Làng Yên Cư: Đẹp và thanh bình
Từ nhiều thế kỷ trước, trên đất Xuân Sơn xưa (nay là xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân) đã bắt đầu hình thành làng Bột Thượng, Đông Thành, Bích Phương, Ngọc Lạp,... trong đó làng Yên Cư (hay còn gọi là làng Lớn) ra đời sớm hơn cả.
Một góc thôn Yên Cư.
Từ một làng quê nghèo
Cuốn “Lịch sử làng Yên Cư” viết năm 2003 nói về quá trình thành lập làng như sau: "Vào khoảng thế kỷ XV, cách đây gần 600 năm, nơi đây là một khu sình lấy, bãi rậm, có con đường mòn đi qua từ Bắc vào Nam. Phía Nam của làng là một khu rừng rậm nhưng ở đó đã có cư dân sinh sống".
Thời vua Lê Thái Tổ, làng có tên chung là làng Lớn. Phía Tây Nam làng có một cái hồ, dân quen gọi là Mau Xanh, nơi nghĩa quân Lam Sơn bắc một cây cầu qua hồ khi cần rút vào vùng sâu. Bên kia cầu là một cái miếu rất thiêng mà mọi người khi đến đây cầu nguyện thường mang theo một lọ đựng vôi để mong sống lâu như ông bình vôi. Ngoài ra, ở trong làng còn có miếu thờ Cao Sơn đại vương tôn thần. Và được sử sách ghi lại rõ nhất là đền thờ Thành hoàng làng và 18 vị quận công. Làng Lớn sau này được chia ra thành làng Đồng Đình và làng Yên Cư.
Chạy ngay trong làng là sông nhà Lê do nghĩa quân Lam Sơn đào để chuyên chở quân trang, quân dụng chống lại nhà Minh. Sông nhà Lê bắt đầu từ làng Chủa (hay còn gọi là làng Thủy Chú), ngày nay thuộc thị trấn Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, quê ngoại của Lê Lợi). Cũng nhờ có sông nhà Lê mà sau khi thắng giặc, mảnh đất này đã trở thành nơi giao lưu buôn bán hàng hóa, thuyền bè vào ra tấp nập.
Trên đất làng Lớn, từ những ngày đầu, dòng họ Vũ (Vũ Bốn) đã đến sinh cơ lập nghiệp, gắn với câu chuyện về Thập bát quận công - tam tể tướng - tiến sĩ trạng nguyên. Thấy họ Vũ lớn mạnh, dòng họ Tào (Trung Quốc) sang đây tìm cách trấn yểm, sát hại. Chúng viện cớ đào sông tiêu lũ nhằm chặt đứt long mạch để họ Vũ lụi bại. Từ đó, nạn dịch bệnh liên tiếp xảy ra.
Chuyện kể rằng, trong một trận dịch bệnh lớn, người dân làng chết khá nhiều, tâm lý hoảng sợ khiến không ít người đã bỏ làng chạy đi nơi khác. Trong khi đó, lại có một người phụ nữ quê gốc ở làng Hội Hiền (thuộc xã Tây Hồ ngày nay) tìm đến. Nghe tin dịch bệnh đã dừng chân ở phía ngoài và ở lại sinh sống. Nơi ấy là đất làng Yên Cư ngày nay.
Nói về bà còn có giai thoại khác, đó là những ngày trở lại quê nhà, khi đi gánh nước bà gặp nghĩa quân của Lê Lợi đang bị giặc Minh truy đuổi. Nghĩa quân vừa đi qua thì giặc Minh đến hỏi bà, đoán biết ý đồ của giặc, bà liền chỉ lạc hướng, giặc đuổi theo một quãng dài không thấy nghĩa quân Lê Lợi, chúng tức giận tìm bà để sát hại.
Thoát nạn, Lê Lợi trở lại tìm thì được tin bà đã bị giặc giết. Lê Lợi cho lập miếu thờ ở quê bà, nay chính là đền bà Am trên đất Hội Hiền, xã Tây Hồ (Thọ Xuân).
Đến thời vua Duy Tân, làng ngày càng có nhiều người đến sinh sống. Trong đó có các họ: Lê Văn, Lê Đình, Lê Duy, Doãn Trọng, Ninh Văn.
Năm 1920, làng được thành lập do ông Lê Văn Lẫm làm lý trưởng, lấy tên là Yên Đô. Ít lâu sau đổi tên thành Yên Cư.
