(vhds.baothanhhoa.vn) - Phong trào khởi nghiệp đã không còn xa lạ với thanh niên xứ Thanh khi ngày càng nhiều mô hình đổi mới sáng tạo do thanh niên làm chủ đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, với những thanh niên người dân tộc thiểu số, nhất là ở các huyện nghèo thì đây vẫn là “bài toán nan giải”.

Khởi nghiệp vùng đất khó: “Tứ bề” khó

Phong trào khởi nghiệp đã không còn xa lạ với thanh niên xứ Thanh khi ngày càng nhiều mô hình đổi mới sáng tạo do thanh niên làm chủ đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, với những thanh niên người dân tộc thiểu số, nhất là ở các huyện nghèo thì đây vẫn là “bài toán nan giải”.

Khởi nghiệp vùng đất khó: “Tứ bề” khóTrang trại gà của thanh niên Hà Văn Dũng.

HTX Hán - Sơn - Dương, từng là mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của thanh niên Lang Chánh. HTX được thành lập năm 2018 với nòng cốt là 3 thanh niên nhiệt huyết Phạm Hồng Sơn, Lương Văn Dương và Lê Văn Hán chăn nuôi gà lai chọi và gà ri lai. Xây dựng mô hình chăn nuôi, các thanh niên đã tự đi học tập kinh nghiệm, chọn giống gà phù hợp với khí hậu cũng như tự thiết kế, xây dựng chuồng trại đạt chuẩn. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào chăn nuôi, mô hình chăn nuôi gà nhanh chóng gặt hái thành công, trở thành mô hình kinh tế hiệu quả ở địa phương. Cao điểm, HTX thu hút được 10 thành viên với 10 trang trại gà ở các xã Giao Thiện, Giao An và thị trấn Lang Chánh.

Tuy nhiên, 2 năm đại dịch HTX rơi vào khó khăn. “Thị trường tiêu thụ bấp bênh, trong khi giá cả nguyên liệu đầu vào tăng vọt, giá bán không thể tăng, các hộ đã phải bù lỗ rất nhiều. Bù lỗ, các hộ không còn tiền đầu tư tái đàn, nhiều hộ buộc phải tạm dừng chăn nuôi”, anh Lương Văn Dương cho biết. Được biết, HTX đã phải giải tán từ năm 2020, nhiều hộ đã tạm dừng chăn nuôi, tìm hướng đi khác.

Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình, anh Lương Văn Dương, nói: “Thanh niên mới bắt đầu khởi nghiệp, nhất là thanh niên miền núi sẽ gặp nhiều khó khăn khi tất cả mọi thứ từ kiến thức đến kinh nghiệm đều phải tự tìm hiểu, nghiên cứu, tự tìm nguồn vốn, đầu ra cho sản phẩm của mình... Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn. Toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng không thể huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân mà chỉ có vay của người nhà, bạn bè. Việc có nguồn vốn hỗ trợ đủ khả năng xây dựng mô hình là rất khó, nhất là việc đầu tư theo hướng khoa học như hiện nay”.

Hiện tại, Lang Chánh không còn doanh nghiệp nào do thanh niên làm chủ. Mô hình khởi nghiệp chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa.

Anh Hà Văn Dũng, Phó Bí thư Đoàn xã Thành Sơn (huyện Bá Thước), sau khi tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đã trở về quê và mở gia trại chăn nuôi gà mía thuần Sơn Tây. Số tiền hỗ trợ sản xuất của hội phụ nữ và vay mượn từ người thân chỉ đủ xây dựng mô hình chăn nuôi nhỏ với quy mô 1.000 con. Thị trường tiêu thụ do anh tự tìm kiếm, liên kết. Đến nay, gia đình đã xuất được 3 lứa gà, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô gặp khó khăn lớn vì thiếu vốn và lo ngại thị trường tiêu thụ bấp bênh.

