(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong năm học 2023-2024, ngoài 5 đơn vị thực hiện thí điểm hoạt động giáo dục STEM, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa còn khuyến khích tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học (TH) trên địa bàn tỉnh bảo đảm các điều kiện tổ chức triển khai, thực hiện. Hoạt động này được thực hiện theo Công văn số 909/BGDĐT-GDTH ngày 8-3-2023 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục TH.

Khi giáo dục STEM vào lớp học

Trong năm học 2023-2024, ngoài 5 đơn vị thực hiện thí điểm hoạt động giáo dục STEM, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa còn khuyến khích tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học (TH) trên địa bàn tỉnh bảo đảm các điều kiện tổ chức triển khai, thực hiện. Hoạt động này được thực hiện theo Công văn số 909/BGDĐT-GDTH ngày 8-3-2023 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục TH.

Khi giáo dục STEM vào lớp họcSản phẩm STEM của học sinh Trường TH Ba Đình.

STEM là mô hình giáo dục theo cách tiếp cận liên môn. Thay vì học từng môn tách biệt, rời rạc, STEM tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, rèn luyện tư duy đa chiều, giúp trẻ tìm hiểu tường tận nguồn gốc của vấn đề bằng cảm nhận tai nghe, mắt thấy, tay làm.

Mang lại sự hào hứng cho cô và trò

5 đơn vị thí điểm gồm: TP Thanh Hóa, Quảng Xương, Thọ Xuân, Thạch Thành và Thường Xuân. Mỗi đơn vị cũng thực hiện thí điểm tại 5 trường TH.

Trường TH Tân Phong 2, một trong 5 trường được chọn thí điểm thực hiện hoạt động giáo dục STEM của huyện Quảng Xương. Mới đây, tại lớp 3A của nhà trường đã tổ chức thực hiện bài học STEM với chủ đề: Thực hành làm cây gia đình. Với kéo, thước, giấy, bút màu... và dưới sự hướng dẫn của cô giáo, những bạn nhỏ đã làm nên sản phẩm độc đáo. Cây gia đình mà ở đó có các thành viên: ông, bà, bố, mẹ... Ông biểu hiện hình vuông, bà hình tròn... Cây gia đình có sự tích hợp ứng dụng Toán học, Mỹ thuật..., đã mang lại sự hào hứng cho cả cô và trò. Hiệu trưởng Trường TH Tân Phong 2, cô giáo Kiều Ngọc Lan cho biết: “Giáo viên rất sẵn sàng đón nhận dạy học STEM như thực hiện dạy các môn học khác. Giáo viên thấy được vai trò, sự cần thiết của thực hiện dạy học STEM phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Còn học sinh hứng khởi, thích thú khi được học, được khám phá những điều mới lạ, được thể hiện niềm đam mê, khả năng sáng tạo với tâm thế thoải mái, sôi nổi qua bài học STEM. Một bộ phận phụ huynh đã tìm hiểu về dạy học Stem, đều thể hiện quan điểm đồng tình. Qua một số tiết dạy bài học STEM, phụ huynh đánh giá cao về hoạt động giáo dục này”.

Trường TH Ba Đình, là 1 trong 5 trường TH thực hiện thí điểm giáo dục STEM của TP Thanh Hóa. Tại đây, dù các lớp chưa đến lịch dạy bài học STEM nhưng theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường thì trước đó, học sinh đã có những trải nghiệm về STEM. “Trước khi đến với bài học STEM, học sinh đã được làm quen với hoạt động STEM. Mỗi lớp đều có một góc STEM, ở đó trưng bày sản phẩm của các em. Đó cũng là cách để học sinh rèn kỹ năng, tự tin khi đến với bài học STEM. Lâu nay, học lý thuyết là nhiều, bây giờ STEM định hướng cho các em về thực hành. Cả giáo viên và học sinh vô cùng hào hứng”, cô giáo Lê Thị Huyền cho biết.

Khi giáo dục STEM vào lớp họcBài học STEM với chủ đề: Thực hành làm cây gia đình, tạo hứng thú cho học sinh lớp 3A, Trường TH Tân Phong 2.

Đưa kiến thức từ sách vở ứng dụng vào cuộc sống. Mục đích của giáo dục STEM nhằm hỗ trợ, tăng cường giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán, Tin học và Nghệ thuật. Từ đó tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn cuộc sống. Một mô hình giáo dục đang có những tín hiệu tích cực mà theo nhìn nhận của những người trong nghề, sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

Sử dụng những vật liệu sẵn có

Giáo dục STEM đối với bậc TH, nhà trường, giáo viên được chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thời gian, môn học và hoạt động giáo dục. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tạo điều kiện về thời gian tổ chức thực hiện... Theo ông Viên Đình Huy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Xương, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số khó khăn. “Đây là một hoạt động mới được tiếp cận nên một số cán bộ quản lý, giáo viên còn bỡ ngỡ”. Ông nói. “Kỹ năng xây dựng chương trình môn học và hoạt động có tích hợp nội dung giáo dục còn có phần lúng túng. Học sinh ở một số vùng miền chưa mạnh dạn, tự tin, có phần hạn chế kỹ năng giao tiếp, tương tác trong làm việc nhóm...”.

Việc tổ chức thực hiện giáo dục STEM theo 3 hình thức, đó là: Bài học STEM; Hoạt động trải nghiệm STEM (Ngày hội STEM); Làm quen với nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Đối với dạy học các môn học theo bài học STEM, thiết bị cho bài học sử dụng là đồ dùng học tập của học sinh trong các môn học, hoạt động giáo dục, các vật tư, vật liệu dễ tìm, sẵn có đối với giáo viên và học sinh. Riêng với hoạt động trải nghiệm STEM, để tổ chức được lại liên quan đến vấn đề kinh phí. Nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Như, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa cho rằng: “Những khoản thu theo quy định đã có sẵn các mục, không có mục nào cho tổ chức hoạt động giáo dục STEM vì vậy không thể thu tiền phụ huynh. Vậy thì kinh phí bắt đầu từ đâu. Đó là một trong những băn khoăn của các nhà trường. Tôi ví dụ, như chủ đề Lễ hội trăng rằm cho ngày hội STEM. Ở đó, chính học sinh sẽ tự tay làm bánh nướng, bánh dẻo, mặt nạ... Để làm bánh nướng, bánh dẻo thì phải có bột, đường..., và những nguyên liệu này, hãy xem đó chính là đồ dùng học tập của học sinh. Phụ huynh sẽ đồng hành cùng con và chuẩn bị cho con những nguyên liệu này để con đến với ngày hội STEM”.

“Thực hiện tổ chức hoạt động giáo dục STEM đối với bậc TH trên địa bàn tỉnh, về cơ bản là thuận lợi. Cán bộ quản lý, giáo viên đã được tập huấn rất kỹ, các cơ sở giáo dục TH hào hứng ủng hộ. Hầu hết các trường đã tự nguyện triển khai, phụ huynh và học sinh đồng thuận. Tài liệu được Bộ GD&ĐT chia sẻ, giáo viên có nhiều thông tin để lựa chọn nội dung phù hợp với khối lớp, đối tượng học sinh của mình. Cơ bản các vật liệu sử dụng làm học liệu sẵn có, tận dụng. Từ năm học 2024-2025, sẽ triển khai thực hiện đến tất cả các cơ sở giáo dục TH trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm chất lượng và yêu cầu theo quy định (ông Hắc Xuân Phước, Phó trưởng phòng Giáo dục TH, Sở GD&ĐT Thanh Hóa).

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]