(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước năm 2019, chủ tịch hội khuyến học (HKH) xã nguyên là cán bộ xã, phường hoặc nguyên là cán bộ quản lý giáo dục ở cấp cơ sở. Ngày 12-12-2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 232/2019/NĐ-HĐND về quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chủ tịch hội đặc thù ở cấp xã. Theo đó, chủ tịch HKH xã hiện nay là công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách. Việc kiêm nhiệm đặt ra nhiều sự khó...

Khó cho chức danh chủ tịch hội khuyến học xã

Trước năm 2019, chủ tịch hội khuyến học (HKH) xã nguyên là cán bộ xã, phường hoặc nguyên là cán bộ quản lý giáo dục ở cấp cơ sở. Ngày 12-12-2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 232/2019/NĐ-HĐND về quy định chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chủ tịch hội đặc thù ở cấp xã. Theo đó, chủ tịch HKH xã hiện nay là công chức hoặc người hoạt động không chuyên trách. Việc kiêm nhiệm đặt ra nhiều sự khó...

Khó cho chức danh chủ tịch hội khuyến học xãHKH phường Hải An trao quà cho học sinh giỏi và học sinh nghèo vượt khó ở Trường THCS Hải An.

Chưa hết nhiệm kỳ, chức danh đã nhiều lần thay đổi

Tháng 4-2023, Ban Chấp hành HKH xã Điền Quang (Bá Thước) đã bầu bổ sung ban chấp hành và kiện toàn chức danh chủ tịch hội nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị đã bầu ông Hà Văn Quynh, 56 tuổi, cán bộ không chuyên trách văn hóa - xã hội - thông tin - truyền thông của xã giữ chức chủ tịch HKH xã. Ông Quynh là người thứ 3 làm Chủ tịch HKH xã Điền Quang sau khi thực hiện Nghị quyết 232, nghĩa là, dù chỉ mới hơn nửa nhiệm kỳ 2020-2025 nhưng HKH xã Điền Quang đã có 3 lần thay đổi chức danh chủ tịch HKH xã.

Trong câu chuyện cùng Bí thư Đảng ủy xã Điền Quang là ông Lê Thanh Hải mới thấy được sự trăn trở của vị lãnh đạo xã nhà. Sự thay đổi 3 lần chức danh chủ tịch HKH, tất nhiên đều có những nguyên do. Trước ông Quynh, xã đã lựa chọn, sắp xếp người không chuyên trách kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HKH xã. Tuy nhiên, từ người thứ nhất đến người thứ hai đều không thể gắn bó với công tác hội. Nguyên nhân sâu xa, do chế độ phụ cấp thấp nên họ đã không thể làm tròn 2 vai trong 1. Bí thư Lê Thanh Hải cho rằng, quan trọng vẫn là chế độ thù lao phù hợp để cán bộ yên tâm công tác. Ông nói: Với đồng chí Hà Văn Quynh, Chủ tịch HKH xã hiện tại, tổ chức nhận thấy sự tâm huyết và bản thân đồng chí cũng thấy phù hợp với công việc này nên đã sắp xếp để đồng chí vừa làm cán bộ văn hóa - xã hội - thông tin - truyền thông kiêm chức danh chủ tịch HKH xã. Dù mới đảm nhận nhiệm vụ nhưng rất mừng, đồng chí đã xốc lại hoạt động của hội...”.

Thực tế, từ sau Nghị quyết 232, không chỉ xã Điền Quang mà còn nhiều HKH các xã khác trên địa bàn huyện Bá Thước cũng có sự thay đổi nhiều lần về nhân sự dù chưa hết nhiệm kỳ. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, 21 xã đã thay 11 người cho chức danh chủ tịch HKH xã.

Mục tiêu và tinh thần chung của Nghị quyết 232 là nhằm góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở và giảm chi ngân sách Nhà nước. Nhưng cái khó của Nghị quyết 232 lại ở công tác nhân sự. Để thực hiện công tác kiêm nhiệm đối với chức danh chủ tịch HKH xã thì tìm được người đúng chuyên môn, độ tuổi là cả vấn đề. Không chỉ ở Bá Thước mà nhiều địa phương trong tỉnh cũng “bối rối” nên mới có chuyện, nhiệm kỳ chưa hết mà người đã nhiều lần thay đổi.

