(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh với những cách làm hiệu quả đã phát huy giá trị, trở thành “điểm hẹn” lịch sử - văn hóa hấp dẫn bạn trẻ.

Khi di sản trở thành điểm đến hấp dẫn bạn trẻ

Thời gian qua, Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh với những cách làm hiệu quả đã phát huy giá trị, trở thành “điểm hẹn” lịch sử - văn hóa hấp dẫn bạn trẻ.

Khi di sản trở thành điểm đến hấp dẫn bạn trẻThời gian qua, Khu di tích lịch sử Lam Kinh thu hút nhiều đoàn học sinh trong và ngoài tỉnh về tham quan, trải nghiệm.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) là “kinh đô tâm linh” - “chốn thiêng” của vương triều Hậu Lê. Đây là quê hương của Bình Định Vương Lê Lợi, cũng là nơi khởi phát - căn cứ ban đầu của khởi nghĩa Lam Sơn lưu danh sử xanh.

Hơn 600 năm trước, lịch sử dân tộc trải qua giai đoạn “khủng hoảng” trầm trọng. Nhà Trần suy yếu, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ. Tuy nhiên, vì không được lòng dân nên cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của nhà Hồ thất bại. Sau khi đánh bại triều Hồ, nhà Minh phương Bắc nhanh chóng thiết lập, củng cố bộ máy thống trị trên khắp nước ta. Dưới thời Minh Thành Tổ, nhà Minh là một đế chế lớn mạnh. Vì vậy, dù trong giai đoạn này trên đất nước ta diễn ra nhiều cuộc nổi dậy song đều thất bại. Nhân dân ta mất nước và phải chịu sự cai trị hà khắc, tàn bạo của giặc ngoại xâm.

Bấy giờ, nơi đất Lam Sơn xứ Thanh, Bình Định Vương Lê Lợi với tâm và tầm hơn người đã thu hút hào kiệt bốn phương cùng tìm về giúp sức. “Từ một cuộc khởi nghĩa dân tộc nhen nhóm lên với mấy trăm nghĩa quân, khởi nghĩa Lam Sơn vượt qua muôn vàn gian nan thử thách, phát triển thành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sâu rộng trên cả nước và kết thúc bằng chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang oai hùng, buộc quân Minh phải chấp thuận Hội thề Đông Quan, cam kết rút quân về nước. “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi viết đã đi vào lịch sử như một thiên cổ hùng văn, một tuyên ngôn độc lập” (sách Khu di tích Lam Kinh).

Lịch sử dân tộc trải qua dặm dài ngàn, vạn năm dựng nước và giữ nước của ông cha. Sau các triều đại, giai đoạn lịch sử đi qua là những dấu tích, hiện vật - di sản “gửi lại” đến hậu thế. Di sản chứa đựng những câu chuyện kể về lịch sử - văn hóa. Tham quan, trải nghiệm, giáo dục di sản là cách để bạn trẻ đến gần - hiểu hơn về lịch sử dân tộc, vùng đất, con người...

Khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, vương triều nhà Lê được lập dựng, định đô Đông Kinh (Thăng Long). Lam Sơn bấy giờ trở thành “khu thánh địa” tôn nghiêm, thờ cúng tổ tiên, nơi yên nghỉ của các vua và Hoàng Thái hậu nhà Lê, nơi cử hành nghi lễ thiêng liêng mỗi khi các vua Lê về bái yết sơn lăng. Dưới núi rừng Lam Sơn, những công trình kiến trúc uy nghiêm dần được dựng lên, quy mô và bề thế, mang dấu ấn triều đại.

Dù trải qua thời gian với những biến thiên lịch sử, kiến trúc đền đài, miếu mạo của Lam Kinh phần lớn đã bị hư hỏng. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, với nỗ lực bảo tồn, tôn tạo, các công trình kiến trúc ở Lam Kinh đã được khôi phục. Trên đất Lam Sơn, một Lam Kinh trầm mặc, uy nghi đang dần hoàn thiện. Du khách về với Lam Kinh không khỏi thán phục trước diện mạo và những giá trị lưu giữ của khu di tích.

Những năm gần đây, Lam Kinh ngày càng khẳng định được giá trị cùng “sức hút” của di sản đối với du khách, đặc biệt là các bạn trẻ. Nơi đây trở thành “điểm hẹn” của nhiều đoàn khách là học sinh, sinh viên.

Nếu sử sách chép về lịch sử dân tộc bằng “chất liệu” của ngôn ngữ. Thì di sản lại có cách “kể chuyện” thông qua những công trình kiến trúc, hiện vật... Và điều đặc biệt, khi đến với Lam Kinh, “chạm” vào đâu người ta cũng thấy những chuyện kể hấp dẫn và thú vị, trực quan sinh động.

