(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau Cách mạng Tháng Tám là ròng rã những năm tháng chiến đấu bảo vệ nền độc lập toàn vẹn... Để đi đến ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, biên cương vững bền là biết bao máu xương của lớp lớp cha ông đã ngã xuống, thấm vào đất mẹ, để hai tiếng hòa bình được viết lên trọn vẹn. Tháng bảy với kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ như một sự nhắc nhớ mỗi người Việt về lòng tự hào và biết ơn.

Khúc tráng ca tháng bảy

Sau Cách mạng Tháng Tám là ròng rã những năm tháng chiến đấu bảo vệ nền độc lập toàn vẹn... Để đi đến ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, biên cương vững bền là biết bao máu xương của lớp lớp cha ông đã ngã xuống, thấm vào đất mẹ, để hai tiếng hòa bình được viết lên trọn vẹn. Tháng bảy với kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ như một sự nhắc nhớ mỗi người Việt về lòng tự hào và biết ơn.

Khúc tráng ca tháng bảy

Những cống hiến, hy sinh của các thương binh - liệt sĩ trong những cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc luôn được hậu thế nhắc nhớ, tri ân.

1. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, những tưởng toàn dân tộc Việt Nam có thể toàn tâm dốc sức cho việc kiến thiết, xây dựng đất nước. Vậy nhưng, lợi dụng chính quyền cách mạng còn non trẻ, thực dân Pháp thực hiện mưu đồ cướp nước ta thêm một lần nữa. Không để thành quả cách mạng bị dã tâm kẻ xâm lược chiếm đoạt, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, để bảo vệ non sông gấm vóc của tiên tổ, chấp nhận đổ máu, chấp nhận hy sinh. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn đã được thành lập nhằm góp phần xoa dịu, bù đắp những mất mát, hy sinh của các chiến sĩ. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh là hội trưởng danh dự.

Trước mưu đồ và những hành động đánh phá trắng trợn của thực dân Pháp, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, chống lại thực dân xâm lược. Lời Người như lời hiệu triệu của non sông: “... Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước... Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước...”. Từ thủ đô Hà Nội, kháng chiến đã lan rộng ra nhiều địa phương trong cả nước.

Để bảo vệ đất nước, số người bị thương vong cũng tăng lên mỗi ngày nhiều hơn. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự giúp đỡ, hỗ trợ những thương binh, gia đình tử sĩ... Và ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ - khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với thương, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Đến tháng 6/1947, trong một hội nghị của Trung ương tại Đại Từ đã bàn bạc chọn một ngày làm ngày thương binh - liệt sĩ. Sau khi họp bàn, các đại biểu đã thống nhất chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ - kết thúc 9 năm kháng chiến vệ quốc trường kỳ của dân tộc Việt Nam, năm 1955, Đảng và Nhà nước đã quyết định đổi ngày thương binh toàn quốc thành ngày thương binh - liệt sĩ. Và sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ của cả nước.

Tính từ năm 1947 - khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ đến hôm nay, đi qua những cuộc chiến vệ quốc của dân tộc, qua những biến động, thay đổi... đã 78 năm ra đời ngày thương binh - liệt sĩ. Là từng ấy thời gian, mỗi người dân Việt Nam đều hiểu rằng, để có độc lập vẹn toàn như hôm nay, là máu xương của ông cha - những thương binh, liệt sĩ đã đổ xuống, thấm đẫm vào lòng đất mẹ... Những mất mát, hy sinh thực sự “khó nói hết bằng lời”.

2. Ai đã một lần ghé thăm Thành cổ Quảng Trị, nơi diễn ra bản hùng ca bất tử 81 ngày đêm - khẳng định cho tinh thần, ý chí chiến đấu sắt đá của dân tộc Việt Nam, có lẽ sẽ đều không giấu được xúc cảm thổn thức rưng rưng. Nếu nói, Thành cổ Quảng Trị là nơi chứng kiến những gì tàn khốc nhất của chiến tranh, có lẽ cũng không quá lời.

Khúc tráng ca tháng bảy

Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 là nơi diễn ra cuộc quyết chiến khốc liệt của quân và dân ta với kẻ xâm lược.

Trong 81 ngày đêm năm 1972, biết bao sinh mệnh, máu xương của các chiến sĩ đã đổ xuống vùng bên sông Thạch Hãn. Những người lính tuổi đời còn rất trẻ, vì tình yêu, trách nhiệm với quê hương, đất nước, họ đã ra đi “không tiếc đời mình”, để cầm súng chiến đấu và chấp nhận hy sinh.

Thành cổ Quảng Trị năm 1972, trong suốt 81 ngày đêm “đỏ lửa” ấy, ước tính đã phải gánh chịu đến 328.000 tấn bom đạn do kẻ địch ném xuống. Người ta cũng ước tính, mỗi mét vuông Thành cổ đã phải hứng chịu hơn 400 quả bom và đạn pháo cày xới. “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta dành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”.

Dẫu vậy, phía sau những tự hào thì còn đó cả những ngậm ngùi khó nói hết. Bởi, ai cũng chỉ một lần sống trên đời, sinh mệnh thực sự đáng trân quý. Nhưng vì Tổ quốc, họ đã sẵn sàng hiến dâng tất cả. Như những lời tâm tình trong bài thơ “Khúc bảy” của Thanh Thảo: “... Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”.

Cũng như những miền quê trên dải đất hình chữ S thân thương của quê hương Việt Nam, đi qua chiến tranh, sau những đau thương, Thành cổ Quảng Trị hôm nay cũng đã bình yên trở lại. Cỏ xanh đã mọc, dòng sông Thạch Hãn cũng đã lặng lẽ trở lại... Nhưng hôm qua, hôm nay và cả ngày mai, chúng ta vẫn sẽ không quên được, dưới mỗi nhành cây, ngọn cỏ, dưới mỗi tấc đất ấy, là xương máu tiền nhân. Như lời “nhắn nhủ” của cựu chiến binh Phạm Đình Lân đến mọi người khi ghé thăm Thành cổ Quảng Trị: “... Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”.

... Trong dặm dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, đi qua những năm tháng vệ quốc vĩ đại, đâu chỉ có Thành cổ Quảng Trị, ở mọi miền Tổ quốc, có nơi đâu không thấm đẫm máu đào của biết bao thế hệ ông cha. Vì Tổ quốc, những thế hệ người Việt sẵn sàng hiến dâng xương máu bản thân, để hòa bình - độc lập được giữ cho toàn vẹn. Nhắc nhớ để mỗi người thêm những tự hào, trân trọng và biết ơn.

Trên toàn quốc đến nay xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ; gần 500.000 thân nhân liệt sĩ; hơn 117.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 600.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh... Hiện cả nước có khoảng 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]