Khi doanh nghiệp muốn “xanh”
Cùng hòa mình vào công cuộc xây dựng nền kinh tế xanh của cả nước, hướng đến việc phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp Thanh Hóa đã và đang “xanh” hóa bằng những giải pháp thiết thực, trong đó chìa khóa là thực hành tiết kiệm điện và tối ưu năng lượng sạch trong sản xuất.
90% máy móc, thiết bị tại Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa sử dụng biến tần tiết kiệm điện.
“Xanh” bằng sáng kiến khoa học - kỹ thuật
Theo ông Phùng Văn Quỳnh, Trưởng Phòng Kỹ thuật cơ điện, Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa thì tiết kiệm điện đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đó là tiết giảm chi phí sản xuất, vận hành, nâng cao khả năng cạnh tranh, năng lực ứng dụng công nghệ, cũng như uy tín thương hiệu trong bối cảnh sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đang trở thành tiêu chí trong cạnh tranh thương mại toàn cầu. Với nhiều doanh nghiệp việc tiết kiệm điện và tối ưu năng lượng sạch là giải pháp sống còn, cần phải làm ngay.
Việc tiết kiệm điện được triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao tại Công ty CP Bia Hà Nội - Thanh Hóa với những giải pháp, sáng kiến cải tiến khoa học - kỹ thuật của chính nhân viên công ty. Trong đó, cải tiến khoa học - kỹ thuật hệ thống tiết kiệm điện, sử dụng điện vào thời điểm thấp điểm làm nước 2 độ để hạ nhiệt, trở thành chìa khóa cho giải pháp tiết kiệm điện tại công ty. Nếu như trước đây hệ thống chạy vào giờ cao điểm thì nay hệ thống chuyển sang vận hành khung giờ từ 22h đêm đến 4h sáng hôm sau, với mức chi phí chỉ bằng 1/3 giá cao điểm và 1⁄2 giá thấp điểm. Đối với công ty sản xuất bia, đây là công đoạn “đốt” điện năng nhất, khi “ngốn” khoảng 30% năng lượng điện tiêu thụ của toàn công ty. Tuy nhiên, kể từ khi hệ thống được đưa vào vận hành từ tháng 10/2023, thì công ty đã giảm 10% lượng tiêu thụ điện năng vào giờ cao điểm. Được biết, đây là một sáng kiến khoa học - kỹ thuật mới, sáng tạo trong ngành sản xuất bia, đã và đang được các nhà máy bia trong cả nước đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng.
Thêm một sáng kiến khoa học - kỹ thuật chất lượng, giúp công ty giải bài toán khó về sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo và giúp tiết kiệm năng lượng. Theo đó, các kỹ thuật viên của công ty đã dày công nghiên cứu trong vòng 2 năm để hoàn thiện hệ thống thu hồi khí biogas dùng đốt lò hơi và sử dụng trong nấu ăn. Hệ thống này mới được hoàn thiện và đưa vào hoạt động từ năm 2023, cũng từ đó tiết kiệm nguồn nhiệt năng đốt lò hơi. Đồng thời, công ty không phải mua gas phục vụ nấu ăn.
Bên cạnh đó, các giải pháp tiết kiệm điện được công ty thực hiện đồng bộ, như sử dụng 100% đèn LED, đèn năng lượng mặt trời cho hệ thống chiếu sáng; 90% máy móc, thiết bị sử dụng biến tần tiết kiệm điện; tăng chiếu sáng tự nhiên để giảm chiếu sáng nhân tạo bằng đèn điện; tăng thông gió tự nhiên để giảm điện năng tiêu thụ cho quạt và điều hòa không khí; tăng cách nhiệt của tường và mái để hạn chế truyền bức xạ nhiệt từ ngoài vào nhà...
“Là một trong những doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Công ty luôn quan tâm, chú trọng tới các giải pháp tối ưu hóa hoạt động nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải tại nhà máy. Một trong những giải pháp quan trọng là khích lệ, động viên cán bộ, nhân viên đưa ra các giải pháp, sáng tiến cải tiến kỹ thuật trong lao động sản xuất, nhất là những giải pháp về tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa năng lượng sạch... Đây cũng là cách tuyên truyền hiệu quả và là hành động thiết thực nhất để mỗi cá nhân, doanh nghiệp chung tay tiết kiệm năng lượng”, ông Quỳnh cho biết thêm.