Gần 1 tháng trước, tại hội nghị bầu bổ sung ban chấp hành và kiện toàn chức danh chủ tịch HKH nhiệm kỳ 2020-2025, bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN phường Hải An (thị xã Nghi Sơn) được bầu làm chủ tịch HKH phường. Sau Nghị quyết 232 thì bà Hồng là người thứ 4 đảm nhận chức danh này. Nhận thêm nhiệm vụ, đặc biệt hơn là người thứ 4 làm chủ tịch HKH phường, theo chia sẻ của bà Lê Thị Hồng thì áp lực là điều không tránh khỏi. “Việc nhiều mà việc nào cũng phải hoàn thành, rất khó khăn. Nhưng tổ chức phân công thì trách nhiệm của người đảng viên là chấp hành. Kiêm nhiệm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Còn trường hợp không thể đảm nhận được thì phải có lý do chính đáng”.

Không chỉ phường Hải An, sau Nghị quyết 232, đến nay, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đã có 11/31 đơn vị thay đổi nhiều lần chức danh chủ tịch HKH xã.

Phong trào không đi xuống nhưng sức sống phong trào không được như trước đây

Trước năm 2019, khi chưa thực hiện Nghị quyết 232, chủ tịch HKH nguyên là cán bộ xã, phường hoặc nguyên là cán bộ quản lý giáo dục ở cấp cơ sở. Đây là những người có kinh nghiệm, hiểu biết về giáo dục nên họ làm tuyên truyền, vận động, triển khai các chủ trương về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thuận hơn. Hiện nay, cán bộ hội, phần lớn là những người trẻ, có sức khỏe, nhanh nhạy công nghệ thông tin nhưng sự hiểu biết về công tác giáo dục hạn chế, ít có kinh nghiệm...

Khó cho chức danh chủ tịch hội khuyến học xãÔng Hà Văn Quynh, người được bầu làm Chủ tịch HKH xã Điền Quang vào tháng 4-2023.

Qua thực tế ở nhiều địa phương, vì chưa từng trải, chưa có kinh nghiệm nên sự tham mưu cho cấp ủy, chính quyền là khó, đặc biệt trong xây dựng xã hội học tập. Nhận định của ông Phạm Văn Bầu, Chủ tịch HKH thị xã Nghi Sơn: “Chủ tịch HKH cấp xã bây giờ, chủ yếu là người trẻ. Về chuyên môn, sự tâm huyết, nhiệt tình với công tác hội, họ còn nhiều hạn chế, có đơn vị tổ chức tập huấn mà còn thấy khó khăn. Hơn nữa, phụ cấp thấp nên khó giữ chân họ”. Cũng theo ông Lê Huy Hoàng, Chủ tịch HKH huyện Bá Thước, cán bộ hội cấp xã nếu không có kinh nghiệm thì sẽ khó khăn về uy tín cảm hóa các lực lượng ngoài xã hội để xây dựng xã hội học tập. Kiêm nhiệm mà mức phụ cấp thấp thì ảnh hưởng đến đời sống, vì vậy cũng khó hoàn thành nhiệm vụ. Ông cho rằng: “Không thể trách móc mà phải thông cảm cho anh em ở cơ sở. Do đó, phải động viên, phải chấp nhận mặt khó chứ không thể máy móc, nguyên tắc quá. Về phía chủ tịch HKH xã phải tham mưu cho lãnh đạo địa phương mới ra được vấn đề, chờ chỉ việc là không được”.

Theo quy định trước đây, người hoạt động không chuyên trách kiêm nhiệm chức danh hội đặc thù thì được hưởng thêm 50% phụ cấp kiêm nhiệm. Tuy nhiên, theo Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10-6-2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, thì mức phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm (có hiệu lực từ ngày 1-8-2023).

Theo đó, người hoạt động không chuyên trách kiêm chủ tịch HKH xã sẽ được hưởng tổng trợ cấp khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đây là một tín hiệu vui, chia sẻ phần nào những khó khăn đối với người đảm nhận 2 vai trong 1. Ông Vương Văn Việt, Chủ tịch HKH tỉnh cho biết: “Chức danh chủ tịch HKH xã có sự thay đổi, không ổn định ảnh hưởng đến phong trào khuyến học, nguyên nhân chính vẫn là do mức phụ cấp chưa tương xứng. Phong trào không đi xuống nhưng sức sống phong trào không được như trước đây. Nghị định 33/2023/NĐ-CP mở ra nhiều hy vọng, khích lệ, động viên, góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học phát triển tốt hơn, đặc biệt trong xây dựng xã hội học tập”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]