Những cô cậu học sinh tuổi còn nhỏ, sau những choáng ngợp bởi vẻ đẹp di tích lại bị “hút” vào từng lời kể về lịch sử của hướng dẫn viên. Từ đây, các em thêm một lần hiểu hơn về khởi nghĩa Lam Sơn, về Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi, về minh quân Lê Thánh tông... Cả những thán phục trước sự tài hoa của người thợ xưa và nay khi tạo nên những công trình kiến trúc kỳ vĩ. Hành trình khám khá, trải nghiệm Lam Kinh thực sự mang đến nhiều xúc cảm.

Em Nguyễn Diệp Thùy, học sinh Trường Tiểu học Xuân Bái (Thọ Xuân) về thăm Lam Kinh, chia sẻ: “Em đã nhiều lần được đến Lam Kinh nhưng lần nào cũng thấy rất vui. Mỗi khi đến đây lại thêm một lần biết ơn ông cha đã có công chống ngoại xâm và em thấy yêu quê hương mình hơn”.

Còn Trần Duy Anh (13 tuổi) một nam sinh đến từ Nghệ An khi về thăm Lam Kinh, cho biết: “Thông qua chương trình học lịch sử, em có biết về Bình Định Vương Lê Lợi và đất Lam Sơn, nhưng đây là lần đầu tiên được đặt chân đến vùng đất này, được đi dưới núi rừng Lam Sơn, được ngắm nhìn bảo vật quốc gia Bia Vĩnh Lăng, ngắm đại điện Lam Kinh... Đó thực sự là trải nghiệm và xúc cảm rất khác so với việc đọc sách. Với em, Lam Kinh thật sự rất đẹp”.

Khi di sản trở thành điểm đến hấp dẫn bạn trẻVới giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa, Lam Kinh là “điểm hẹn” trong hành trình khám phá - giáo dục di sản cho bạn trẻ hiện nay.

Trong những đoàn khách nối chân nhau về Lam Kinh tham quan hôm đó, tôi chú ý đến một đoàn khách nhí. Hỏi ra mới biết, đó là những cô, cậu bé (lớp 5 tuổi) của Trường Mầm non Xuân Dương (huyện Thường Xuân). Dẫn đầu đoàn tham quan, cô giáo Hà Thị Hưng, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Mỗi năm một lần, nhà trường và phụ huynh đều cố gắng sắp xếp một buổi để đưa các cháu (lớp 5 tuổi) về thăm Lam Kinh. Những bạn nhỏ lần đầu tiên biết chắp tay trước lăng mộ vua Lê Thái tổ; được nghe chuyện cây lim hiến thân, cây ổi cười... tại đây còn có không gian rộng lớn để cô trò tổ chức các trò chơi đố vui, tìm hiểu về khu di tích sau những giờ phút tham quan, trải nghiệm... Các cháu học sinh trong đoàn rất hào hứng, say mê. Năm nay, đoàn học sinh của Trường Mầm non Xuân Dương về Lam Kinh có 95 bạn nhỏ”.

Theo thống kê của Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh, trong số 29 vạn lượt khách trở về Lam Kinh năm 2023 và 9 vạn lượt khách trong quý 1 năm 2024, ước tính lượng khách là học sinh, sinh viên chiếm khoảng 1/3. Cùng với đó, cũng trong quý 1 năm 2024, Lam Kinh đã đón 1,1 nghìn du khách quốc tế.

Chị Lê Thị Dịu, hướng dẫn viên tại Khu di tích Lam Kinh, cho biết: “Trong hai năm gần đây, đối tượng khách là các bạn học sinh, sinh viên tăng cao. Trong đó có một phần không nhỏ là các đoàn đến từ các tỉnh, thành phố như Nghệ An, Hà Nội... Khi về tham quan di tích, các em rất say mê, hào hứng... Trong đó, có những trường học năm nào cũng đưa học sinh về đây. Các đoàn học sinh, sinh viên về với Lam Kinh tham quan, trải nghiệm từ đó giúp cho việc học lịch sử, tìm hiểu văn hóa của thầy và trò nhà trường hiệu quả hơn. Thái độ hào hứng, say mê của những người trẻ với các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh là sự động viên lớn đối với những người làm công tác hướng dẫn như chúng tôi”.

Lam Kinh đẹp. Vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, công trình kiến trúc và dấu ấn lịch sử - văn hóa, tất cả cùng “hòa quện” tạo nên sức hút riêng của Lam Kinh. Không gian di sản đậm nét đã đưa Lam Kinh trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình tìm hiểu, khám phá truyền thống, lịch sử văn hóa của du khách nói chung, bạn trẻ nói riêng.

Nhưng, xứ Thanh không chỉ có Lam Kinh. Một Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ sừng sững trước thời gian; đền Bà Triệu dưới chân núi Gai đại diện cho ý chí, sức mạnh chống ngoại xâm của Nhân dân ta; hay như đền thờ Lê Hoàn - ngôi đền thiêng thờ vị vua anh dũng “phá Tống bình Chiêm”; các di tích, địa điểm cách mạng... Mỗi di sản ví như “trang sử” đầy giá trị, là nguồn “tài nguyên” trực quan, đang góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]