Đa dạng các giải pháp tiết kiệm
Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa đưa vào hoạt động nhà thùng mắm Lê Gia có diện tích trên 10.000m2 với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng. Nhà thùng gồm khu sản xuất, chế biến nước mắm, thực phẩm đóng hộp từ thủy sản và khu tham quan, trải nghiệm nghề mắm truyền thống. Ngay từ khi bắt đầu dự án, ông Lê Anh, giám đốc công ty đã lưu tâm đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải ra môi trường, xây dựng không gian xanh. Theo đó, nhà thùng được thiết kế theo hướng thân thiện với môi trường, khu bày bán và giới thiệu sản phẩm với những cửa sổ mở rộng đón gió biển và ánh sáng luôn tràn ngập. Khu tham quan, trải nghiệm được thiết kế độc đáo, đặc sắc với những căn nhà chòi được bao bọc bởi hàng cây xanh mát. Nguyên liệu lợp mái nhà chòi là cây guột, vừa thân thiện với môi trường vừa có khả năng bảo vệ công trình khỏi các tác động của môi trường. Khu sản xuất được công ty đầu tư hệ thống làm mát dạng quạt thông gió và làm mát bằng hơi nước, có hiệu suất làm mát cao, giúp hạn chế sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm, mang lại hiệu quả tích cực trong việc tiết kiệm điện năng và đảm bảo sức khỏe cho công nhân. Nhờ những thiết kế thân thiện này mà nhà thùng không phải sử dụng nhiều các bóng đèn, máy lạnh, quạt mát... điều này không những giúp công ty tiết kiệm điện năng mà vẫn mang lại cảm giác mát mẻ, thoải mái cho khách tham quan.
Khu tham quan, trải nghiệm nhà thùng mắm Lê Gia được thiết kế gần gũi, thân thiện với thiên nhiên.
Giải pháp tiết kiệm năng lượng được ông thực hiện với 100% hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, đèn LED; đầu tư máy móc, thiết bị tiết kiệm điện như bơm biến tần, cảm biến áp suất, thiết bị điện năng thông minh... Đặc biệt, hàng trăm cây xanh được đầu tư trồng xung quanh nhà thùng không những mang lại không gian xanh mát mà còn là hệ thống “điều hòa” tự nhiên, giảm bớt oi nóng và khí thải. Nhờ đó, chi phí thanh toán hằng tháng về tiêu thụ điện năng của công ty đã giảm. Theo ông Lê Anh, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm điện cụ thể, thiết thực thì doanh nghiệp nên triển khai các biện pháp lâu dài, bền vững đó là việc sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường để giảm phụ thuộc vào điện, sử dụng nguồn năng lượng sạch thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống... Đồng thời, xây dựng môi trường sống xanh, sạch trong doanh nghiệp để nâng cao ý thức tiết kiệm điện trong mỗi cán bộ, nhân viên.
Một số chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều cho rằng cao điểm nắng nóng, thiếu điện là điều không thể tránh khỏi, so với năm 2023 tình trạng thiếu điện năm nay đã giảm hẳn. Kết quả này là sự nỗ lực của ngành điện nói riêng và các ngành chức năng nói chung, do đó để giảm thiểu việc thiếu điện, doanh nghiệp đều nhận thấy vai trò và trách nhiệm của mình trong tiết kiệm điện. Theo đó, nhiều doanh nghiệp tính toán các giải pháp sử dụng điện hợp lý, như: sắp xếp lại sản xuất theo khung giờ thấp điểm, tận dụng ánh sáng và thông gió tự nhiên, lắp đặt công tắc riêng cho từng hệ thống đèn chiếu sáng hoặc từng khu vực để có thể chủ động tắt hoặc ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; tuyên truyền cho người lao động nâng cao ý thức trong sử dụng điện tiết kiệm, chuyển đổi dần các công nghệ thiết bị có tính năng tiết kiệm điện; đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời; thực hiện điều chỉnh phụ tải điện...
Thực hiện tốt các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng vừa giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, vừa giúp giảm phát thải CO2 ra môi trường. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chung tay đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Vân Anh
{name} - {time}
-
2024-11-23 15:59:00
“Nghiện” học, “nghiện” việc
-
2024-11-23 15:51:00
Người tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng tiên phong, tích cực
-
2024-07-13 06:55:00
Bản tin Tài chính ngày 13/7: Vàng tiếp đà tăng mạnh
Đẩy mạnh phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”
Vạt nắng sau mưa
Giá như bớt ồn áo
Bản tin Tài chính ngày 12/7: Giá vàng thế giới “phi mã”, trong nước vẫn ổn định
Tiết kiệm năng lượng – hình thành lối sống xanh: Câu chuyện tiết kiệm
Cẩn trọng khi mua thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng “online”
Tháng 7, đến mảnh đất anh hùng Quảng Trị để trải nghiệm và tri ân
[REVIEW OCOP] Gạo nếp hạt cau Mường Đủ - Hạt ngọc của vùng quê Thạch Thành
Bản tin Tài chính (11/7): Giá vàng và USD đồng loạt tăng nhẹ