(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành thắng lợi, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh và tinh thần quật khởi mạnh mẽ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành thắng lợi, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh và tinh thần quật khởi mạnh mẽ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhất tề đứng lên cùng nhân dân cả nước lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân.

Xây dựng lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền

Dưới ánh sáng Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941), Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Sau Hội nghị Tỉnh ủy tháng 5/1943, phong trào xây dựng Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở các phủ, huyện, thành phố phát triển mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang cũng được quan tâm xây dựng, các đội tự vệ chiến đấu được thành lập, các lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày được tổ chức liên tiếp ở các huyện như Nga Sơn, Thiệu Hóa...

Trên cơ sở xây dựng lực lượng cách mạng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã phát động phong trào đấu tranh vũ trang, bán vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị. Các cuộc đấu tranh diễn ra mạnh mẽ ở cả nông thôn và thành thị, thậm chí là ở cả nhà tù thực dân, trongđó tiêu biểu là cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân tổng Kim Khê (Đông Sơn), Bái Trạch (Hoằng Hóa) chống việc bắt phu bắt lính làm sân bay Lai Thành, đào sông Hồ Thượng, nhân dân Tổng Phù Chẩn (Thiệu Hóa) chống nhổ lúa, trồng lạc... phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân diễn ra ở Nhà máy Diêm Hàm Rồng đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện sinh hoạt... đồng bào thành phố Thanh Hóa đã tổ chức rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ và gia nhập Mặt trận Việt Minh. Các chiến sĩ cách mạng bị giam ở nhà lao Thanh Hóa tổ chức tuyệt thực, đưa ra các yêu sách đòi chính quyền thực dân phong kiến phải thực hiện. Không những thế, Tỉnh bộ Việt Minh còn ra Chỉ thị phá kho thóc của Nhật và tay sai chia cho dân nghèo... Tất cả đã tạo nên không khí cách mạng sôi sục trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, tuyên truyền đường lối của Đảng cộng sản Đông Dương, chính sách của Mặt trận Việt Minh... luôn được Tỉnh ủy coi trọng. Một trong những công cụ đấu tranh sắc bén nhất của lĩnh vực này là sách, báo. Ngoài các tờ báo của Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh, Thanh Hóa còn có tờ báo “Đuổi giặc nước” sau được đổi là báo “Khởi nghĩa” và tờbáo “Gái ra trận”. Cùng với báo chí, Chi Hội truyền bá chữ Quốc ngữ ở Thanh Hóa cũng được thành lập góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền giáo dục, khơi dậy tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh... đứng lên chống áp bức của thực dân phong kiến.

Công tác kiện toàn tổ chức Đảng, xây dựng và phát triển đội ngũ đảng viên được Tỉnh ủy quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo ra sự đồng thuận, thống nhất trong việc đề ra chủ trương, biện pháp và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

UBNDCM Lâm thời do đồng chí Lê Tất Đắc làm chủ tịch ra mắt tại thị xã Thanh Hoá ngày 23-8-1945. (Tranh tư liệu)

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trên cơ sở Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, lãnh đạo nhân dân thực hiện, đặc biệt là phong trào “Phá kho thóc để cứu đói”, “Sắm vũ khí tự trang bị”...

Ngoài việc sắm sửa vũ khí, lực lượng tự vệ chiến đấu ở nhiều nơi trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực, như đội tự vệ chiến đấu Lý Bôn (Yên Định) tổ chức diễn thuyết xung phong, công khai tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh ở chợ Bản, tạo sự hưởng ứng phong trào mạnh mẽ trên toàn huyện. Ngày 13/8/1945, Ban Việt Minh tổng Cự Lễ (Cẩm Thủy) đã chỉ đạo lực lượng tự vệ tập kích đồn điền Phúc Do, bắt cai xếp, đốc công, thu hồi ruộng đất và tài sản của đồn điền giao cho lực lượng cách mạng quản lý. Đặc biệt, là ở Hoằng Hóa, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chi bộ và Ban Mặt trận Việt Minh huyện đã biến cuộc chống khủng bố của địch vào hai khu vực: Đằng Trung (Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu) trở thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện vào ngày 24/7/1945.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, nhiều cán bộ thoát khỏi nhà tù đế quốc, nhanh chóng trở về địa phương tham gia phong trào cách mạng. Có thể nói đến giữa Tháng 8/1945, phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang trên đà phát triển đến tột cùng, toàn tỉnh sôi sục trong không khí cách mạng, sẵn sàng nổi dậy, nhanh chóng giành được chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh.

Khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa

Ngày 13/8/1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập Hội nghị mở rộng tại Mao Xá (nay là thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) để đề ra chủ trương, biện pháp thực hiện và phátđộng nhân dân trong tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền. Trong lúc đang họp, thì nhận được tin Nhật đầu hàng quân đồng minh vô điều kiện vào ngày 14/8/1945. Lúc này, tuy chưa nhận được Chỉ thị của Trung ương Đảng về phát động toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhưng Hội nghị đã nhận định: “Thời cơ Tổng khởi nghĩa đã đến, tình thế chuyển biến thuận lợi không thể ngồi chờ” và nêu chủ trương phát động toàn dân trong tỉnh giành chính quyền, đồng thời báo cáo tình hình, xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đảng. Hội nghị đã tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh; quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời cấp tỉnh gồm 7 đồng chí, do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đã chỉ định Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa và Chủ tịch Ủy ban lâm thời các huyện (trừ 6 châu miền núi). Hội nghị đã phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền, bằng hình thức đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, phương châm “đột kích bất ngờ, đánh nhanh, thắng nhanh”, ở đâu có điều kiện chín muồi khởi nghĩa trước, sau đó tập trung lực lượng hỗ trợ cho các nơi khác còn yếu.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, căn cứ tình hình thực tế của từng địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm to lớn, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa diễn ra và giành thắng lợi nhanh chóng, tính đến ngày 21/8 và chỉ sau 4 ngày phát động, thị xã Thanh Hóa, các huyện miền xuôi và hai huyện miền núi (Thạch Thành và Cẩm Thủy) đã khởi nghĩa giành chính quyền nhanh gọn, hạn chế được đổ máu, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, lập nên chính quyền dân chủ nhân dân.

Ngày 23/8/1945, tại Vườn hoa (thị xã Thanh Hóa), đã diễn ra một cuộc mít tinh chào đón chính quyền cách mạng. Tại buổi mít tinh, thay mặt Ủy ban cách mạng lâm thời, Chủ tịch Lê Tất Đắc đã đọc bản Tuyên ngôn của chính quyền cách mạng tỉnh, công bố chương trình hành động của Việt Minh và kêu gọi toàn dân đoàn kết chiến đấu bảo vệ và phát huy thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành thắng lợi, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh và tinh thần quật khởi mạnh mẽ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là điều kiện thuận lợi để chính quyền cách mạng tỉnh lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ xóa bỏ chính quyền thực dân, lập chính quyền cách mạng ở các châu huyện miền núi còn lại.

Lê Trí Duẩn


Lê Trí Duẩn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]