Đặt tên là làng Yên Cư là bởi tiền nhân mong mỏi đây sẽ là nơi dân làng sống yên ổn, an cư, lạc nghiệp. Vì trước đó, làng rất nghèo đói. Ở trên vùng đất chiêm trũng ấy, tài sản lớn nhất của làng là ngôi đình làm bằng tranh tre, nứa lá. Chế độ phong kiến khiến Nhân dân vô cùng khổ cực, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không được học hành... Phải đến năm 1935, có ông Lê Doãn Thành quê ở Hoằng Hóa đến đây cư trú. Ông là người có chữ vì thế đã mở lớp dạy học cho nhiều người, từ đó dân làng mới có người biết chữ.
Trở thành thôn khang trang
Theo lời kể của ông Lê Văn Tác, phó bí thư chi bộ thôn Yên Cư, thì trước đó các vị cao niên vẫn nói rằng chắc chắn nơi đây là vùng đất cổ sớm có người sinh sống. Những năm đầu thế kỷ XX nhiều người Hoa và cả những nhóm người bí mật thăm dò lòng đất tìm được khá nhiều đồ gốm, đồ đồng... Và đến nay cộng đồng dân cư ngày càng đông đúc hơn, đúng như cái tên của ông cha đặt. Yên Cư là 1 trong 13 thôn của xã Xuân Sinh, thôn hiện có 127 hộ/489 nhân khẩu.
Giếng làng được bà con giữ gìn.
Ông Lê Văn Tác, phó bí thư chi bộ thôn Yên Cư nói: "Trước đây, chẳng ai nghĩ đời sống của người làng mình phát triển thế này. Hàng chục năm về trước, người dân vẫn còn nói với nhau: “Ai về thăm xã Xuân Sơn. So xưa, nay đã đẹp hơn vạn lần”. Còn kể từ sau sáp nhập là xã Xuân Sinh thì làng Yên Cư còn đẹp hơn nữa".
Vừa đi, ông vừa giới thiệu với chúng tôi về những ngôi nhà được xây dựng khang trang. Bản thân gia đình ông cũng sở hữu ngôi nhà rất đẹp. Ông “khoe”: "Đó chủ yếu là do 2 đứa con trai của tôi đi xuất khẩu lao động gửi tiền về. Ở làng này, số lượng người đi Đài Loan rất lớn, nhờ đó mà đời sống khá hơn. Ngoài ra, những người trẻ hiện nay đi công ty, nhà máy, lương tháng ổn định. Người già ở nhà gắn bó với nghề nông".
Đời sống kinh tế khá hơn nên việc XDNTM ở thôn Yên Cư cũng nhiều thuận lợi. Ông Lê Duy Lộc, bí thư kiêm trưởng thôn cho biết: "Thời gian đầu XDNTM khó khăn nhưng càng về sau, bà con Nhân dân đã hiểu đúng bản chất của chương trình NTM là của dân, do dân và vì dân,... nên đã nhiệt tình đóng góp sức người, sức của...".
Thôn Yên Cư dẫu không còn bất cứ một công trình văn hóa tâm linh nào song phong cảnh hữu tình thì vẫn được cộng đồng dân cư gìn giữ cùng lối sống cộng cư, sẵn sàng chia ngọt, sẻ bùi... Một làng quê vừa đẹp, vừa thanh bình.
Bài và ảnh: CHI ANH
{name} - {time}
-
2025-04-12 10:36:00
Khám phá những ngôi chùa cổ tại Hoằng Hóa
-
2025-04-12 09:05:00
Sân bay Changi giành lại “ngôi vương” xếp hạng thế giới
-
2025-04-11 16:19:00
Website quảng bá du lịch ra nước ngoài của Việt Nam vươn lên top 2 khu vực
[WOW! THANH HOÁ] Làng bánh đa Đắc Châu: Hơn 100 năm giữ lửa nghề
Sân bay Nội Bài và Đà Nẵng lọt vào top 100 sân bay tốt nhất thế giới
Những làng chài đẹp đến nao lòng, yên bình và rất nên thơ của Việt Nam
Địa đạo Củ Chi - một trong 7 điểm đến kỳ lạ nhất tại khu vực Đông Nam Á
Thái Lan có chính sách mới khi nhập cảnh, du khách Việt cần chú ý những gì?
Việt Nam là một trong những điểm đến lặn biển được khách quốc tế thích nhất
Cây cầu huyền thoại Hàm Rồng
Nghỉ lễ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương: Du khách chọn những điểm đến nào?