(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày tôi còn nhỏ cha luôn bảo bữa cơm phải đông đủ con cái và cha mẹ ăn mới ngon. Tùy thời điểm, công việc hay lý do nào đó khác thì mới được vắng. Rồi lớn lên, lập gia đình riêng, “bài học” ấy tôi càng thấy quý giá biết nhường nào. Bữa cơm gia đình, đó chính là không gian nuôi dưỡng và kết nối tình cảm gia đình. Ở đó gói gọn biết bao ký ức không phai nhạt trong tâm hồn mỗi người từng đoạn đời, độ tuổi...

Không gian nuôi dưỡng tình cảm gia đình

Ngày tôi còn nhỏ cha luôn bảo bữa cơm phải đông đủ con cái và cha mẹ ăn mới ngon. Tùy thời điểm, công việc hay lý do nào đó khác thì mới được vắng. Rồi lớn lên, lập gia đình riêng, “bài học” ấy tôi càng thấy quý giá biết nhường nào. Bữa cơm gia đình, đó chính là không gian nuôi dưỡng và kết nối tình cảm gia đình. Ở đó gói gọn biết bao ký ức không phai nhạt trong tâm hồn mỗi người từng đoạn đời, độ tuổi...

Không gian nuôi dưỡng tình cảm gia đìnhBữa cơm gia đình đầm ấm. (Ảnh minh họa)

Mỗi một đời người, từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, sự cảm nhận về bữa cơm gia đình với mỗi người, mỗi thời khắc lại khác nhau. Song, đó luôn là những kỷ niệm đáng nhớ nhất. Gia đình là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người. Nơi ấy ai cũng được quan tâm, che chở từ vòng tay của ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, vợ chồng và bữa cơm gia đình là “nhân chứng" sự đoàn tụ yêu thương trọn vẹn ý nghĩa nhất. Riêng tôi, sự cảm nhận “không gì ngon bằng cơm mẹ nấu” cứ lớn dần trong tâm khảm, chợt vỡ òa với ký ức ngọt ngào của một thời gian khó. Quá nửa đời người, nhớ lại càng thấy lòng rưng rưng một nỗi niềm...

Bữa cơm ngày ấy, thời bao cấp khó khăn đạm bạc làm sao. Nhưng bữa cơm mẹ nấu là bữa cơm của tình yêu thương, của những chắt chiu, san sẻ mà mẹ dành dụm để nuôi anh chị em tôi nên người. Mẹ lui cui với bếp lửa, với ngọn đèn dầu leo lét mỗi sớm tối, với làn khói xám từ mái bếp mỗi chiều. Thức ăn cũng đơn giản, buổi sáng mẹ đi chợ bán những mớ rau, trái trong vườn để mua về vài ba con cá nhỏ. Đến giờ, những bữa cơm gia đình vẫn vẹn nguyên trong ký ức. Mẹ là người khéo tay, khéo tính toán nên mùa nào thức nấy. Cứ thế vần xoay theo mùa, nhưng sao không ngán, mà ngon chi lạ. Sự háo hức hít hà của mấy chị em tôi hồi nhỏ khi mẹ bưng mâm cơm ra, cả cha, mẹ và các con đều vui lắm. Bữa cơm đạm bạc nhưng đông đủ con cái, chuyện trò rôm rả, cha mẹ hỏi han và dặn dò chị em tôi đủ thứ chuyện. Vui nhất vẫn là bữa cơm tối, cả nhà xúm xít nhau quanh chiếc đèn dầu. Những bữa cơm gia đình ngày ấy lúc nào cũng thật ngon, thật vui...

Giờ đây các loại cơm văn phòng, cơm siêu thị, cơm hàng và cả những bữa tiệc tùng đã trở nên thường xuyên với nhiều người, nhưng ngôi nhà và bữa cơm gia đình vẫn muôn đời là nơi gửi gắm yêu thương của mỗi thành viên gia đình.

Với gia đình “lớn” của tôi, mỗi lần đến ngày giỗ mẹ và giỗ cha là sự trở về thật sự thiêng liêng nhất của chị em tôi. Mâm cơm cúng bao giờ cũng tự tay chị em tôi làm, không quên các món ăn mà mẹ đã nấu cho cả nhà ăn và nuôi nấng chúng tôi nên người. Những câu chuyện, kỷ niệm được nhắc lại, như có cha, có mẹ luôn ở bên. Nguyên vẹn những ngọt ngào của tình thương yêu cha mẹ dành cho con cái. Bữa cơm gia đình, ấy là ấm áp yêu thương. Dù làm gì, đi đâu, rồi ai nấy cũng về với gia đình “nhỏ” của mình, bận bịu với công việc thường nhật. Những lời hỏi thăm khi gặp gỡ, hay qua điện thoại, zalo, facebook cũng trao nhau những hình ảnh về bữa cơm gia đình, về vạt rau tự trồng, món ăn tự nấu. Thời buổi bây giờ “ship” thức ăn là nhanh hơn nấu, nhưng có lẽ rồi ai cũng muốn được mẹ nấu cho ăn, được cha bảo ban bằng những câu chuyện nhẹ nhàng nhưng tràn ngập ý nghĩa. Ai rồi cũng “cần” những bữa cơm gia đình, thời gian được sum họp để lắng nghe, chia sẻ, để biết yêu thương nhiều hơn.

Hồ Thu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]