(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở miền Tây xứ Thanh chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về những tấm thổ cẩm của đồng bào. Không chỉ dệt hoa văn, người dân nơi đây còn dệt cả những câu chuyện bình dị, ẩn chứa bao giá trị nhân sinh...

Khung dệt mùa thu

Ở miền Tây xứ Thanh chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về những tấm thổ cẩm của đồng bào. Không chỉ dệt hoa văn, người dân nơi đây còn dệt cả những câu chuyện bình dị, ẩn chứa bao giá trị nhân sinh...

Khung dệt mùa thuBà Lương Thị Nhã dạy nghề cho con cháu.

Vạn vật trên váy áo người phụ nữ

Cái nắng ngọt của mùa thu phủ đầy lên những rặng núi cao của các bản, làng xã Nam Xuân (Quan Hóa). Bản Bút nhỏ xinh xắn nằm lọt trong “chiếc nôi khổng lồ” của núi rừng trùng điệp. Bên hiên ngôi nhà sàn, bà Lương Thị Nhã (73 tuổi) với những hàng chỉ màu xanh, màu trắng, đang truyền dạy cho con cháu nghề dệt vải truyền thống của dân bản.

Bà Nhã kể: “Thời của bà, nếu không muốn ế chồng thì tập dệt chăn thổ cẩm. Nhìn vào tay nghề của người dệt, người ta chọn dâu cho gia đình. Bởi thế, con gái Thái lên 8, 9 tuổi đã bắt đầu đi nhặt bông trên nương, kéo sợi thành thạo. Bà dạy cháu, mẹ dạy con, chị dạy em... cứ thế phụ nữ Thái lớn lên bên khung dệt”.

Trong ký ức của bà vẫn còn hiện lên hình ảnh ngày theo mẹ gieo hạt bông, chờ quả chín, thu hoạch về se sợi, nhuộm màu rồi đưa lên khung dệt. Tất cả công đoạn này tuy nhọc nhằn nhưng luôn chứa đựng một niềm vui bất tận, khó diễn đạt thành lời.

Như một mạch nguồn chảy mãi, con gái bà Nhã là chị Hà Thị Chuyên yêu chiếc khung cửi từ lúc nào không hay.

Khung dệt mùa thuNhững người phụ nữ Thái chia sẻ tìm hướng ra cho sản phẩm thổ cẩm.

“Mỗi lần mẹ dệt, chúng tôi chơi quanh khung cửi, trộm chỉ dệt của mẹ để làm vòng đeo tay, dây cột tóc. Khung dệt là tuổi thơ của chúng tôi. Lớn lên, khi biết đó là một nét văn hóa của dân tộc mình, tôi càng yêu cái nghề này”, chị Chuyên nói và ngước nhìn mẹ.

Lúc ấy, tôi bỗng thấy trong đôi môi mắt mang dấu vết thời gian của bà Nhã ánh lên sự tự hào và tràn đầy yêu thương. Được biết, con gái và 3 người con dâu của bà đều là những tay dệt cứng của bản. Và nay, những đứa cháu thế hệ 2000 cũng đã bắt đầu ngấm dần tình yêu với thổ cẩm một cách tự nhiên.

Cô gái Thái như con tằm cần mẫn nhả tơ, đôi chân trần nhấn lên, nhấn xuống hai thanh gỗ nhỏ đều đặn, nhịp nhàng; đôi bàn tay trắng trẻo nhẹ nhàng, thoăn thoắt trong vòng vây của những sợi chỉ nhiều màu, nhưng vẫn vuông, tròn đều đặn. Hẳn là các cô gái đang dệt bằng những trái tim mong ước, mỗi bông hoa, chiếc lá là tình yêu của những đôi trai gái đang đợi ngày hẹn ước; là niềm vui của cụ già trong ngày mừng thọ và tấm chăn của đứa trẻ trong ngày đầy tháng. Tấm vải như chứa đựng lòng biết ơn với tổ tiên đã sinh thành và cũng đẹp như tâm hồn trong trẻo của những người con gái Thái nơi đây. Bà Nhã tiết lộ: “Nếu là người tinh ý, mình chỉ cần nhìn màu sắc, hoa văn sẽ biết tâm tư tình cảm của người làm ra nó. Ví dụ như nhìn mặt chăn, cạp váy... sẽ biết người đó đang nghĩ tới ai, đang mong mỏi việc gì. Vì tất cả nó sẽ hiện lên trong từng hoa văn, đường nét của mỗi thớ vải được tạo hình”.

Đánh thức khung cửi

Mỗi chúng tôi đều chọn cho mình một tấm thổ cẩm yêu thích để làm kỷ niệm. Nhưng phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, sản phẩm dệt của bà con bền và ý nghĩa, nhưng có giá rất cao. Có lẽ vì thế, sản phẩm dệt thổ cẩm khó phát triển. Một thời gian dài những khung cửi thưa tiếng, những bản, làng miền núi vắng bóng sắc màu áo váy thổ cẩm.

