy đưa bà đến những niềm vui tuổi già. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà Nam vẫn nhớ, vẫn thuộc từng điệu hát chèo và truyền dạy lại cho thế hệ con, cháu; đôi tay, đôi chân vẫn nhịp nhàng chuyển động theo nhịp trống.

Nếu ví giá trị văn hóa vật thể tựa hồ như sắc vóc kiều diễm của người con gái thì những giá trị văn hóa phi vật thể chính là chiều sâu tâm hồn, “nét duyên thầm” ẩn hiện trong từng cử chỉ, điệu bộ, ánh cười... Bởi lẽ, di sản văn hóa phi vật thể được kết tinh từ tập quán, trí thức dân gian, kỹ năng... được gìn giữ, trao truyền và tiếp biến theo dòng chảy thời gian, qua biết bao thế hệ. Điều đó lý giải vì sao, dẫu qua bao nhiêu “cuộc bể dâu”, trước tác động không ngừng của thời gian, đền Mưng và lễ hội đền Mưng nói riêng, các di sản văn hóa nói chung vẫn bền bỉ sức sống. Chính nỗ lực, tâm huyết, sáng tạo hòa cùng mạch nguồn văn hóa lắng sâu trong tâm khảm mỗi thế hệ người dân là tiền đề quan trọng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống như đã có hôm nay. “Khi được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội đền Mưng không chỉ là của riêng người làng Mưng (Côn Sơn) nữa mà là “tài sản” chung của cộng đồng. Các cụ cao niên trong làng đã bỏ nhiều công sức sưu tầm, lưu giữ những làn điệu chèo thờ, khôi phục và truyền dạy cho con cháu. "Điều mong muốn nhất của các thế hệ người dân chúng tôi là đền Mưng sớm được trùng tu, tôn tạo xứng tầm. Những làn điệu hát chèo thờ, những vở diễn sân khấu truyền thống, những câu hát đối đáp, giao duyên sẽ sống mãi, ngày càng có sức lan tỏa, làm dày thêm vỉa tầng phù sa trong dòng chảy văn hóa dân tộc” - ông Lê Huy Cẩm, chủ nhiệm CLB chèo thờ đền Mưng xã Trung Thành bộc bạch.

Không chỉ có đền Mưng và lễ hội đền Mưng, xã Trung Thành vinh dự, tự hào là địa phương có hai ngôi đền thờ Bà Triệu đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại thôn Yên Dân và thôn Đông Yên. Vào ngày 22-2 âm lịch hằng năm, tại hai di tích này đều diễn ra lễ hội truyền thống với các hoạt động tiêu biểu, đặc sắc như: rước voi, rước ngựa... Văn hóa truyền thống là “tài sản”, “vốn quý”, tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức sâu sắc điều đó để thấy rằng: Song hành với nỗ lực, cố gắng của cộng đồng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung là trách nhiệm của toàn xã hội.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]