Anh Dũng chia sẻ: Thanh niên miền núi chủ yếu khởi nghiệp ở lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đây là thế mạnh của địa phương cũng là lĩnh vực thân thuộc với họ. Tuy nhiên, thanh niên lập nghiệp khi tuổi đời còn trẻ, hạn chế lớn nhất là tiềm lực kinh tế, trong khi xây dựng một mô hình phát triển kinh tế có quy mô cần nguồn vốn đầu tư lớn. Một số nguồn vốn có thể ưu tiên cho thanh niên khởi nghiệp lại có mức vay chỉ vài chục triệu, không giải quyết được những khó khăn; nguồn vốn lớn hơn thì khó tiếp cận do có nhiều vướng mắc trong thủ tục giải ngân, yêu cầu tài sản thế chấp, phân kỳ trả nợ ngắn... Với thanh niên miền núi mặc dù có lợi thế về quỹ đất nhưng để biến đất thành “bờ xôi ruộng mật” là cả một quá trình dài lâu và bền vốn.

Theo tìm hiểu, ở hầu hết các huyện nghèo lực lượng thanh niên đi làm ăn xa chiếm từ 60 – 70% tổng số thanh niên toàn huyện. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các phong trào đoàn của địa phương, trong đó có phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp. Đặc biệt, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong 2 năm khiến cho các mô hình khởi nghiệp nhỏ và vừa ở nhiều lĩnh vực phải phá sản hoặc tạm dừng hoạt động, chờ ổn định thị trường tiếp tục đầu tư lại. Tuy nhiên, khởi nghiệp lại với thanh niên các huyện nghèo không đơn giản chỉ là cần nguồn vốn lớn mà còn phải có ý chí, sự kiên trì và tinh thần kiên định vượt khó.

Anh Lê Minh Châu, Bí thư Huyện đoàn Lang Chánh khẳng định: “Với thanh niên huyện nghèo, việc đi làm ăn xa và xuất khẩu lao động là cơ hội để thoát nghèo. Sau khi đi xuất khẩu lao động, có số vốn nhất định nhiều bạn mới quay lại khởi nghiệp hoặc tự tạo cho mình một công việc ổn định. Việc biến “đất bạc” thành “ruộng mật” cần nguồn vốn lớn nhưng đi kèm là những rủi ro cao, khiến nhiều thanh niên ngại ngùng, chưa mạnh dạn. Mặt khác, một bộ phận thanh niên chưa tự chủ động tìm kiếm nguồn vốn vay mà có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, xây dựng mô hình thiếu sự sáng tạo, kiên trì dẫn đến thất bại. Thất bại của các mô hình cũng tác động không nhỏ đến tâm lý người đi sau, khiến nhiều thanh niên không chọn con đường khởi nghiệp mà lại “ly hương”.

Còn theo anh Hà Nam Thành, Bí thư Huyện đoàn Bá Thước, lý giải: “Hiện Bá Thước có 9 mô hình được hỗ trợ từ Quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Thanh Hóa, với tổng số tiền trên 406 triệu đồng, 2 mô hình được hỗ trợ Quỹ quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn, với tổng số tiền 55 triệu đồng, các mô hình ở quy mô vừa và nhỏ. Ở huyện miền núi, nhiều thanh niên có điều kiện về đất đai nhưng lại khó khăn trong việc tiếp xúc với các ý tưởng khởi nghiệp và định hướng sản xuất, kinh doanh. Nhiều bạn trẻ lúng túng trong việc lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp. Việc đầu tư sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi không thể theo lối truyền thống cũ mà áp dụng khoa học công nghệ, cơ sở vật chất đồng bộ, điều này đòi hỏi thanh niên phải có đủ kiến thức và đủ vốn”.

Với thanh niên miền núi, nhất là ở các huyện nghèo, khởi nghiệp chỉ đơn giản là để bản thân thanh niên có việc làm ổn định, thoát nghèo. Quan trọng nhất, chủ thể chính là thanh niên phải chủ động, tìm tòi, sáng tạo xây dựng mô hình, có như vậy họ mới có đủ bản lĩnh và kiến thức để vượt qua khó khăn.

Vân Anh - Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]