(vhds.baothanhhoa.vn) - Bức thư đầu tiên, bức thư duy nhất và cũng là bức thư cuối cùng của ông nội gửi từ chiến trường về cho bà nội tôi. Ngày viết trong thư là trước Tết Mậu Thân nhưng mãi đến cuối năm bảy mươi mốt thư mới về đến nhà. Sau đó một năm thì nội nhận được giấy báo tử của ông. Bức thư là kỷ vật duy nhất còn lại của người chồng liệt sĩ mà nội còn giữ được. 

Kỷ vật duy nhất

Bức thư đầu tiên, bức thư duy nhất và cũng là bức thư cuối cùng của ông nội gửi từ chiến trường về cho bà nội tôi. Ngày viết trong thư là trước Tết Mậu Thân nhưng mãi đến cuối năm bảy mươi mốt thư mới về đến nhà. Sau đó một năm thì nội nhận được giấy báo tử của ông. Bức thư là kỷ vật duy nhất còn lại của người chồng liệt sĩ mà nội còn giữ được.

Kỷ vật duy nhất

(Ảnh minh hoạ)

Giờ đây, bức thư không còn rõ chữ nữa, mực đã nhòe trên nền giấy cũ kỹ phai màu. Từ ngày nhận giấy báo tử của ông, bà nội giấu nước mắt mà đem bức thư lót dưới chân bát hương trên ban thờ. Ông bà cưới nhau vào cái thời khó khăn, túng thiếu, nên chẳng va li, chẳng tủ, chẳng giường, chẳng hoa tai, nhẫn cưới, cũng chẳng có bức ảnh nào.

Tuy bức thư đã nhòe mực không còn đọc được, nhưng nội đã thuộc lòng từng câu chữ trong đó. Ông viết cả trang giấy nhưng nội chỉ đọc cho chúng tôi nghe hai câu với ý là thông báo tình hình của ông trong mặt trận Khánh Hòa và việc đặt tên cho chú hai. Phần còn lại nội giữ ở trong lòng, mỗi khi đến ngày giỗ ông, nội lại ngồi lẩm nhẩm và sụt sùi. Giấy báo tử ghi ông mất ngày hai mươi bảy tháng bảy, nhưng những người đi lính cùng ông kể lại ông mất trước đó một thời gian không xác định. Nên nội cũng lấy ngày giỗ ông cùng với ngày giỗ chung của làng là ngày hai mươi bảy tháng bảy. Làng tôi khi ấy đi lính nhiều, có đến gần hai trăm liệt sĩ, chỉ quá nửa số đó có hài cốt, phần còn lại đều là mộ gió.

Ông mất trong lần quân địch rải bom. Toàn bộ tiểu đội của ông không ai trở về. Đồng đội chỉ lấy đất thấm máu nơi đó để lập mộ. Bố và chú tôi đã nhiều lần vào các nghĩa trang phía Nam đi tìm nhưng không được như ý nguyện của bà nội. Chỉ có một ngôi mộ gió trong nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Khánh Hòa khắc ghi tên ông. Những người có trách nhiệm ở đây họ cũng trả lời như đồng đội của ông năm xưa, rằng trong mộ chỉ có nắm đất nơi đơn vị ông đóng quân, bom rải thảm cày nát, mất lối cả một vùng rộng lớn.

Bố tôi muốn lấy bức thư ép platic đóng khung để thay cho ảnh thờ nhưng nội không đồng ý. Nội nói người còn chẳng thấy đâu nữa là thư với từ. Nội kể tôi nghe trong tủi hờn, ngày ông đi chiến trường, ông đã hứa với nội sẽ về để cùng nhau nuôi bố với chú tôi khôn lớn. Thế mà ông đi miết để mình nội còm cõi nuôi con vất vả, mòn mỏi đợi chờ. Có lẽ, trong bức thư ông viết, phần mà nội không đọc cho chúng tôi nghe, ông đã nhắc đến lời hứa ngày về.

Bức thư nội vẫn để lót chân bát hương. Những ngày giỗ ông, nội vẫn mang ra xem rồi ngồi lẩm nhẩm một mình mà khóc, nội ngồi thẫn thờ một lúc lâu rồi lại cẩn thận gói ghém để vào chỗ cũ. Bức thư có lời gửi gắm của ông và thấm nhiều nước mắt của nội.

Lại một năm nữa tôi không trở về quê thắp nén tâm nhang tới ông cùng bà nội. Nơi phương xa, khoé mắt cay xè nhớ đôi bàn tay già nua run run của nội cầm bức thư cũ bạc màu.

Hà Hải


Hà Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]