Kỳ vọng bản Khạn
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, thông qua nhiều chương trình, dự án, bộ mặt nông thôn ở bản Khạn, xã Trung Thượng (Quan Sơn) có nhiều khởi sắc. Bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo.
Con trẻ trong bản được đến trường, đi học đầy đủ ở các bậc học.
Bản nghèo vượt khó
Cách đây chừng 10 năm về trước, con đường về bản Khạn gian nan, bởi địa hình đồi núi chia cắt... là trở ngại không nhỏ để bà con giao lưu, buôn bán hàng hóa với các bản, xã khác trong huyện. Sự học của con trẻ vì vậy cũng trở nên khó khăn hơn. Tiếp chúng tôi, trưởng bản Vi Văn Lợi cho biết: Thời đó, nơi đây nghèo lắm, cái đói cộng thêm không điện, không đường, không nước sinh hoạt, chủ yếu là “tự cung tự cấp", sản xuất manh mún, lạc hậu với ít lúa, ngô, sắn nên nhiều nhà không còn cái ăn mùa giáp hạt, cuộc sống luôn chật vật, thiếu thốn đủ bề...
Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và của tỉnh, bản Khạn đã có nhiều đổi khác, hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, người dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mỗi năm, bà con còn được hỗ trợ về cây, con giống, phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cả bản có 54 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mô hình trồng lúa, vầu, luồng, quế, chăn nuôi trâu, bò, đào ao nuôi cá... với tổng dư nợ hơn 3,3 tỷ đồng. Nông sản làm ra được hộ dân trong bản trực tiếp thu mua nên bà con yên tâm đầu ra, chất lượng cuộc sống được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, trẻ em được đến trường học đầy đủ.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình ông Lữ Văn Chanh, bản Khạn đã vươn lên thoát nghèo.
Trước đây, như bao hộ dân khác trong bản, gia đình ông Lữ Văn Chanh (70 tuổi, dân tộc Thái) thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu sống dựa vào nghề nông, chăn nuôi nhỏ lẻ, kinh tế bấp bênh, bữa đói bữa no. Với ý tưởng muốn thoát khỏi khó khăn thì phải đổi mới cung cách làm ăn. Năm 2022, ông mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Hiện nay, ngoài duy trì 2 ao nuôi cá trắm, nuôi bò sinh sản, ông còn trồng thêm luồng, vầu, lúa. Năm vừa rồi, trừ chi phí, gia đình đã có tổng thu nhập trên 150 triệu đồng, cuộc sống dần khấm khá...
Chờ mong con đường mở hướng tương lai
Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, bà con có điều kiện tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng, hạ tầng cơ sở được quan tâm, đầu tư, nhưng do đặc thù là vùng núi cao, các hộ dân thiếu nước sinh hoạt phải tận dụng nguồn nước mó, khe suối để dùng do một số công trình nước sinh hoạt tập trung Nhà nước xây dựng từ lâu, nay không sử dụng được. Tuy nhiên, điều mong mỏi lớn nhất của 66 hộ dân bản Khạn là con đường nối trung tâm bản ra đường lớn sớm được triển khai xây dựng.
Qua tìm hiểu, con đường từ bản Khạn nối ra đường thoát nạn của huyện Quan Sơn có chiều dài gần 4km, là tuyến giao thông huyết mạch để đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản. Trước kia, chỉ là con đường đất do dân tự mở, sau này được chính quyền địa phương tu sửa, nâng cấp nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngày mưa đường trơn trượt, chi chít những vũng lầy, kết hợp nhiều đoạn cua, dốc nên người dân thường hạn chế qua lại, giao thương bị đình trệ, hàng hóa làm ra không bán được giá... Nhà nào có người ốm đau, bệnh tật muốn xuống trung tâm xã phải di chuyển rất khó khăn, thậm chí phải khiêng bằng cáng.
Con đường vào bản Khạn, xã Trung Thượng trở nên xa xôi, vất vả hơn vào mùa mưa.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Thượng hiện có 21 học sinh bản Khạn đang theo học, trước đây điều kiện kinh tế các hộ còn khó khăn, thêm vì đường sá đi lại vất vả, tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều. Từ khi Nhà nước quan tâm, nâng cấp tuyến đường trung tâm của bản, con em đi học đỡ vất vả. Tuy nhiên, theo chia sẻ của thầy Lương Minh Thắng, hiệu trưởng nhà trường, việc đường sá hư hỏng, đặc biệt những ngày mưa gió, con đường đến trường trở nên gian nan, xa xôi hơn.
Được biết, ngày 1/11/2023 HĐND huyện Quan Sơn đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư xây dựng công trình “Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ bản Máy đi bản Khạn” với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của Nhân dân xã Trung Thượng và khu vực lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh khu vực. Tuyến có chiều dài khoảng 3km, có điểm đầu Km0+00 giao với đường cứu hộ, cứu nạn; điểm cuối Km3+00 hướng đi vào đồi Luồng. Dự kiến triển khai thi công đầu quý III/2024, tiến độ hoàn thành dự án quý III/2025.
Bài và ảnh: Trung Lê
- 2024-10-14 20:18:00
Khởi sắc Mường Mìn
- 2024-10-14 14:15:00
Nhìn từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”
- 2024-01-13 16:12:00
Mang “mùa Xuân an sinh” đến với người có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Nghi Sơn
Cán bộ hội năng động, nhiệt huyết
Quảng Ngọc về đích nông thôn mới nâng cao
Tết xưa - tết nay
Cần có “rào chắn” bảo vệ trẻ em trước không gian mạng
Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi đi xuất khẩu lao động
Lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi
Cây cam trên những vùng đồi
Hối hả chạy việc thời vụ dịp cuối năm
“Chợ sớm bình yên” - Góc chợ xanh giữa lòng thành phố