Khung dệt mùa thuThổ cẩm là vẻ đẹp lao động của người phụ nữ Thái.

Sống giữa thổ cẩm, yêu thổ cẩm đến cháy lòng nên chị Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân luôn đau đáu nỗi niềm làm thế nào để đưa thổ cẩm truyền thống của quê hương tiếp cận với nhiều thị trường, tạo đầu ra bền vững cũng như duy trì thu nhập ổn định cho bà con.

“Xã Nam Xuân vẫn còn 65 khung cửi và hơn 200 chị em biết dệt, thêu, tập trung nhiều ở bản Bút. Hiện nay, nhóm dệt thổ cẩm bản Bút gồm 20 hộ gia đình. Với người dân nơi đây, việc giữ nghề truyền thống không đơn giản chỉ là câu chuyện mưu sinh. Đó dường như còn là sự ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của quê hương”, chị Nhị chia sẻ.

Điều khiến những người yêu và giữ nghề truyền thống trăn trở là phần lớn các loại nguyên liệu để dệt đều phải thay thế bằng sợi hoặc len công nghiệp. Bởi hiện nay, trên địa bàn xã không còn những cánh đồng trồng bông.

Khung dệt mùa thuThổ cẩm là vẻ đẹp lao động của người phụ nữ Thái.

Sợi mua từ chợ về dệt rất khó bắt màu nhuộm, rất khác sợi xe từ bông do gia đình tự trồng trước đây. Sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, ngày công thấp... Vì thế, để đa dạng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, ngoài những váy, áo truyền thống, chị Nhị định hướng cho bà con dệt, thêu thêm túi xách, ví cầm tay, thú bông, vỏ gối, khăn quàng cổ, khăn trải bàn...

Nhận thấy sự phát triển của mạng xã hội, thay vì sản xuất và chờ đợi du khách đến du lịch, mua thổ cẩm như trước đây, chị mạnh dạn đi đầu trong việc quảng bá các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo... Đây là bước đi ngắn nhất trong việc đưa sản phẩm thổ cẩm tiếp cận gần hơn với khách hàng. Chưa dừng lại ở đó, khi có các hội chợ kết nối cung cầu, các triển lãm về thổ cẩm, trang phục đồng bào các dân tộc, chị đều chủ động xin tham gia, đưa các sản phẩm thổ cẩm của địa phương mình giới thiệu với bạn bè trong và ngoài tỉnh.

Chị chia sẻ: “Ước mong lớn nhất của tôi là nghề thổ cẩm của địa phương được mọi người biết đến nhiều hơn nữa, để có thể tạo việc làm, thu nhập ổn định cho bà con. Ngoài ra, nếu nghề phát triển ổn định sẽ góp phần giữ được con em ở quê để bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống của cha ông, vì hiện nay nhiều bạn trẻ đã rời quê hương, người làm nghề hầu hết chỉ là bậc trung niên, phụ lão"...

Xã Nam Xuân phấn đấu đến năm 2025 bản Bút đạt 45 - 50% thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm; hằng năm giải quyết thêm từ 50 - 100 lao động có việc làm ổn định... Điều này sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch kết hợp làm kinh tế cho người dân ở bản Bút.

Khung dệt mùa thuNhững sản phẩm mang hơi hướng hiện đại của thổ cẩm.

“Để thổ cẩm “tươi màu” trở lại chắc chắn rất cần sự nỗ lực của người dân và chính quyền các cấp thông qua chính sách hỗ trợ về vốn, trang thiết bị phục vụ sản xuất..., xây dựng được thương hiệu làng nghề gắn với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch. Từ đó, loại sản phẩm đặc biệt này mới có đủ điều kiện để “đón khách”, chị Nhị cho biết thêm.

Được biết, để bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, huyện Quan Hóa đã có kế hoạch lưu giữ, khôi phục nghề trồng bông. Cùng với đó, huyện có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ làm nghề dệt thủ công truyền thống kết hợp sử dụng máy dệt trong sản xuất để bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Dẫu thời hoàng kim nhà nhà dệt thổ cẩm không còn và nhiều khó khăn để duy trì nghề truyền thống, nhưng với những tín hiệu hồi sinh dệt thổ cẩm bằng máy đầy hứa hẹn, nghề dệt thổ cẩm sẽ không bao giờ lụi tàn, bởi nó không chỉ đơn thuần là sản xuất kinh tế, làm trang phục hàng ngày, mà cao hơn đó là cốt cách, tâm hồn, tập quán và nét văn hóa đặc sắc của vùng núi rừng nơi miền Tây xứ Thanh.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]